Nghịch lý diễn viên hài chấm thi ca sĩ hát

Ca sĩ đi chấm thi diễn viên, nghệ sĩ hài chấm thi ca sĩ hát, nhạc sĩ làm giám khảo cuộc thi nhảy múa… những chuyện tưởng tréo ngoe đó lại đang diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam. Người xem truyền hình nhìn giám khảo và tự hỏi: Họ có đủ “tầm” để truyền đạt, đào tạo cho thí sinh? Họ dạy gì, khi chính mình không có chuyên môn, kiến thức về lĩnh vực mình làm giám khảo?

Ca sĩ Siu Black làm thí sinh, diễn viên Việt Hương làm giám khảo cuộc thi ca hát. Ảnh: BTC

Ngồi nhầm chỗ

Những giờ qua, việc nghệ sĩ Việt Hương đưa ra những lời nhận xét về chuyên môn với ca sĩ Siu Black trong chương trình “Sinh ra để tỏa sáng” khiến khán giả tranh cãi. Nhất là Siu Black lại tham gia với tư cách thí sinh còn Việt Hương là bình luận viên, nhận xét các phần thi của cô và nghệ sĩ khác.

Sự sắp xếp các nhân vật trong chương trình khiến không ít người thấy khập khiễng. Bởi, trong lĩnh vực âm nhạc, Siu Black đã là ca sĩ chuyên nghiệp, đi hát nhiều năm, từng có kinh nghiệm làm giám khảo nhiều cuộc thi ca hát. Còn Việt Hương là diễn viên hài, không có nhiều kinh nghiệm, lẫn chuyên môn về lĩnh vực này.

Nhiều người đặt câu hỏi: “Việt Hương có quyền chấm thi Siu Black hát gameshow không và liệu cô có ngồi nhầm chỗ”?

Ca sĩ Siu Black trong chương trình "Sinh ra để tỏa sáng". Ảnh: BTC

Trước những ồn ào này, đơn vị sản xuất “Sinh ra để tỏa sáng” chính thức lên tiếng giải đáp. Nhà sản xuất cho biết, Việt Hương và danh ca Đức Huy là các bình luận viên thường trực chứ không phải giám khảo nên không chấm điểm. Đảm nhận vai trò chấm điểm chính là 100 khán giả có mặt ở trường quay.

Tuy nhiên, rõ ràng qua các tập phát sóng, Việt Hương có đưa ra rất nhiều lời nhận xét về chuyên môn. Việc này sẽ góp phần không nhỏ trong việc định hướng khán giả ở trường quay chấm điểm. Và hơn hết, những lời nhận xét từ một người am hiểu âm nhạc, am hiểu chuyên môn khi ngồi vào ghế giám khảo hay bình luận viên, chắc chắn sẽ có sức nặng, mới khiến người chơi, khán giả “tâm phục khẩu phục”.

Giám khảo không “chất”, làm sao dạy thí sinh?

Vài năm nay, khi gameshow bùng nổ ở nước ta, không ít nghệ sĩ coi đây là sân chơi chính, coi việc đi làm giám khảo là một nghề. Nhiều nghệ sĩ thừa nhận rằng, làm giám khảo gameshow chỉ cần biết ăn nói, nghe theo nhà sản xuất là có thu nhập gấp nhiều lần chạy show hàng đêm. Vì nguồn lợi lớn mang lại, nghệ sĩ bất chấp “gật đầu” làm giám khảo, dù vị trí đó thực sự không hợp với chuyên môn của mình.

Còn về phía nhà sản xuất, để chương trình tăng tính cạnh tranh, thay vì đầu tư vào chất lượng, họ lại đổ tiền để mời bằng được những người nổi tiếng làm giám khảo. Chính việc "thả nổi" chất lượng chuyên môn của ban giám khảo là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng gameshow ngày càng đi xuống.

Nếu nhìn vào số nghệ sĩ “đắt show” làm giám khảo trên truyền hình, sẽ thấy phần lớn là những cái tên thời thượng, hút khách, nhiều fan hâm mộ, bất kể có phù hợp hay không, bất kể trình độ cao hay thấp. Thậm chí người nào càng gây ồn ào, thị phi thì càng được “săn đón”.

Khán giả từng lên tiếng phản đối gay gắt việc Hari Won trở thành giám khảo trong một chương trình âm nhạc.

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2016, khi chuyện tình cảm của Hari Won và Trấn Thành vấp phải chỉ trích từ phía dư luận, có nhà sản xuất đã tận dụng scandal của họ một cách tối đa. Hầu như chương trình nào cũng có Trấn Thành làm giám khảo, có khi mời cả hai người, hết chấm thi ca hát, đến thi nhảy, thi diễn xuất.

Ngày trước, để chấm một cuộc thi âm nhạc thì rất cần những nhạc sĩ, ca sĩ có uy tín, hay ít ra cũng là một giảng viên khoa thanh nhạc, thì ngày nay, một siêu mẫu, hoa hậu hay diễn viên hài, MC hoàn toàn có thể ngồi ghế giám khảo một chương trình như vậy. Họ nhận xét theo cảm xúc, cảm tính, trong khi điều thí sinh cần là kiến thức chuyên môn.

Cũng chính việc “ngồi nhầm chỗ” đã gây ra không ít “thảm họa”, khiến khán giả không hài lòng. Hari Won biến truyền hình thành chỗ trêu đùa, tán tỉnh nhau với một thí sinh: “Anh có bạn gái chưa? Em yêu anh được không? Nếu em tặng anh 10 điểm, anh sẽ cho em cái gì?”...

Rất nhiều ca sĩ trẻ, vừa là thí sinh bước ra từ cuộc thi này, sau một đêm đã trở thành giám khảo của một chương trình khác. Nhiều người vì không đủ kiến thức, nên nhận xét và nói bừa, nói không suy nghĩ, rồi tranh cãi lẫn nhau.

Một khi vẫn còn những hiện tượng “ngồi nhầm chỗ” như này, thì sẽ khó giảm được những chương trình nhảm nhí. Người xem cần những chương trình giải trí lành mạnh, có ích, chứ không cần những chương trình sai lệch về các chuẩn mực phát ngôn, nhận xét do trình độ giám khảo mang lại.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giai-tri/nghich-ly-dien-vien-hai-cham-thi-ca-si-hat-668068.bld