Nghĩ về mục tiêu tăng trưởng

TS. Bùi Trinh. Tuần tới, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Có thể dự đoán, các đại biểu Quốc hội sẽ dành nhiều quan tâm đến việc tăng trưởng năm nay nhiều khả năng không đạt kế hoạch, và kéo theo đó, mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021 - 2025 cũng đối mặt nhiều thách thức.

Thực tế, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, tuy thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 (8,02%) song không hề đơn giản trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại nước ta.

Nhìn lại 3 quý năm 2023, qúy I tăng trưởng 3,28%, quý II đạt 4,05% (tăng 0,77 điểm phần trăm), quý III là 5,33% (tăng 1,28 điểm phần trăm). Giả sử quý IV năm nay tăng trưởng “bùng nổ” như quý IV năm 2022 (tăng trưởng so với quý III đến 12%) thì GDP cả năm cũng chỉ tăng trưởng ở mức 4,7%.

Trong các ngành cấp I, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP (23,83%) nhưng 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,98%. Điều cần lưu ý là xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2023 giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm tới 8,19%. Theo số liệu thống kê từ nhiều năm nay, nhập khẩu cho đầu vào sản xuất chiếm khoảng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu cho tích lũy gộp tài sản chiếm hơn 30% và nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng chỉ chiếm gần 10%. Như vậy nhập khẩu 9 tháng giảm khá sâu cho thấy sản xuất đang rất khó khăn, đặc biệt ở chu kỳ sản xuất tiếp theo (quý IV năm 2023 và đầu năm 2024). Điều này cũng phần nào cho thấy quý IV năm 2023, tình hình sản xuất rất gian nan, thậm chí tăng trưởng một số nhóm ngành chủ yếu hầu như không được cải thiện.

Nếu xét GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy gộp tài sản và chênh lêch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ) thì GDP 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng khoảng 5,8% - cao hơn GDP từ phương pháp sản xuất như công bố. Như vậy, tăng trưởng GDP dù tính toán đúng theo chuẩn mực của Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) dường như cũng không nhiều ý nghĩa, khi mà đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Hy vọng rằng, việc tăng lương cơ sở mới từ tháng 7 năm 2023 sẽ là nhân tố kích thích tiêu dùng cuối cùng do thu nhập tăng, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Tuy nhiên, tăng lương có thể làm tăng GDP trong tức thời những cũng phải đề phòng nguy cơ lạm phát do tăng lương.

Cùng với tăng lương, việc ồ ạt giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm có thể khiến tiêu dùng cuối cùng và đầu tư tăng lên đôi chút. Vậy nhưng, tăng trưởng GDP còn phụ thuộc vào xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, mà đây luôn là yếu tố khó lường, không thể kiểm soát.

Trong bối cảnh này, yếu tố quan trọng để phục hồi nền kinh tế và làm nhẹ gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp bằng cách giảm thuế, phí, phạt, bỏ bớt các quy định không có lợi cho dân và doanh nghiệp. Lưu ý rằng, kinh tế cá thể chiếm trên dưới 30% GDP, nhưng khu vực kinh tế này phát triển đến đâu phụ thuộc lớn vào “thái độ” của chính quyền phường xã.

Hơn nữa, để kích thích tăng trưởng, cần phải thực hiện đầu tư có hiệu quả, đặc biệt là đầu tư công. Đầu tư dịp cuối năm cần chú trọng yếu tố hiệu quả, tránh tình trạng lặp đi lặp lại nhiều năm nay như đào đường, lấp đường… Việc đào đường, lấp đường có thể làm tăng GDP ngay lập tức nhưng làm yếu nguồn lực thực sự và không lan tỏa gì đến chu kỳ sản xuất sau.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nghi-ve-muc-tieu-tang-truong-i347987/