Nghĩa vụ cấp dưỡng cho vợ, chồng sau ly hôn

Vợ chồng tôi ly hôn theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Tôi đã kết hôn với người khác, còn vợ tôi vẫn sống độc thân. Gần đây, vợ cũ của tôi yêu cầu tôi phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tôi không đồng ý nên cô ấy khởi kiện ra tòa án để buộc tôi phải thực hiện nghĩa vụ này. Đề nghị luật sư cho biết, việc khởi kiện như vậy có đúng không và tôi có nghĩa vụ phải cấp dưỡng hay không?

Nguyễn Bình (Huyện Chương Mỹ, Hà Nội)

Luật sư Vũ Thị Viên (VPLS Đông Hà, ĐT: 0975748357; email: vtvluatsu@gmail.com) trả lời:

- Quan hệ hôn nhân là quan hệ đặc biệt, là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Cơ sở của sự tự nguyện là tình yêu thương, bình đẳng và tự nguyện giữa vợ và chồng, mục đích xây dựng mối quan hệ bền vững. Quan hệ hôn nhân được công nhận là hợp pháp và được pháp luật bảo vệ khi sự kết hợp giữa hai người được thực hiện theo trình tự thủ tục đăng ký kết hôn do pháp luật quy định.

Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Ly hôn là mặt trái của hôn nhân, là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi hai người còn sống do một bên yêu cầu hay cả hai bên thuận tình được tòa án nhân dân công nhận bằng bản án xử cho ly hôn. Ly hôn là hiện tượng xã hội bất bình thường nhưng cần thiết để bảo đảm quyền tự do trong hôn nhân và nó như biện pháp nhằm để củng cố chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Ly hôn được công nhận bằng bản án khi tòa án xét thấy "tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".

Theo quy định tại Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn thì: "Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình".

Đây tuy là một quy định của pháp luật nhưng lại thể hiện tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và nâng cao giá trị đạo đức xã hội, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, thể hiện tình nghĩa vợ chồng ngay cả khi quan hệ vợ chồng đã không còn được pháp luật bảo hộ.

Trên thực tế, khi đã ly hôn, tâm lý chung của vợ hoặc chồng là hiếm khi muốn có sự "nhờ vả" đến người vợ/chồng cũ của mình. Chỉ đến khi lâm vào tình trạng quá quẫn bách, không còn biết bấu víu vào ai nữa thì họ mới phải tìm sự giúp đỡ của "người xưa". Đó là vì tình, nên thương mà giúp đỡ. Còn về lý, đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên thì vợ cũ của anh có quyền khởi kiện. Nếu tòa án xét thấy yêu cầu khởi kiện có căn cứ sẽ tuyên một bản án buộc anh phải có trách nhiệm cấp dưỡng ở một mức độ hợp lý. Nói chung, được coi là có lý do chính đáng khi lâm vào tình trạng khó khăn túng thiếu là do những điều kiện ngoại cảnh mang lại, ví dụ như ốm đau, bệnh tật hay gặp tai ương bất ngờ…

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/LS-bandoc/634068/nghia-vu-cap-duong-cho-vo-chong-sau-ly-hon