Nghị viện Israel thông qua đạo luật đầu tiên trong gói cải cách tư pháp

Nghị viện Israel hôm 24.7 đã thông qua đạo luật quan trọng đầu tiên trong kế hoạch gây tranh cãi của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm đại tu hệ thống tư pháp của đất nước, dẫn đến một loạt các cuộc biểu tình mới.

Nội dung gây tranh cãi

Cuộc bỏ phiếu, được liên minh cầm quyền của ông Netanyahu nhất trí thúc đẩy thành công sau khi phe đối lập bỏ ra khỏi hội trường Nghị viện. Việc thông qua văn bản này được cho là đang làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong xã hội, phá vỡ sự gắn kết của quân đội hùng mạnh và liên tục khiến đồng minh thân cận nhất của Israel, là Hoa Kỳ lo ngại.

Nghị viện Israel thông qua đạo luật đầu tiên trong gói cải cách tư pháp chiều ngày 24.7 (giờ Israel). Ảnh: Knesset

Trong cuộc bỏ phiếu hôm 24.7, các nhà lập pháp đã thông qua một biện pháp ngăn các thẩm phán bác bỏ các quyết định của chính phủ trên cơ sở chúng “không hợp lý”. Những người chỉ trích chính phủ nói rằng việc loại bỏ tiêu chuẩn về tính hợp lý sẽ mở ra cơ hội cho tham nhũng và bổ nhiệm không chính đáng những người thân cận không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí quan trọng. Ví dụ, Tòa án Tối cao năm nay đã bác bỏ việc bổ nhiệm một đồng minh chủ chốt của ông Netanyahu cho vị trí bộ trưởng tài chính và nội vụ vì những tiền án trong quá khứ về tội hối lộ và gian lận thuế.

Những diễn biến mới nhất xảy ra chỉ vài giờ sau khi ông Netanyahu được xuất viện, nơi ông được cấy máy tạo nhịp tim, tạo thêm một một bước ngoặt khác cho một chuỗi các sự kiện vốn đã rất kịch tính.

Trong khi các đồng minh của ông Netanyahu ăn mừng chiến thắng và tuyên bố sẽ thúc đẩy nhiều thay đổi hơn, hàng nghìn người biểu tình đã đổ xuống phố đường ở Jerusalem và Tel Aviv để phản đối việc thông qua luật mới. Những người biểu tình cho biết họ sẽ đệ đơn phản đối luật mới lên Tòa án Tối cao.

Cuộc đại tu của ông Netanyahu kêu gọi những thay đổi sâu rộng nhằm hạn chế quyền lực của cơ quan tư pháp, từ việc thu hẹp thẩm quyền của Tòa án Tối cao trong việc đưa ra các phán quyết có thể gây bất lợi cho Nghị viện, cho đến việc thay đổi cách lựa chọn thẩm phán.

Ông Netanyahu và các đồng minh của ông nói rằng những thay đổi này sẽ giúp củng cố nền dân chủ bằng cách hạn chế thẩm quyền của các thẩm phán không qua bầu cử và trao cho các đại biểu dân cử nhiều quyền hơn trong việc ra quyết định.

Trong khi đó, những người phản đối coi cuộc đại tu là một cuộc tranh giành quyền lực. Đồng thời họ lo ngại, phe của Thủ tướng cùng với các đồng minh của ông, vốn là các đảng cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo, ủng hộ tăng cường xây dựng khu định cư ở Bờ Tây, sáp nhập lãnh thổ bị chiếm đóng, hạn chế quyền của người LGBTQ+ và người Palestine, sẽ có nhiều quyền lực hơn trong việc thực hiện các quyết định gây tranh cãi của họ.

Nhà Trắng, đồng minh thân cận của ông Netanyahu đã nhiều lần thúc giục ông tạm dừng kế hoạch đại tu cho đến khi nhận được sự đồng thuận rộng rãi, bày tỏ sự tiếc nuối. “Thật không may là cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay đã diễn ra với đa số ít nhất có thể”, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố trong một thông cáo.

Theo hệ thống của Israel, Thủ tướng nắm quyền điều hành Chính phủ thông qua một liên minh đa số trong Nghị viện. Trên thực tế, liên minh này trao cho ông quyền kiểm soát các nhánh hành pháp và lập pháp. Do đó, Tòa án Tối cao đóng vai trò giám sát quan trọng. Các nhà phê bình cho rằng bằng cách tìm cách làm suy yếu hệ thống tư pháp, ông Netanyahu và các đồng minh đang cố gắng làm xói mòn cơ chế kiểm soát và cân bằng của đất nước, đồng thời củng cố quyền lực đối với nhánh thứ ba, độc lập với chính phủ.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tối thứ Hai, ông Netanyahu đã bác bỏ những lời chỉ trích như vậy. Ông nói: “Hôm nay chúng ta đã thực hiện một hành động dân chủ cần thiết, một hành động nhằm trả lại sự cân bằng giữa các nhánh của chính phủ.

Ông tuyên bố sẽ tìm kiếm đối thoại mới với phe đối lập chính trị và kêu gọi đoàn kết dân tộc. “Hãy để chúng tôi đạt được thỏa thuận”, ông nói. “Tôi giơ tay kêu gọi hòa bình và tôn trọng lẫn nhau giữa chúng ta”.

Những rạn nứt xã hội

Hàng nghìn người, nhiều người vẫy cờ Israel màu xanh trắng, tập trung bên ngoài Knesset (Nghị viện), và Tòa án Tối cao, làm tắc đường cao tốc chính của Jerusalem. Cảnh sát đã cố gắng giải tỏa đám đông bằng vòi rồng.

Hàng nghìn người cũng biểu tình ở trung tâm Tel Aviv - tâm điểm của nhiều tháng biểu tình chống chính phủ. Đụng độ đã diễn ra giữa cảnh sát và người biểu tình, với ít nhất 8 người bị bắt và những người biểu tình đốt lửa. Cuộc đại tu đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel - phần lớn là do tôn giáo, sắc tộc và giai cấp.

Trong khi những người biểu tình đại diện cho một bộ phận xã hội, họ chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu thế tục của đất nước, trong khi những người ủng hộ ông Netanyahu có xu hướng sùng đạo hơn và sống ở các khu định cư ở Bờ Tây hoặc các vùng nông thôn xa xôi.

Nhiều người ủng hộ ông là người Do Thái Mizrahi thuộc tầng lớp lao động, có nguồn gốc từ các nước Trung Đông, và đã bày tỏ thái độ thù địch với những gì họ nói là tầng lớp tinh hoa của Ashkenazi, hay người Do Thái châu Âu.

Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, một tổ chức cố vấn ở Jerusalem, cho biết cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai đã phơi bày những điểm yếu lâu nay trong hệ thống chính phủ của Israel.

Ông nói: “Hậu quả trước mắt sẽ là leo thang chia rẽ nội bộ trong xã hội Israel và làm suy yếu an ninh của Israel. Ông nói thêm, sự không chắc chắn gia tăng “cũng sẽ có tác động kinh tế tiêu cực.”

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/nghi-vien-israel-thong-qua-dao-luat-dau-tien-trong-goi-cai-cach-tu-phap-i337924/