Nghĩa tình Đá Biên

Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8, tọa lạc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An là nơi ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của gần 200 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 trong trận đánh ngày 03/10/1973. Những chiến sĩ ấy tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người đang là sinh viên. Các anh rời giảng đường, cầm súng bảo vệ Tổ quốc và ra đi mãi mãi trong một cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước, mang lại hòa bình, độc lập cho quê hương.

Chiến sĩ Trung đoàn 207 phần lớn là tân binh thuộc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Thủy lợi, Giao thông,... sẵn sàng xếp bút nghiên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên đường hành quân từ Mỏ Vẹt (giáp biên giới Campuchia), các anh bí mật vượt sông.

Năm ấy, nước lũ dâng cao. Giữa đồng nước mênh mông, các anh bị địch phát hiện, cho 12 chiếc máy bay trực thăng bắn rocket, nhiều xe tăng lội nước xông thẳng vào đội hình Trung đoàn, bắn xối xả vào đoàn quân ta. Và rồi, gần 200 người đã vĩnh viễn nằm lại trên cánh đồng nước ở vùng Đồng Tháp Mười.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Ngày giỗ các liệt sĩ Trung đoàn 207, cựu chiến binh Phạm Trí Luyện - một trong những chiến sĩ Trung đoàn 207 may mắn còn sống sót, lặn lội vào Long An thắp nén hương cho đồng đội. Ông Luyện xúc động nói: “Đồng đội của tôi hy sinh trên mảnh đất này và mãi mãi nằm lại nơi đây, được người dân, chính quyền chăm lo hương khói, tôi cảm thấy rất ấm lòng và cảm ơn sâu sắc.

Tôi may mắn thoát chết vì xác của đồng đội hy sinh ngay trên người tôi nên địch không phát hiện. Biết ơn người đồng đội đã bảo vệ mình, tôi họa di ảnh và thờ anh cho đến hôm nay. Lễ giỗ lần thứ 50 này, tôi vào Đá Biên, thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội cùng vào sinh ra tử”.

Cánh đồng ấp Đá Biên (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) vào mùa nước nổi, nơi mà ngày xưa Trung đoàn 207 đã hy sinh

Sau trận đánh, khi địch rút hết quân, má Lê Thị Sáu, cán bộ địa phương cùng người dân ấp Đá Biên dùng mùng để vớt xương thịt của chiến sĩ đã rã trong nước lũ. Thương cho hương hồn của những người lính trẻ xa nhà đã hy sinh trong trận đánh ấy, với tấm lòng tri ân, má cùng người cháu tên Nguyễn Văn Tư (người dân ở đây thường gọi là Tư Tờ cưa tràm) mua hai tấm tôn (hiện vẫn còn) và đắp mô đất thành một ngôi miếu nhỏ giữa cánh đồng nước mênh mông, đặt tên là miếu “Bắc Bỏ” để các anh có chỗ “đi về”.

Ngày giỗ các anh năm nay (8/9 Âm lịch), má Sáu đã 83 tuổi, sức yếu nhưng vẫn mang hương hoa, bánh trái để cùng người dân dâng cúng liệt sĩ. Má Sáu nói: “Thắp hương để anh em ấm áp”, rồi má hướng đôi mắt nhìn ra cánh đồng mùa này nước cũng ngập trắng.

Má trầm ngâm: “Sau trận càn quét của địch, máu của liệt sĩ nhuộm đỏ lẫn vào trong nước, nhìn đau xót lắm! Giờ nhớ lại, má vẫn không kìm được nước mắt”. Ông Tư Tờ từ đó đến nay cũng tình nguyện chăm sóc, hương khói hàng ngày cho liệt sĩ.

Chiến sĩ Đại đội Bộ binh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạnh Hóa chuẩn bị lễ giỗ liệt sĩ Trung đoàn 207

Ông Tư Tờ chia sẻ: “Những năm trước, nước ngập sâu, vào ngày giỗ, người dân để mâm cơm trên mũi xuồng, đốt nhang cúng vái. Không riêng tôi mà mọi người dân ấp Đá Biên đều trân trọng, biết ơn sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ nên thờ cúng cho trọn nghĩa, vẹn tình”.

Ấm lòng thân nhân liệt sĩ

Để tưởng nhớ sự hy sinh của các liệt sĩ, tháng 10/2012, Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8 được khánh thành với diện tích hơn 5.000m2. Công trình được sự đóng góp từ các cựu chiến binh Trung đoàn 207 cùng nhân dân trên khắp mọi miền đất nước và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí khoảng 14 tỉ đồng.

Ngày giỗ hàng năm, người dân về với ấp Đá Biên ngày càng nhiều. Bởi nơi đây là quê hương thứ hai và các anh mãi sống trong lòng người dân Đá Biên, với đất và người Long An.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Chị em tôi lo hậu cần, nấu cơm, canh để trước cúng các liệt sĩ, sau đó đãi khách đến dự lễ giỗ. Hồi trước bà con lối xóm ở đây có gì cúng đó, người nấu xôi, luộc gà, nướng cá, vài lít rượu nếp. Các anh hy sinh ở đây, còn người thân, gia đình thì ngoài miền Bắc nên người dân Đá Biên xem các anh như người thân”.

Người dân ấp Đá Biên (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) mãi tri ân các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 207

Tình cảm chân chất, mộc mạc nhưng mang ý nghĩa tri ân sâu sắc của người dân Đá Biên làm cho thân nhân liệt sĩ vơi bớt phần nào nỗi đau chiến tranh và cảm thấy ấm lòng. Bà Cao Thị Lan (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) không giấu được niềm xúc động: “Gia đình rất cảm ơn và xúc động trước tấm lòng của người dân Đá Biên và cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chăm lo, ghi công, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, trong đó có anh trai của tôi đã ngã xuống trên mảnh đất này”.

Tinh thần dũng cảm và sự hy sinh cao cả của các anh soi đường cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối ước mơ về sự phồn vinh của đất nước, ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Thạnh Hóa, truyền thống Trung đoàn 207 mãi tỏa sáng để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung sĩ Phạm Minh Trí - Đại đội Bộ binh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạnh Hóa, bày tỏ: “Tôi và đồng đội phấn đấu huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, làm chủ vũ khí trang bị có trong biên chế, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tác chiến trên địa bàn sông nước để góp phần bảo vệ Tổ quốc, tiếp nối truyền thống Trung đoàn 207”.

Các anh nằm lại với Đá Biên. Và Đá Biên cũng là quê hương thứ 2 của các anh. Người dân Đá Biên nghĩa tình sẽ sưởi ấm linh hồn các anh mãi đến mai sau tựa như bài thơ mà một cựu chiến binh Trung đoàn 207 đã tạc trước đền tưởng niệm: “...

Giữa bao la trời nước Tháp mười. Vì đất nước các anh hy sinh nằm lại. Vĩnh biệt đồng đội, quê hương, cha mẹ, tuổi thanh xuân. Vĩnh biệt mái trường xưa ước mơ tuổi trẻ. Các anh về với người dân Thạnh Hóa, Long An”./.

Thùy Trang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghia-tinh-da-bien-a167510.html