Nghĩ về Hà Nội mùa thu

Miền Bắc có bốn mùa, ai cũng thích mùa Thu, nhất là những người sống ở Hà Nội. Mùa thu là chất liệu vô cùng quý giá để người nghệ sĩ làm nên những tác phẩm âm nhạc để đời. Mỗi khi những bài hát về mùa thu vang lên đâu đó, đủ để khiến những người con đi xa nhớ Hà Nội nao lòng, còn người đang ở Hà Nội lại nhớ mùa thu da diết.

Cách đây hơn sáu thập kỷ, cũng vào mùa Thu, trên từng con phố trung tâm thành phố Hà Nội rợp trời của cờ đỏ sao vàng năm cánh, màu của muôn loài hoa tươi thắm; hàng triệu người đổ ra đường đón chào những đoàn quân tiến vào 5 cửa ô, tiến về giải phóng Thủ đô. Trong số họ, rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thủ đô yêu dấu. Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về...Năm cửa ô xòe năm cánh rộng, đoàn quân về nhấp nhô như song; bao cờ hoa đón chào... Những giây phút hạnh phúc vô bờ ấy còn in đậm trong ký ức bao thế hệ người Hà Nội. Những giọt nước mắt, những nụ cười, bao vòng tay ôm chặt nhau ngày đoàn tụ sau hàng thập kỷ chia xa... mà rưng rưng, “mà bồi hồi, nhớ mãi Hà Nội ơi!” Không khí vui sướng hạnh phúc tột cùng ấy đã đi vào tác phẩm âm nhạc như Bài ca Hà Nội và nó sống mãi với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tuy nhiên, Hà Nội của hôm nay đã khác xưa nhiều lắm, thành phố đã rộng lớn hơn về địa lý hành chính, hiện đại về quy hoạch, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng, văn hóa đa dạng, môi trường sống đổi thay, nhịp điệu sống tăng dần. Trước những xu thế không thể cưỡng lại của xã hội và nhịp sống hiện đại – đường phố vẫn nhộn nhịp kể cả khi đã 12h đêm thì Hà Nội vẫn đang gắng sức để gìn giữ cái lõi, cái gốc văn hóa, lịch sử của Hà Nội xưa. Công cuộc bảo tồn diễn ra quyết liệt, nó đang chịu sức ép của đà tăng dân số, xuống cấp của hạ tầng đô thị, nhu cầu thụ hưởng không gian sống hiện đại, văn minh gắn liền truyền thống.

Tự hào về Hà Nội, băn khoăn lo lắng cho Hà Nội cứ đan xen trong suy tư của mỗi người. Giữ được Hà Nội xưa trong Hà Nội mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại như một bài toán khó cần chung sức của tất cả những ai sống ở Hà Nội. Cụ Rùa viên tịch, bảo vệ môi trường nước Hồ Gươm, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, tổ chức phố đi bộ quanh Hồ Gươm và phố cổ, xây các công trình mới ở “trái tim thành phố” - nơi đặt ga điện ngầm cạnh Bờ Hồ... đều là những vấn đề, vụ việc thu hút sự quan tâm, dõi theo, giám sát và nhận được sự phản biện giàu tình yêu của người dân cả nước. Đôi khi, những công việc cụ thể như trùng tu các di tích lịch sử ở Thủ đô, giữ gìn môi trường, triển khai tuyến phố đi bộ, hay chặt hàng cây cổ thụ trên đường Kim Mã... đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân. Ủng hộ có, phản đối có, khen có, chê có, thậm chí phê bình, phản ứng quyết liệt cũng có. Thế đấy, tất cả là vì mọi người yêu Hà Nội quá đấy thôi!

Nhiều người hay so sánh TP.HCM với Hà Nội, cả trong quá khứ và hiện tại; từ tính cách văn hóa, lối sống đến định hướng phát triển, nhất là bản sắc riêng có. Mỗi khi TP.HCM nói và triển khai chuyện “đột phá” thì người dân Thủ đô cũng muốn Hà Nội phải “đột phá” , chuyển mình. Câu nói quen thuộc “Hà Nội không vội được đâu” được lan truyền bấy lâu nay hàm ý thật sâu sắc. Người Hà Nội gốc thường có nhịp sống chậm, sống thanh đạm, văn hóa ứng xử thanh lịch đậm chất người Tràng An. Đó là nét tư duy đẹp, đang cần bảo vệ, giữ gìn và phát huy. Xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ đêm, thưởng thức cuộc sống bình dị vốn có... đang dần hiện thực hóa. Người Hà Nội muốn được tạm rời xa tiếng ồn ào và mùi ô nhiễm khí thải của xe cộ; họ thích cùng bạn bè, người thân hòa vào dòng người đông vui, dạo chơi, mua sắm, ăn uống... hưởng những phút giây thư giãn thanh bình sau ngày làm việc, học tập căng thẳng. Ước mơ giản dị ấy thật không dễ như ta nghĩ, bởi nó đang phải đối chọi với thực tế nghiệt ngã, những mâu thuẫn của đời sống kinh tế thị trường khi lợi ích cá nhân một nhóm người đang lấn lướt, ngáng trở, khi quy hoạch thành phố còn nhiều khiếm khuyết, khi công tác quản lý đô thị còn yếu kém, bất cập. Tăng giá trông giữ xe, quá tải rác thải, ô nhiễm hồ Tây khiến cá chết hàng loạt, chất lượng dịch vụ còn nhiều vấn đề... cùng nhiều lỗi rích rắc khác đã bộc lộ. Xem ra muốn đẩy lui những cái xấu ấy cũng cần phải biết “đột phá” theo kiểu người Hà Nội.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Hà Nội hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Có sự đổi thay làm ta vui mừng, yêu thương; lại có sự phá bỏ làm mọi người thấy hối tiếc, buồn rầu, bực tức. Người dân đã bày tỏ suy tư, trăn trở ấy hàng ngày, trên nhiều kênh thông tin, nhiều diễn đàn. Bao giờ hết những dòng sông, dòng kênh ô nhiễm , bốc mùi hôi thối; những vườn hoa, lối đi cỏ ngập ngút đầu trẻ nhỏ, những khu chung cư cũ nát sập bất cứ lúc nào; những khu phố với bộ mặt nhếch nhác; những bệnh viện quá tải ngấm ngầm ô nhiễm rác thải y tế; hồ ao cứ mất dần và ô nhiễm trầm trọng; khu vui chơi cho người dân thành phố bị thu hẹp; cây xanh bị đốn hạ không kịp trồng; thành phố ngột ngạt mỗi khi hè về... Họ chờ mong sự lắng nghe cầu thị, sự quyết đáp đúng đắn của người lãnh đạo thành phố, của trung ương về việc bảo tồn và phát triển cho được một Hà Nội văn minh, thanh lịch, sạch sẽ như ta ước ao - để rồi mà tự tin nói rằng đây là thành phố đáng sống! Để làm được điều ấy, cần chung sức của hàng chục triệu người đang sống ở thủ đô, đâu chỉ là chính quyền thành phố. Chưa hết, không thể thiếu sự yêu thương, đóng góp sức lực và trí lực của nhân dân cả nước. Những ai yêu Hà Nội hãy góp một tiếng nói, một hành động, việc làm cụ thể để trong tương lai không xa chúng ta có thể có được một thành phố như Seoul, Singapore... sạch, đẹp như mơ ai cũng muốn đến thăm quan du lịch.

Đành rằng, muốn nhanh thì phải từ từ, xong sự sốt ruột, mong ngóng của nhân dân cả nước về một thành phố xinh đẹp, cổ kính và hiện đại cũng xuất phát từ tình yêu Hà Nội mà thôi. Mùa Thu đến mà thành phố vẫn có những ngày phải chịu không khí oi nồng, ngột ngạt vì nắng gắt, nhiệt độ cao, khói bụi, ô nhiễm… bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệu ứng nhà kính… và nhiều lí do khác nữa. Xem ra một thủ đô đáng sống, một Hà Nội xanh, sạch, đẹp muốn giữ danh hiệu không phải dễ. Chỉ mong ai đó hiểu rằng, vừa muốn truyền thống, vừa muốn hiện đại rất khó, cần lắm những cái đầu tinh tế để “vẹn cả đôi đường”. Còn cứ vì cái này, hy sinh cái kia thì 60 năm sau, ông cha ta sẽ thấy thất vọng lắm thay khi cái thủ đô xinh đẹp được giải phóng vào một ngày mùa Thu, nay còn đâu?!

Văn Hùng

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-du-lich/nghi-ve-ha-noi-mua-thu