Nghịch lý giá thịt lợn từ trang trại đến bàn ăn

Đến thời điểm này, giá lợn hơi đã nhích lên từ năm đến bảy nghìn đồng/kg, hiện ở mức trên dưới 27 nghìn đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi vẫn bị lỗ, trong khi giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn ở mức cao.

Bất cập trong khâu phân phối

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, để nuôi một con lợn nặng khoảng 100kg phải mất hơn ba tháng, chi phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y... tốn gần bốn triệu đồng. Với giá bán lợn hơi hiện tại, người nuôi sẽ lỗ trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/con. Giá lợn hơi thấp, nhưng qua khảo sát tại một số siêu thị, chợ ở Hà Nội trong những ngày qua, giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Tại siêu thị Lotte Mart (quận Ba Đình, Hà Nội): thịt vai giá 98 nghìn đồng/kg, thịt đùi giá 99 nghìn đồng/kg, nạc dăm 107 nghìn đồng/kg, sườn 143 nghìn đồng/kg... Theo nhân viên bán hàng ở đây, giá thịt hiện tại đã giảm từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg so với thời điểm một tuần trước đó! Chị Nguyễn Thị Trang ở phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc nói: “Trong khi giá lợn hơi “chạm đáy” trong nhiều năm trở lại đây thì giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao hơn nhiều khiến người chăn nuôi, người tiêu dùng chịu thiệt, còn lợi nhuận chủ yếu “chảy vào túi” các đối tượng thuộc khâu trung gian”. Tại các chợ truyền thống: Xuân La (quận Tây Hồ), Ngọc Thụy (quận Long Biên), Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa), giá thịt lợn đã có phần “hạ nhiệt”, còn từ 55 nghìn đến 75 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Tú, tiểu thương bán hàng tại chợ Ngô Sỹ Liên chia sẻ: “Mặc dù giá bán thịt tại chợ hiện nay đã giảm gần 20 nghìn đồng/kg so với trước đó, nhưng do nguồn thịt phải lấy qua nhiều khâu trung gian, cho nên giá thịt bán ra không giảm mấy”.

Trang trại chăn nuôi tập trung của hộ gia đình bà Lành Thị Triều, xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh (Đồng Nai).Ảnh: ĐĂNG KHOA

Lý giải về vấn đề này, nhiều đại diện siêu thị cho biết, giá bán lẻ cao bởi giá thịt lợn đầu vào từ các nhà cung cấp lớn giảm không nhiều. Hơn nữa, giá được ký hợp đồng từ trước thời điểm giá lợn hơi chưa giảm sâu và hệ thống siêu thị thường thanh toán trả chậm từ một đến hai tháng, cho nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất. Còn người bán hàng tại các chợ truyền thống thì cho rằng, vì phải bù lỗ vào chi phí vận chuyển, giết mổ, thuê mặt bằng bán hàng... họ không giảm giá thịt, hoặc giảm “nhỏ giọt”.

Từ thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, những bất cập trong khâu phân phối đến tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn. Hiện thương lái đi thu gom mua lợn, tập kết ở một điểm và bán lại cho lò giết mổ. Sau đó, các lò này lại đẩy hàng cho người bán lẻ để bán cho người tiêu dùng. Như vậy phải qua mấy khâu trung gian, chi phí “đội” lên là đương nhiên. Bên cạnh đó, khâu phân tích, cung cấp thông tin, dự báo tình hình thị trường của các bộ, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc người chăn nuôi lợn không có thông tin chính xác thị trường đang cần gì và trong thời gian bao lâu, khả năng cung cấp, tiêu thụ nguồn hàng ra sao. Vì thế, khi thị trường biến động theo chiều hướng không thuận lợi, họ không biết làm cách nào để tiêu thụ và đành chấp nhận chịu rủi ro. Hiện số lượng lợn “tồn kho” ở các địa phương còn khá nhiều, trong đó tỉnh Đồng Nai có hơn 300 nghìn con lợn đến kỳ xuất chuồng, thậm chí “quá lứa” nhưng chưa tiêu thụ được, tỉnh Quảng Ninh còn 40 nghìn con, tỉnh Tuyên Quang có hơn 52 nghìn con…

Để các bên cùng có lợi

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong tất cả các khâu, nhằm giảm những chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt.

Đáng chú ý là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, cần đẩy mạnh việc ký hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý. Thực hiện tốt công tác truyền thông khi các doanh nghiệp triển khai thu mua, chế biến, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn của các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, những giải pháp mà ngành nông nghiệp và công thương đưa ra trong thời gian qua vẫn chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn vào tổng thể thị trường để hiểu được nguyên nhân tạo ra chu kỳ giá lợn, có các giải pháp để làm thay đổi cấu trúc của thị trường. Đồng thời, tuyên truyền để người nông dân trước khi đầu tư mở rộng chăn nuôi phải biết được sản phẩm làm ra bán thế nào, giá thành bao nhiêu. Khuyến khích người chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào (con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi), giết mổ chế biến và các đơn vị bán lẻ. Việc kết hợp này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, giúp tạo ra các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và “đầu ra”. Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng một bộ phận tập hợp các chuyên gia hiểu biết sâu về sự biến động của thị trường nông sản nói chung, thịt lợn nói riêng, dự đoán diễn biến thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó khi giá giảm mạnh. Bên cạnh đó cần tổ chức lại sản xuất ngành hàng theo hướng tập trung, quy mô lớn theo tín hiệu thị trường, lấy doanh nghiệp tiêu thụ làm hạt nhân, mới có thể khắc phục được tình trạng “được mùa, mất giá”, “vênh” giá lợn từ trang trại đến bàn ăn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32857502-nghich-ly-gia-thit-lon-tu-trang-trai-den-ban-an.html