Nghi vấn mẹ dìm chết 2 con dưới sông ở Nam Định: Đối diện mức án nào?

Theo chuyên gia pháp lý, nếu người mẹ có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm tại thời điểm gây ra vụ án thì cần thiết phải xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Nghi vấn mẹ dìm chết 2 con ở dưới sông

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định cho biết, cơ quan này đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Vũ Thị Loan (SN 1991, trú tại xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra làm rõ vụ dìm chết 2 con nhỏ.

Trước đó, ngày 08/3/2023, Công an xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc một người phụ nữ cùng 02 con nhỏ tự tử tại sông Ninh Cơ, thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Nghi vấn mẹ dìm chết 02 con dưới sông ở Nam Định khiến dư luận xôn xao (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng Công an xã đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với lực lượng y tế cấp cứu các nạn nhân và báo cáo vụ việc tới cơ quan công an cấp trên để chỉ đạo, phối hợp tiếp nhận, giải quyết.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, khoảng tháng 9/2022, Vũ Thị Loan (SN 1991, trú tại xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là giáo viên Trường Tiểu học xã Trực Cường (huyện Trực Ninh) có biểu hiện trầm cảm, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Đến tháng 12/2022, Loan có đơn và được trường giải quyết cho nghỉ việc. Loan được chồng là anh Tạ Văn K. (SN 1989) đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám và được xác định Loan mắc bệnh “Rối loạn thần cấp và nhất thời” và yêu cầu nhập viện để theo dõi, điều trị nhưng Loan không đồng ý.

Bệnh viện kê đơn thuốc điều trị tại nhà, hẹn sau 10 ngày đến khám lại; sau 10 ngày điều trị, Loan thấy biểu hiện bệnh giảm dần nên không đến Bệnh viện để khám lại. Đến ngày 06/3/2023, Loan nảy sinh ý định tự tử nhưng lo sợ sau khi mình chết, không có ai chăm sóc 02 con gái là cháu Tạ Thanh T. (SN 2018) và Tạ Thanh M. (SN 2021).

Sáng 08/3/2023, Loan điều khiển xe mô tô BKS 18E1-253.77 chở theo 02 con đi từ nhà đến khu vực bờ đê sông Ninh Cơ, thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, sau đó ngồi chờ khi không có người qua lại, Loan bế 02 cháu đi xuống sông cách bờ khoảng 3-4m thì nước ngập đầu cả 03 mẹ con, do bị sóng đẩy vào trong, Loan bế 02 cháu đi lên bờ, tuy nhiên lúc này 02 cháu đã tử vong.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Vũ Thị Loan; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân chết của 02 cháu là do ngạt nước.

Đối diện mức án nào?

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng đây là vụ việc rất thương tâm, liên quan đến quyền trẻ em nên sẽ được Cơ quan điều tra xem xét xử lý công tâm, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.

"Để làm rõ vụ việc, cần thiết làm rõ nguyên nhân,động cơ, mục đích, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người mẹ. Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định mẹ đẻ dìm 02 con xuống dòng sông dẫn tới tử vong thì người mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung "giết nhiều người" và "giết người dưới 16 tuổi", Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Theo chuyên gia pháp lý này, nếu người mẹ có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm tại thời điểm gây ra vụ án thì Cơ quan điều tra cần thiết phải thu thập tài liệu, chứng cứ điều trị bệnh trầm cảm tại các cơ sở y tế nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ xác định người mẹ bị bệnh tâm thần trầm cảm thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần để làm căn cứ xử lý.

“Trường hợp kết quả giám định xác định, người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án. Người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”, Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Tuy nhiên, nếu kết quả giám định cho kết quả, trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, người mẹ chỉ hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc hạn chế năng lực và điều khiển hành vi có thể được tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: "Vụ án trên là một bài học cảnh tỉnh cho các gia đình trong việc quan tâm, chăm sóc và theo dõi phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau nhiều lần sinh con".

Nam Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nghi-van-me-dim-chet-2-con-duoi-song-o-nam-dinh-doi-dien-muc-an-nao-d189545.html