Nghĩ về chuyện đổi tên đơn vị hành chính

Ngày 25-3, UBND huyện Diên Khánh có thông báo về tên gọi của xã mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 xã Diên Đồng và Diên Xuân, cũng như tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường. Theo đó, sắp tới đây, khi 2 xã Diên Đồng và Diên Xuân được sáp nhập, tên gọi xã mới sẽ là xã Đồng Xuân; khi huyện Diên Khánh được nâng cấp lên thị xã, thị trấn Diên Khánh sẽ được đổi thành phường Phú Thành.

Cổng Tiền (huyện Diên Khánh). Ảnh: Thiện Tâm

Ngay sau đó, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự không đồng tình với việc thị trấn Diên Khánh đổi tên thành phường Phú Thành. Nhiều người cho rằng, danh xưng Diên Khánh đã in sâu vào ký ức, nơi đây còn có Thành cổ Diên Khánh với tuổi đời lên đến hơn 200 năm. Còn tên Phú Thành xa lạ, không hề có sự liên kết với lịch sử văn hóa của vùng đất Diên Khánh. Bên cạnh đó, tên gọi Đồng Xuân cũng không hề có sự liên hệ nào với vùng đất Diên Khánh (các xã đều bắt đầu bằng chữ Diên), lại trùng tên với huyện Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên nên dễ gây nhầm lẫn. Trước đó, năm 2020, khi sáp nhập 2 xã Diên Lộc và Diên Bình thành xã Bình Lộc, nhiều người cũng cho rằng tên xã mới này nghe “nhàn nhạt”, thiếu dấu ấn văn hóa của một vùng đất!

Thực tế nêu trên buộc chúng ta phải suy nghĩ về cách đặt tên, đổi tên các đơn vị hành chính. Bởi sau huyện Diên Khánh, TP. Nha Trang và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng phải tiến hành việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Nếu không làm một cách bài bản thì rất dễ xảy đến những cuộc tranh luận tiếp theo.

Trong thực tế, việc tách nhập các đơn vị hành chính là chuyện không mới. Nhưng có những tên đất, tên làng đọc lên nghe rất “quê” nhưng vẫn được giữ lại qua biến thiên lịch sử bởi những địa danh đó đã ăn sâu vào ký ức của bao người, dù tên xấu hay đẹp cũng là quê hương. Để rồi khi đi xa, mỗi lần ai đó nhắc đến tên đất, tên làng lại rưng rức nỗi nhớ như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Mỗi người, mỗi cộng đồng luôn có mong muốn giữ lại những địa danh quen thuộc, bởi nó như chiếc cột neo hồn người với quê hương. Việc cộng đồng mong muốn được giữ lại tên Diên Khánh khi thị trấn được đổi thành phường là hoàn toàn chính đáng và cũng không có gì là lạ.

Trong văn bản của UBND huyện Diên Khánh không đề cập đến lý do đổi tên khi thị trấn đổi thành phường, nhưng gần như ai cũng thấy nguyên nhân lớn nhất chính là việc chính quyền địa phương không muốn có sự trùng lắp giữa tên đơn vị hành chính cấp xã (ở đây là phường) và tên đơn vị hành chính cấp huyện (hiện nay là huyện Diên Khánh). Nhưng thực tế cho thấy, việc một đơn vị hành chính nhỏ trùng tên với đơn vị hành chính cấp trên không hề xa lạ, như: Tỉnh Thanh Hóa có TP. Thanh Hóa; tỉnh Hà Tĩnh có TP. Hà Tĩnh; TP. Lào Cai có phường Lào Cai… Và ngay ở huyện Diên Khánh mấy chục năm qua vẫn có thị trấn Diên Khánh. Vậy khi thị trấn Diên Khánh được đổi thành phường trong thời gian tới, có nhất thiết phải đổi tên mới hay không? Và nếu đổi tên mới thì có một cái tên nào hay hơn, hợp lý hơn tên Phú Thành hay không?

Một điều dễ nhận thấy ở Khánh Hòa cũng như nhiều tỉnh, thành khác, trong việc đặt tên một đơn vị hành chính, các đơn vị cùng cấp thường chung một chữ đầu và khác chữ sau. Ví dụ ở huyện Vạn Ninh, các đơn vị cấp xã đều bắt đầu bằng chữ Vạn; các đơn vị cấp xã thuộc thị xã Ninh Hòa sẽ bắt đầu bằng chữ Ninh; với huyện Diên Khánh, các đơn vị cấp xã sẽ bắt đầu bằng chữ Diên. Điều này sẽ tạo nên sự gắn kết chung của cả cộng đồng trong đời sống văn hóa tinh thần kiểu như “hồn quê xứ Vạn”; tạo sự quen thuộc về mặt không gian, dễ tìm kiếm về chỉ dẫn địa lý. Đơn cử, với người dân Khánh Hòa, chỉ cần nói tên xã bắt đầu bằng chữ Diên, ai cũng biết xã đó thuộc huyện Diên Khánh. Điều này sẽ mất đi khi các xã, phường mang những cái tên như: Bình Lộc, Đồng Xuân, Phú Thành. Hay nói cách khác, những cái tên mới này đã vô tình tạo ra một sự đứt gãy về mặt lịch sử, văn hóa. Từ đó, thiết nghĩ để giải quyết hài hòa giữa nhu cầu đặt tên mới khi sáp nhập các xã, thay vì cách ghép cơ học từ tên 2 xã như Bình Lộc, Đồng Xuân mà huyện Diên Khánh đã và đang làm hiện nay, chính quyền địa phương có thể chọn một tên mới nhưng có chung gốc chữ Diên như Diên Tâm, Diên Đức… Và quan trọng nhất, trước khi đổi tên đơn vị hành chính, chính quyền địa phương cần giải thích cho người dân biết lý do vì sao phải đổi tên; tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về việc đề xuất tên mới, trên cơ sở đó lấy ý kiến bình chọn, thống nhất chọn tên mới để hướng đến tạo sự đồng thuận của nhân dân. Có như vậy, việc đổi tên, đặt tên mới cho các đơn vị hành chính mới trọn vẹn!

ANH NGUYỄN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202403/nghi-ve-chuyen-doi-ten-don-vi-hanh-chinh-b8a24df/