Nghĩ về chuyện tiến cử người tài

Nếu có ai đó không sợ mang tiếng và đủ tự tin để giới thiệu người nhà mình, có lẽ người được tiến cử ấy là một tài năng thực sự.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa được tổ chức, khi thảo luận dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị khen thưởng cá nhân tuyển dụng, tiến cử người tài; đồng thời kỷ luật những ai lạm dụng đưa người quen, người thân vào các vị trí.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị khen thưởng cá nhân tuyển dụng, tiến cử người tài, đồng thời kỷ luật những ai lạm dụng đưa người quen, người thân vào các vị trí.

Theo dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, các cơ quan, đơn vị tại Hà Nội được ký hợp đồng hoặc phân công chức vụ quản lý, điều hành với người có tài. Người có tài được định nghĩa là có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ngoài nước; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt…

Đại biểu Vân cho rằng đây là chính sách quan trọng, cần quy định mạch lạc, cụ thể, nhất là tiêu chí về thi tuyển, tiến cử, tự tiến cử. Ông cũng bày tỏ, không nên thu hút người tài về rồi bố trí làm hành chính.

Tôi nhớ, đây không phải là lần đầu đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm về vấn đề thu hút và trọng dụng người tài. Trên diễn đàn Quốc hội cũng như trả lời báo chí, đại biểu đã nhiều lần đề cập.

Cách đây vài năm, Thành ủy Đà Nẵng cũng có đề án về xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, đảm nhiệm các chức danh thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý. Trong đề án này có nêu một nội dung về tiến cử: Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành… là người tiến cử cán bộ công tác tại địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, đến nay chưa rõ kết quả thực hiện đề án ra sao.

Cho đến nay, các cơ chế chính sách liên quan đến thu hút và trọng dụng người tài đã được cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất với khá nhiều nội dung. Tuy nhiên, riêng cơ chế tiến cử người tài dường như vẫn chưa được đề cập một cách thật sự rõ ràng.

Bởi vậy, từ góp ý của đại biểu Lê Thanh Vân, thiết nghĩ chúng ta cũng nên nhìn nhận và sớm đề ra cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện việc này. Nếu triển khai thực chất sẽ đem lại lợi ích thiết thực.

Theo đó, trong mỗi cơ quan, đơn vị, những ai nhận thấy một người có khả năng đáp ứng đủ các yêu cầu, tiêu chí cán bộ theo từng vị trí công việc, có thể tiến cử cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đi kèm đó là những quy định ràng buộc đối với người tiến cử.

Nếu trường hợp tiến cử vào mà người được tiến cử thể hiện được bản thân đúng là người tài, người tiến cử sẽ được khen thưởng, biểu dương. Còn ngược lại, nếu lợi dụng để tiến cử với động cơ, mục đích cá nhân thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm trước xã hội, trước pháp luật.

Tất nhiên, sẽ có những ý kiến nghi ngại, liệu điều này có làm nảy sinh tình trạng tiến cử người nhà, không tiến cử người tài không?

Tôi nghĩ là sẽ không có chuyện đó. Nếu như yêu cầu phải công khai tiến cử bằng văn bản với tiêu chuẩn rõ ràng, thẩm định đầu vào thận trọng, công tâm, những người có ý định tiến cử người nhà sẽ khó thực hiện ý đồ này.

Trường hợp này, nếu có ai đó không sợ mang tiếng và đủ tự tin để giới thiệu người nhà mình, có lẽ người được tiến cử ấy là một tài năng thực sự. Chúng ta chỉ không chấp nhận những người yếu kém về phẩm chất và năng lực, nhưng sẽ chấp nhận người thực sự tài năng, xứng đáng được tiến cử, dù họ có là "hậu duệ", "con ông cháu cha" đi nữa.

Bên cạnh quy định ràng buộc trách nhiệm người tiến cử, nếu người được tiến cử về sau có sai phạm, cũng cần xem xét thấu đáo. Bởi khi đó, còn liên quan đến cả quá trình quản lý cán bộ với nhiều chủ thể, không thể quy trách nhiệm cho một mình người tiến cử. Thưởng, phạt phân minh, tin chắc chuyện tiến cử người tài sẽ khả thi.

TS Phạm Quang Long

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghi-ve-chuyen-tien-cu-nguoi-tai-192240328232535366.htm