Nghị viện thế giới: Nghị viện Cộng hòa Liên bang Đức - mô hình nghị viện thành công nhất trên thế giới

Mô hình nghị viện Liên bang Đức được đánh giá là một trong những mô hình nghị viện thành công nhất trên thế giới: Giúp đảm bảo sự ổn định của hệ thống chính trị Đức; kiến tạo nên các chính phủ cầm quyền thành công, đưa nước Đức từ một quốc gia bị chia cắt sau Thế chiến thứ 2 trở thành một đất nước thống nhất với nền kinh tế vững mạnh nhất Châu Âu.

CHỨC NĂNG CỦA HẠ VIỆN ĐỨC

Theo quy định của Hiến pháp, chức năng cơ bản và quan trọng nhất của Hạ viện là lập pháp. Các hạ nghị sĩ, thượng viện và chính phủ đều có quyền trình các dự án luật lên hạ viện. Sau đó, các dự luật này sẽ được thảo luận, đánh giá, chỉnh sửa và bỏ phiếu theo một thủ tục được quy định nghiêm ngặt.

Vì là cơ quan được bầu trực tiếp bởi cử tri nên Hạ viện Đức còn có một nhiệm vụ quan trọng khác đó là giám sát hoạt động của chính phủ liên bang. Việc giám sát được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, trong đó phổ biến nhất là tại các phiên chất vấn. Theo đó, các hạ nghị sĩ sẽ gửi câu hỏi đến các bộ trưởng để chất vấn về các vấn đề chính sách hoặc được cử tri quan tâm. Đại diện của chính phủ sẽ trả lời trong phiên chất vấn. Một cách khác là gửi câu hỏi dưới dạng văn bản tới chính quyền và yêu cầu trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản một cách chính thức. Ngoài ra, các ủy ban của Hạ viện cũng có thể tiến hành các buổi điều trần công khai hoặc các buổi họp để trình bày các vấn đề chính sách trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Các cơ hội chất vấn tại Hạ viện là dịp để kiểm tra hoạt động của chính phủ nên đa số các câu hỏi trong các phiên chất vấn thường do thành viên của các đảng đối lập đưa ra.

Hạ viện Đức có tiếng nói quyết định trong vấn đề ngân sách. Theo điều 110 trong Hiến pháp Đức, Hạ viện có quyền thông qua ngân sách và giám sát việc triển khai ngân sách của chính phủ.

Ngoài ra, Hạ viện còn thực hiện một số quyền hạn khác như thành lập một số cơ quan nhà nước,chức danh nhà nước như bầu chọn ra Thủ tướng - người đứng đầu cơ quan hành pháp. Theo Hiến pháp Đức, Tổng thống sẽ là người giới thiệu ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Ứng cử viên này sẽ được các thành viên của Hạ viện thông qua nếu vượt qua một cuộc bỏ phiếu kín và giành được sự ủng hộ đa số tuyệt đối. Sau đó, ứng viên này sẽ được tổng thống bổ nhiệm và tuyên thệ nhậm chức trước Hạ viện. Bên cạnh đó, trong trường hợp nhận thấy thủ tướng đương nhiệm mất uy tín hoặc không có khả năng điều hành đất nước, Hạ viện có thể thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng để chọn ra một thủ tướng mới và phế truất thủ tướng đương nhiệm.

Hạ viện Đức cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bầu chọn ra tổng thống liên bang. Tổng thống được bầu chọn bởi các thành viên trong Hội nghị Liên bang cho một nhiệm kỳ 5 năm. Tất cả các thành viên của Hạ nghị viện chiếm một nửa số thành viên trong Hội nghị Liên bang; nửa còn lại là các thành viên được chọn lựa bởi các cơ quan lập pháp cấp tiểu bang với số lượng tỉ lệ tương ứng với dân số của bang. Hội nghị Liên bang chỉ nhóm họp 5 năm một lần tại tòa nhà Reichstag và sẽ do chủ tịch Hạ viện chủ trì. Chức năng duy nhất của Hội nghị Liên bang chính là bầu Tổng thống.

QUY TRÌNH LÀM LUẬT

Luật pháp là những quy tắc chung có tính ràng buộc đối với toàn bộ cộng đồng, giúp đảm bảo xã hội vận hành một cách trật tự và ổn đinh. Đây là lý do tại sao – các dự án luật đều được thảo luận và thông qua tại Hạ viện Đức Bundestag – Diễn đàn dân chủ quan trọng nhất của nước Đức.

Theo Hiến pháp, một dự luật có thể được khởi xướng bởi các hạ nghị sĩ, thượng viện và chính phủ liên bang. Tuy vậy, hầu hết các dự luật thường được đưa ra bởi chính phủ. Với tư cách là cơ quan hành pháp trung ương, chính phủ là cơ quan có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc thực thi pháp luật cũng như biết được rằng đâu là những dự luật cần được thông qua để triển khai các chính sách của mình.

Một đạo luật từ khi khởi xướng đến khi được ban hành sẽ trải qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Khởi xướng dự luật

Tùy vào cơ quan khởi xướng dự luật mà quy trình sẽ khác nhau, nhưng điểm chung là dự luật sau khi được khởi xướng, đều sẽ được chuyển tới Hạ viện để chuẩn bị thảo luận chi tiết.

Nếu chính phủ liên bang muốn sửa đổi hoặc đề xuất dự luật mới, thì văn phòng Thủ tướng phải gửi bản thảo của dự luật đó tới Thượng viện để xem xét. Theo quy định, Thượng viện sẽ có 6 tuần để đưa ra góp ý về dự luật. Sau khi nhận được các góp ý, chính phủ có thể gửi một văn bản phản hồi đối với các góp ý dự luật đến Thượng viện. Tiếp sau đó, văn phòng thủ tướng sẽ chuyển dự luật kèm với những góp ý của Thượng viện đến Hạ viện. Tuy nhiên, đối với các dự luật về ngân sách quốc gia, chính phủ sẽ gửi đồng thời dự luật đến cả Hạ viện và Thượng viện cùng một lúc.

Tương tự, nếu dự luật do Thượng viện khởi xướng, sau khi nhận được sự ủng hộ của đa số thượng nghị sĩ, thì dự luật sẽ được gửi tới chỉnh phủ. Trong vòng 6 tuần, chính phủ phải đưa ra góp ý và chuyển dự luật cùng các góp ý đó tới Hạ viện.

Trong trường hợp dự luật được đề xuất bởi các thành viên của Hạ viện, thì phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất một đảng trong Hạ viện hoặc ít nhất 5% số thành viên của Hạ viện – tức khoảng 31 hạ nghị sĩ. Theo cách này, dự luật không cần phải gửi ngay lập tức cho Thượng viện. Đó là lý do tại sao trong những trường hợp cần thông qua nhanh chóng các dự luật mang tính khẩn cấp, chính phủ phải nhờ sự giúp đỡ của các nhóm đảng trong Hạ viện để đệ trình một dự luật.

Tuy nhiên, trước khi một dự luật được đưa ra thảo luận kỹ lưỡng ở Hạ viện, nó phải được chuyển tới Chủ tịch Hạ viện, sau đó sẽ được lưu vào hệ thống và in ra. Tiếp theo, các bản thảo của dự luật sẽ được phân phát tới tất cả các thành viên của Hạ viện, Thượng viện và các bộ của liên bang.

Ngay khi dự luật được đưa vào chương trình nghị sự của phiên họp toàn thể, bước đầu tiên của tiến trình làm ra dự luật đã hoàn tất. Lúc này, dự luật sẽ chính thức được đưa vào diễn đàn của Hạ viện.

Giai đoạn 2: Ba lần thảo luận và bỏ phiếu

Theo quy định, các dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại các phiên họp toàn thể của Hạ viện 3 lần - những cuộc thảo luận này còn được gọi là các lần đọc.

Lần thảo luận thứ nhất

Lần đọc đầu tiên, các hạ nghị sỹ thảo luận về mục đích, yêu cầu của dự luật. Sau đó dự luật được chuyển sang cho các ủy ban thường trực của Hạ viện mà không qua biểu quyết. Lúc này, công việc lập pháp chủ yếu diễn ra tại các ủy ban thường trực. Thành viên của các ủy ban tham gia làm luật có trách nhiệm tìm hiểu các tài liệu và thảo luận một cách chi tiết dự luật tại các buổi họp. Các ủy ban thường trực cũng có thể mời đại diện các nhóm lợi ích và chuyên gia đến tham gia các phiên họp để cùng nghiên cứu, thảo luận.
Song song với hoạt động lập pháp diễn ra tại các ủy ban, các nhóm nghị sĩ cũng có thể thành lập các nhóm làm việc riêng nhằm xem xét các vấn đề liên quan và xác định lập trường của mình.

Do sự có mặt của đại diện các nhóm đảng phái khác nhau trong các ủy ban lập pháp, nên hầu hết các dự luật đều sẽ được chỉnh sửa ít nhiều tại các ủy ban, qua đó phản ánh sự hợp tác và thỏa hiệp giữa nhóm đảng cầm quyền và đối lập.

Sau khi kết thúc các cuộc thảo luận, ủy ban chủ trì chính sẽ có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp các kết luận và đưa ra những gợi ý, nhằm tạo cơ sở cho lần đọc thứ 2 tại Hạ viện.

Lần thảo luận thứ 2

Trước lần đọc thứ 2, tất cả các thành viên của Hạ viện sẽ nhận được bản báo cáo với những đề xuất về dự luật. Do đó, các nghị sĩ đã được chuẩn bị kỹ càng cho cuộc tranh luận. Ngoài ra, các nhóm đảng phái đã điều phối và thỏa hiệp các lập trường của họ trong các buổi họp nội bộ trước lần đọc thứ 2 nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất.

Tại lần đọc thứ hai, Hạ viện thảo nội dung cơ bản của dự luật theo từng chương, từng điều, sau đó biểu quyết từng vấn đề đưa ra thảo luận. Tất cả điều khoản trong dự luật đều có thể được xem xét riêng rẽ sau cuộc tranh luận chung. Bất kỳ hạ nghị sĩ nào cũng có thể đề xuất các sửa đổi, và các sửa đổi đó được tiến hành ngay trong phiên họp toàn thể. Nếu phiên họp toàn thể chấp nhận các sửa đổi, phiên bản mới của dự luật phải được in ra và phân phát tới các thành viên. Quy trình này có thể được rút ngắn lại nếu có sự đồng ý của 2/3 thành viên có mặt. Phiên thảo luận lần 3 sẽ được tiến hành ngay lập tức sau đó.

Thảo luận thứ 3 – biểu quyết

Trong lần đọc thứ 3, một cuộc thảo luận sẽ chỉ được tiến hành nếu như Hạ viện nhận được yêu cầu từ một nhóm đảng hoặc ít nhất 5% thành viên của Hạ viện.

Lúc này, các hạ nghị sĩ riêng rẽ không thể đưa ra đề xuất sửa đổi dự luật nữa. Thay vào đó, những đề xuất sửa đổi dự luật chỉ dành cho những nhóm đảng hoặc một nhóm với ít nhất 5% số thành viên tại Hạ viện; và việc sửa đổi chỉ được cho phép đối với các chỉnh sửa đã thực hiện trong lần đọc thứ 2.

Như vậy, ở lần đọc dự thảo luật lần thứ ba này, Hạ viện chỉ thảo luận những vấn đề mang tính chất nguyên tắc của dự luật rồi biểu quyết thông qua dự luật.

Khi một dự luật đã nhận được đa số ủng hộ tại phiên họp toàn thể của Hạ nghị viện, nó sẽ ngay lập tức được chuyển đến Thượng viện.

Giai đoạn 3: Bỏ phiếu tại Thượng viện

Thượng viện là cơ quan lập pháp có quyền lực thứ hai sau Hạ viện. Thượng viện đại diện cho quyền lợi của các tiểu bang, do đó nắm giữ những quyền quan trọng trong việc định hình nên nội dung của các dự luật.

Sau khi nhận được một dự luật đã được thông qua ở Hạ viện, trong vòng 3 tuần, Thượng viện có thể triệu tập một ủy ban – gọi là Ủy ban thương lượng bao gồm các thành viên của cả hai viện, để thảo luận về dự luật.

Ủy ban này chỉ có quyền đề xuất thay đổi chứ không có quyền thông qua dự luật. Trong trường hợp Ủy ban này yêu cầu phải sửa đổi dự luật thì Hạ viện sẽ phải xem xét lại dự luật lần thứ hai và thông qua quyết định của mình. Sau khi dự luật được bỏ phiếu chấp thuận, ngay lập tức nó sẽ được chuyển trở lại Thượng viện để Thượng viện tiến hành bỏ phiếu.

Nếu Thượng viện theo đa số bỏ phiếu thuận, dự luật sẽ được thông qua và chuyển sang bước cuối cùng để ban hành, trở thành một luật có hiệu lực.

Trong trường hợp Thượng viện theo đa số bỏ phiếu chống, tùy theo nhóm luật mà quy trình sẽ khác nhau. Đối với dự luật cần sự chấp thuận của Thượng viện, dự luật sẽ thất bại nếu không nhận được đa số ủng hộ của Thượng viện.

Đối với các dự luật không cần sự chấp thuận của Thượng viện, dự luật bị chống đối ở Thượng viện sẽ được chuyển ngược lại Hạ viện và Hạ viện buộc phải tổ chức bỏ phiếu thuận một lần nữa để bác bỏ quyết định của Thượng viện, thông qua dự luật, và chuyển sang bước kế tiếp để chuẩn bị ban hành.

Giai đoạn 4: Đưa dự luật vào hiệu lực

Như vậy, một dự luật sau khi được thông qua bởi cả Hạ viện và Thượng viện, sẽ phải trải qua một số bước kế tiếp trước khi được ban hành và đưa vào áp dụng. Đầu tiên, văn bản dự luật được in ra và gửi tới Thủ tướng liên bang và bộ trưởng có thẩm quyền. Bộ trưởng sẽ có trách nhiệm phê chuẩn dự luật.

Sau đó, Tổng thống sẽ tiếp nhận dự luật để ký ban hành. Tổng thống có trách nhiệm kiểm tra liệu dự luật đã được chấp thuận có tuân theo các điều khoản trong hiến pháp hay không. Khi việc rà soát hoàn tất, tổng thống sẽ ký dự luật và yêu cầu công khai trên Công báo Luật Liên bang.

Nếu đạo luật được ban hành mà không đề cập đến thời điểm cụ thể bắt đầu có hiệu lực, thì theo mặc định, đạo luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày thứ 14 sau khi được đăng chính thức trên Công báo Luật Liên bang. Như vậy, dự luật đã chính thức trở thành luật.

Có thể khẳng định rằng, Hạ viện chính là trái tim của nền dân chủ Đức. Với các chức năng quan trọng như lập pháp, giám sát hoạt động của chính phủ và thông qua ngân sách, Hạ viện Đức là một diễn đàn nơi mọi ý kiến và quan điểm chính trị của cử tri đều được đem ra thảo luận, từ đó góp phần xây dựng một nhà nước dân chủ, công bằng và ổn định.

Thực hiện : Đinh Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghi-vien-the-gioi-nghi-vien-cong-hoa-lien-bang-duc-mo-hinh-nghi-vien-thanh-cong-nhat-tren-the-gioi