Nghĩa tình, trách nhiệm với người có công

BPO - Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Ngay từ năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”. Đến năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” và chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hy sinh cho Tổ quốc. Kể từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.

Bài 1:

NỖI ĐAU CHƯA NGUÔI

Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, vì nền hòa bình và ấm no của dân tộc đã có hàng triệu người con ưu tú xung phong ra trận. Trong số ấy, biết bao người đã mãi mãi không trở về hay gửi lại một phần cơ thể nơi rừng sâu, núi thẳm, đại dương mênh mông… Hàng chục năm đã đi qua, thương tích nặng nề của chiến tranh đến bây giờ vẫn chưa liền sẹo. Hiện hàng ngàn thương binh, bệnh binh, kể cả các thế hệ con, cháu của lớp người trực tiếp tham gia kháng chiến vẫn phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp của chiến tranh.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Ánh Tuyết thăm hỏi sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Năm ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh - Ảnh: Thanh Lâm

“Các anh không về, mình mẹ lặng yên”

Trở lại thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Nên ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, chúng tôi xúc động khi mẹ đang từng ngày yếu đi vì tuổi cao. Mái tóc đã bạc trắng, đôi chân đi lại khó khăn nhưng khi chúng tôi nhắc lại câu chuyện cũ năm xưa mẹ từng kể về chồng, con trai là những liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ hòa bình, độc lập cho dân tộc, những giọt nước mắt của mẹ lại lặng lẽ lăn xuống. Mẹ từng kể rằng, mẹ không quên được hình ảnh chồng (liệt sĩ Phạm Kiện) bị giặc bắn chết tại Phú Mỹ, xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 28-2-1965. “Khi đó, địch bắt ông ấy đi tra khảo nhưng không khai thác được gì, phải thả ổng về làng. Về gần tới hầm Phú Mỹ, việt gian khẳng định ổng là Việt cộng nên chúng bắn ổng. Chồng tôi hy sinh ngay miệng hầm của đồng chí, đồng đội. Nhìn thấy cảnh đó, tôi chỉ biết gạt nước mắt và quyết tâm chiến đấu để đánh đuổi kẻ thù!” - theo lời kể của mẹ Nên tháng 7-2016. Không chỉ nuốt nước mắt chia ly chồng, trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ lặng lẽ tiễn 3 người con lần lượt ra chiến trường nhưng 1 người mãi mãi nằm lại hóa thân vào sông núi.

Đó cũng là hoàn cảnh tương tự của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, sau những lần tham gia tiếp tế thuốc men, lương thực cho cách mạng, mẹ Bảy bén duyên với một cán bộ cách mạng quê tỉnh Tiền Giang. Theo chồng về vùng đất Cai Lậy, Tiền Giang, mẹ Bảy tiếp tục tìm cách tiếp tế nhu yếu phẩm cho chồng, cho cách mạng. “Khi đất nước cần, con gái, con trai cùng ra trận!”, các thành viên gia đình mẹ Bảy (trừ người con trai út sinh năm 1969) đã hiến dâng tuổi xuân cho kháng chiến nhưng khi nước nhà độc lập, non sông liền một dải, chồng và con trai cả của mẹ đã mãi mãi không về. Nay ở tuổi xưa nay hiếm, mẹ ở cùng con trai út và thường xuyên được Nhà nước, các đoàn thể, đơn vị quan tâm, chăm sóc nhưng nỗi nhớ chồng, con vẫn tìm về, nhất là trong những ngày tháng 7.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận hồ sơ hơn 360 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 14 mẹ còn sống, hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng của xã hội. Sự quan tâm ấy phần nào làm ấm lòng các gia đình chính sách nhưng trong sâu thẳm nỗi lòng của mỗi mẹ vẫn khắc khoải nỗi nhớ thương chồng, con đã ngã xuống, thậm chí có anh còn chưa tìm được hài cốt.

Gần 50% liệt sĩ chưa xác định được thông tin

Ông Lê Bá Phán ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng cho biết, bản thân trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ nên cũng đã tìm kiếm được khá nhiều hài cốt đồng đội, đưa các anh về yên nghỉ với đất mẹ. Vậy nhưng, anh trai vợ cũng là người bạn cùng ra chiến trường một đợt với ông đã hy sinh mấy chục năm nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. “Có thể, anh đã được quy tập vào một nghĩa trang nào đó nhưng chưa xác định được thông tin nên chúng tôi dù đi tìm kiếm rất lâu, vẫn chưa thấy để đưa anh về với quê hương” - ông Phán bần thần.

Hiện nay, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh còn hàng ngàn phần mộ chưa xác định được thông tin. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên thay bông cho các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh

Cũng mang nỗi đau từ chiến tranh, cựu chiến binh Vũ Văn Diệm ở TP. Đồng Xoài đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt của anh trai. Ông nghẹn ngào: “Nhà tôi có 2 anh là liệt sĩ nhưng chỉ 1 anh tìm được hài cốt, còn 1 anh dù gia đình đã rong ruổi khắp các nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn chưa tìm thấy. Vết thương ấy, nỗi đau ấy không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai khi thấy nước mắt mẹ tôi mãi rơi mỗi lần nhìn lên di ảnh”.

Vết thương còn mãi

Không chỉ mang nỗi đau người thân hy sinh trên chiến trường chưa tìm thấy hài cốt mà di chứng tàn khốc của chiến tranh còn hiển hiện rõ trong gia đình bệnh binh Lê Bá Phán. Theo lời kể của ông, tháng 6-1968, ông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và tham gia làm nhiệm vụ tại chiến trường miền Đông thuộc đơn vị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7. Nhận nhiệm vụ làm y tá chiến trường, ông tham gia các chiến dịch lớn từ Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh, góp phần giải phóng Phước Long và trực tiếp tham gia các trận đánh của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ở chiến dịch nào, y tá Lê Bá Phán cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Ông những tưởng mình lành lặn trở về là niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng có những nỗi đau sau chiến tranh vẫn luôn nhức nhối… 5 người con của ông lần lượt ra đời thì đến 3 trong số đó mang trong mình “thảm họa chiến tranh” bởi chất độc da cam/dioxin. Ở tuổi ngoài 30, các con ông vẫn phải cậy nhờ mẹ già chăm sóc từng chút một. Còn ông, ở tuổi 75, vẫn còn phải bận rộn mưu sinh. “Khó khăn chồng chất khi 3 con sinh ra đều nhiễm chất độc da cam. Nhưng mình phải nghị lực vượt qua bệnh tật, nghịch cảnh và quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Mình phải cố gắng làm để chăm lo cho các con, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước” - ông Phán luôn tự nhắc nhở bản thân như thế.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có 5 nghĩa trang đã quy tập trên 10.300 mộ liệt sĩ, trong đó hơn 6.000 mộ liệt sĩ có tên, còn hơn 4.300 mộ liệt sĩ vẫn chưa xác định được thông tin. Những con số ấy chứng minh sự tàn khốc của chiến tranh đã để lại nỗi đau vô tận và day dứt của thân nhân liệt sĩ cũng như những người làm công tác chính sách đối với người có công.

Toàn tỉnh hiện tiếp nhận quản lý hồ sơ hơn 5.400 liệt sĩ, gần 3.900 thương binh, hơn 1.000 bệnh binh, hơn 1.800 người tham gia kháng chiến và con cháu bị phơi nhiễm chất độc hóa học… Những hy sinh, mất mát ấy góp phần cùng quân dân cả nước tô đậm và viết tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/135353/nghia-tinh-trach-nhiem-voi-nguoi-co-cong-bai-1