Nghịch lý bình ổn giá tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng: 'Buông' khách sạn, 'siết' giữ xe

Với quy định mới, các khách sạn không còn bị ràng buộc chuyện chỉ được phép tăng giá không quá 50% trong dịp lễ, thay vào đó là chỉ cần kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các khách sạn không còn lo chuyện đối phó kiểm tra, cho dù giá có thể cao ngất ngưởng. Trong khi đó, việc trông giữ xe chuyển từ “phí” sang “giá” với mức 3.000 đồng (nếu đúng quy định) cho một chiếc xe máy gần như đang thiếu công bằng đối với các cá nhân, tổ chức đăng ký hoạt động những ngày lễ.

Nói dễ hiểu hơn là trong khi chủ khách sạn khiến cho người sử dụng dịch vụ có thể phải chịu giá trên trời sau khi bắt tay với các tour lữ hành thì chủ của một bãi giữ xe có thể chỉ đủ tiền... ăn bún!

Khó kiểm soát giá thực của dịch vụ lưu trú

Theo khảo sát, với sự gia tăng của hệ thống khách sạn thì năm nay vấn để “cháy phòng”, “sốt ảo” không căng thẳng như kỳ nghỉ lễ có pháo hoa của năm 2015. Đặc biệt, ở phân khúc 4-5 sao, phần đông nguồn khách ổn định nên không có tác động nhiều trong dịp này. Tuy vậy, khối từ 1-3 sao hiện có nhiều loại giá khác nhau và vẫn còn xuất hiện tình trạng “làm trò” với khách du lịch trong khi khách sạn ở các vị trí đắc địa như ven biển và hai bên sông Hàn được đẩy giá lên gấp nhiều lần ngày thường.

Trong vai một người đặt phòng, chúng tôi liên hệ với nhân viên kinh doanh của khách sạn V. trên đường Trần Hưng Đạo thì được người này cho biết, khi đặt phòng tại đây, khách có thể lên sân thượng để xem pháo hoa mà không cần có mặt tại khán đài nên giá sẽ được tính chung vào tiền phòng. Cụ thể, một đêm lưu trú có xem pháo hoa được chào bán mức 3,5 triệu đồng/phòng đôi, nếu “chêm” thêm người thì phụ thu 300.000 đồng. Sau đêm có pháo hoa, giá sẽ “đao” xuống còn mức khoảng dưới 1 triệu đồng. Tương tự, các khách sạn 1-3 sao gần biển cũng dao động ở mức 1,5 triệu đồng, gần gấp 3 lần so với ngày thường. Vì đêm trình diễn pháo hoa là thời gian giữa kỳ nghỉ lễ nên gần như không thể mua lẻ một đêm mà khách buộc phải đặt phòng từ 2-3 đêm hoặc ở một đêm nhưng phải trả tiền gấp 2-3 lần! “Chúng tôi buộc phải đưa ra cơ chế này vì nếu chỉ bán phòng 1 đêm thì 2 đêm còn lại trong kỳ lễ sẽ rất khó bán, gần như là bỏ không vì chẳng ai sát ngày đó còn đi đặt phòng nữa”, quản lý khách sạn trên đường Hà Bổng cho hay.

Theo phản ánh của các cơ quan như Sở Du lịch, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường thì với quy định mới, công tác bình ổn, kiểm soát giá cả trong thời gian diễn ra lễ hội, kỳ nghỉ năm nay sẽ rất khó khăn. Hiện tại, khách sạn không còn bị ràng buộc bởi quy định không được tăng quá 50% giá đã kê khai mà chỉ cần kê khai giá một lần trong năm và bán đúng giá là được. Ông Nguyễn Nho Hậu – Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường phân tích, khách sạn có thể kê khai giá lên rất cao sau đó bắt tay với các tour với giá thấp hơn, nhưng chính du khách lại phải mua với giá đã niêm yết. Nghĩa là trong khi cả đơn vị lữ hành và đơn vị cung cấp dịch vụ đều có lời thì người sử dụng dịch vụ có thể phải chịu giá cao hơn giá trị thực. “Doanh nghiệp họ tự quyết định giá, mà giá cao hay thấp thì chỉ có họ biết chứ mình làm gì có căn cứ nào để xác định. Mình chỉ có thể xử lý nếu phát hiện họ tự động tăng hay giảm sau khi đối chiếu giá niêm yết với giá trên hóa đơn. Còn thì họ tự quyết định giá bao nhiêu cũng được, mình không có chuẩn nào để định giá”, ông Hậu cho hay.

Cũng nêu về những bất cập trong quy định này, ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, năm nay không có bàn tay điều tiết của các cơ quan nhà nước nên việc quản lý giá sẽ rất khó khăn. “Luật giá không cho địa phương có những quy định về việc bình ổn mà doanh nghiệp họ tự quyết định giá dịch vụ. Điều này sẽ tạo sự đắt đỏ cho các điểm đến khi giá dịch vụ có thể được kê khai ở mức cao”, ông Cường nêu quan điểm.

Hệ thống khách sạn phân khúc 4-5 sao và khách sạn ven biển, ven sông Hàn hiện gần như đã kín phòng.

3.000 đồng/xe máy, khả thi không?

Theo quy định đã được ban hành thì giá giữ xe máy trong các đêm trình diễn pháo hoa sẽ bị “siết” ở mức... 3.000 đồng/xe/đêm. Đây sẽ là một “cú sốc” đối với các cá nhân, tổ chức đăng ký trông giữ xe bởi trước đây 2 năm, cũng tại cuộc thi trình diễn pháo hoa thì con số đó đã là 5.000 đồng. Theo giải thích của cơ quan chức năng thì sự thay đổi này là do quy định mới về “giá” thay cho “phí” trước đây. Và nếu thực hiện đúng thì gần như sẽ không có gia đình nào đăng ký dịch vụ này vì trông giữ xe vào dịp lễ là rất căng thẳng, mệt mỏi, nếu chỉ mất một chiếc mũ bảo hiểm thôi đã phải đền “no đòn” rồi, chưa nói xui xẻo là xảy ra chuyện mất xe. Ông Nguyễn Nho Hậu cho biết, năm 2015 với mức giá 5.000 đồng/xe mà nhiều người đã không mặn mà thì nay kéo xuống 3.000 đồng thì chắc sẽ chẳng ai thèm giữ. Nếu quy định cứng nhắc như vậy sẽ tạo sự phức tạp. Không có ai trông giữ thì lượng xe cộ rất lớn của người dân không biết xử lý ra sao. Ngược lại, nếu giữ theo giá niêm yết 3.000 đồng thì các điểm giữ xe tự phát họ có thể tự nâng giá cao hơn, vừa tạo sự thiếu công bằng cho các điểm đăng ký vừa gây hiểu nhầm cho du khách là dịch vụ tự ý “chặt chém”.

Để tạo thuận lợi cho người dân có thêm thu nhập thông qua dịch vụ này, trên cơ sở kiến nghị của các phường, UBND các quận Hải Châu và Sơn Trà đã đề xuất Sở Tài chính, UBND thành phố Đà Nẵng xem xét cho phép nâng mức giá lên 6.000 đồng/xe máy, 30.000 đồng/ô-tô dưới 15 chỗ. Đến sáng 27-4, bà Trần Thị Thanh Tâm – Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết đang chờ quyết định của UBND thành phố. Chiều cùng ngày, lãnh đạo phòng Tài chính Q. Hải Châu thông tin là đã có đề xuất tương tự như Sơn Trà nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức. Vị này cũng nêu quan điểm là việc bình ổn giá rất quan trọng, nhưng kèm theo đó cũng phải ở mức phù hợp, đủ bù đắp sức lao động cho người dân. Nếu quá cứng nhắc thì vừa không tạo động lực kinh doanh vừa có thể nảy sinh sự thiếu công bằng. Khi được hỏi nếu bắt buộc phải tuân thủ quy định giữ xe máy với giá 3.000 đồng cho một đêm xem pháo hoa, anh Bình, một hộ gia đình thuộc địa bàn P. An Hải Tây, Q. Sơn Trà cho biết: “Anh xem, trong lúc mọi người được đi chơi thì mình phải quần quật làm việc khoảng gần 10 giờ đồng hồ. Chưa nói phải bỏ sức lao động ở cường độ cao mà nếu có rủi ro thì không đủ tiền đền. Mà tôi nghĩ, người dân không đến nỗi chi li khi phải trả dăm bảy nghìn để gửi xe đi chơi. Mình đừng làm quá, đừng chặt chém thôi chứ 3.000 đồng một chiếc xe vào lễ hội thì ai giữ chi cho khổ”.

Thiết nghĩ, việc khách sạn được “buông” trong khi trông giữ xe vốn chỉ mang tính chất mùa vụ, là công việc nặng nhọc lại bị “siết”, dù là đúng quy định cũng chưa thực sự hợp lý. Hàng trăm hộ dân tại Q. Sơn Trà và Hải Châu đang mong chính quyền và ngành chức năng có cơ chế hợp lý để vừa tạo điều kiện cho họ làm ăn vừa góp phần đảm bảo trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội. Vì xét cho cùng, nếu neo ở mức giá như vậy chưa chắc đã khả thi trong thực tế, mà còn có nguy cơ tạo sự phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu trong mắt du khách.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_165325_nghich-ly-binh-on-gia-tai-le-hoi-phao-hoa-quoc-te-.aspx