Nghĩa cử cao đẹp của Hồ Chủ tịch trong chuyến thăm nước ngoài năm 1959

Tác phẩm 'Kể tiếp chuyện Bác Hồ' đưa đến những câu chuyện xúc động về Pridi Phanomyông, 'Ông hoàng Đỏ' Lào Xuphanuvông hay Couturier trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí với Bác Hồ.

Tác giả Trần Quân Ngọc từng là Thư ký của đồng chí Đỗ Mười. Trước đó ông làm phiên dịch cho nhiều đoàn chuyên gia nước bạn đến giúp đỡ Việt Nam xây dựng kinh tế dạo kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi sau về công tác tại cơ quan 12 thuộc Phủ Thủ tướng (lúc ấy gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Hiện nay, tác giả đã nghỉ hưu.

Cho đến nay, ông đã có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có thể kể đến Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Theo bước chân Người...

Ấn tượng lần đầu tiên gặp Bác

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), Trần Quân Ngọc có tác phẩm Kể tiếp chuyện Bác Hồ do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Nói về đam mê của bản thân đối với đề tài về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, tác giả cho hay dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ (1990), ông viết một loạt bài liên quan đến Bác đăng trên báo Nhân dân Chủ nhật. Những bài viết đó được đồng chí Phạm Văn Đồng quan tâm, khen ngợi và khuyến khích tác giả và từ dạo ấy, ông chuyên tâm viết sách về Bác.

 Bức tranh tác giả Trần Quân Ngọc vẽ Bác Hồ lấy cảm hứng từ bài thơ "Tân xuất ngục học đăng sơn" (Mới ra tù tập leo núi). Ảnh: Trần Đình Ba.

Bức tranh tác giả Trần Quân Ngọc vẽ Bác Hồ lấy cảm hứng từ bài thơ "Tân xuất ngục học đăng sơn" (Mới ra tù tập leo núi). Ảnh: Trần Đình Ba.

Một trong những ấn tượng sâu sắc đối với Trần Quân Ngọc để từ đó khởi mối quan tâm tới Bác Hồ là khi ông được làm phiên dịch trong cuộc gặp của Người với đoàn địa chất Liên Xô năm 1957.

Lúc đầu anh thanh niên Ngọc rất lo vì dịch cho lãnh tụ, nhưng rồi "tất cả những lo lắng ấy tiêu tan hết, tôi có cảm tình đặc biệt với Bác Hồ sau lần ấy" khi thấy được sự gần gũi, giản dị của Người với khách và với cấp dưới: "Thái độ giản dị, ân cần, cởi mở của Bác làm tan biến ngay những nỗi lo lắng, sự rụt rè của các bạn Liên Xô và của anh em chúng tôi" (xem bài “Nhân sinh nhật Bác Hồ tôi nhớ lại”).

 Tác phẩm Kể tiếp chuyện Bác Hồ. Ảnh: Vũ Yến.

Tác phẩm Kể tiếp chuyện Bác Hồ. Ảnh: Vũ Yến.

Với tác phẩm Kể tiếp chuyện Bác Hồ, tác giả sẽ đưa chúng ta đến với những câu chuyện hấp dẫn, thú vị và có thể là lần đầu được công bố về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Qua những câu chuyện kể ấy, hình ảnh giản dị, lối sống cần kiệm liêm chính của Người cũng như sự dạy bảo sâu sắc của Bác làm cho chúng ta chiêm nghiệm được nhiều điều.

Tiền nước bạn cho không dùng, Bác trả lại

Đáng trân trọng biết bao khi trong bài “Bác Hồ là người như thế đấy”, ta được biết một chi tiết hậu trường về chuyến thăm Liên Xô năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chuyến thăm ấy, dẫu được hưởng tiêu chuẩn chi tiêu của khách nhưng vì không tiêu số tiền ấy, Người viết thư trả lại cho nước bạn. Nội dung bức thư viết bằng tiếng Pháp, được Trần Quân Ngọc dịch ra Việt ngữ như sau:

Kính gửi đồng chí thủ quỹ

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô

Đồng chí thân mến,

Trước khi rời Mátxcơva, Ban Chấp hành Trung ương đã tặng tôi 4.000 rúp, và đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của tôi 1.000 rúp.

Tổng cộng: 5.000 rúp.

Vì chúng tôi không tiêu pha gì cả trong chuyến đi của chúng tôi, tôi xin gửi lại đồng chí 5.000 rúp và mong đồng chí nhận lại số tiền nói trên.

Gửi đồng chí lời chào anh em.

1/8/1959

Hồ Chí Minh

 Bức thư Bác Hồ viết ngày 1/8/1959 gửi lại số tiền 5.000 rúp. Ảnh: Trần Quân Ngọc.

Bức thư Bác Hồ viết ngày 1/8/1959 gửi lại số tiền 5.000 rúp. Ảnh: Trần Quân Ngọc.

Hành động ấy có thể đối với Người là một việc làm hết sức bình thường, nhưng qua lá thư trên, toát lên hình ảnh chân thực về tinh thần quốc tế vô sản của vị lãnh tụ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là tinh thần của sự liêm chính, lối sống không màng danh lợi, tiền tài, dẫu đó là tiêu chuẩn mình được hưởng.

Cũng qua tác phẩm Kể tiếp chuyện Bác Hồ, ta được biết thêm về mối quan hệ cá nhân thân tình giữa Người với Pridi Phanomyông, Thủ tướng Thái Lan thời điểm năm 1945.

Từ mối quan hệ bạn bè, đồng chí ấy, kiều bào ta đã được cư trú ở Thái Lan; Ban Cán sự Trung ương Hải ngoại của ta được đóng ở Bangkok để làm công tác ngoại giao, tuyên truyền quốc tế, tiếp tế, liên lạc trong, ngoài nước; ta được mở trụ sở của phái viên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bangkok, treo quốc kỳ như các cơ quan ngoại giao khác đóng tại Thái Lan (gọi là phái viên quán)…

Và thú vị hơn nữa là “đích thân Thủ tướng Pridi đã giúp đỡ các đại diện Việt Nam dịch cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch từ tiếng Pháp ra tiếng Thái, tiếng Việt và phát hành rộng rãi trong nhân dân Thái và Việt kiều”.

Hay dạo Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở phương Tây, Paul Vaillant Couturier (1892-1937) là người bạn, người đồng chí của Bác, cùng hoạt động với Người, tham gia Đại hội Tours tháng 12/1920, cùng với Người và các đồng chí khác thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

 Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours. Người ngồi bên phải ảnh là Couturier. Ảnh tư liệu.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours. Người ngồi bên phải ảnh là Couturier. Ảnh tư liệu.

Ta cũng biết thêm rằng, chính đồng chí Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản Georgi Dimitrov năm 1938 đã phê duyệt Công văn của Phòng tổ chức cán bộ Quốc tế Cộng sản đề nghị giải quyết dứt điểm cho đồng chí Lin (Nguyễn Ái Quốc) về nước công tác.

Và qua tác phẩm Kể tiếp chuyện Bác Hồ, sẽ còn nhiều câu chuyện hấp dẫn nữa về Người qua ấn tượng những lãnh đạo, người dân, sinh viên Liên Xô; hay sự tham gia của người Mỹ trong việc chữa bệnh cho Bác dạo trước Cách mạng tháng Tám 1945... sẽ khiến chúng ta thêm xúc động và tự hào về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Trần B.A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghia-cu-cao-dep-cua-ho-chu-tich-trong-chuyen-tham-nuoc-ngoai-nam-1959-post1084853.html