Nghỉ thai sản có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Bạn đọc có số điện thoại 0987036xxx gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL hỏi: Bạn nghỉ làm đúng pháp luật do thai sản, vậy bạn có được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) không? Nếu có thì nên làm thủ tục hưởng chế độ nào trước?

Điều kiện hưởng chế độ thai sản (CĐTS) là đã tham gia BHXH từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con - Ảnh: T.L

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điều kiện hưởng chế độ thai sản (CĐTS) là đã tham gia BHXH từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Điều kiện hưởng chế độ thất nghiệp là đã tham gia BHTN đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV hoặc đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Hai nguồn quỹ thai sản và quỹ BHTN được hình thành từ hai nguồn đóng khác nhau, nên khi NLĐ đủ điều kiện hưởng CĐTS và TCTN thì được hưởng cả hai chế độ trên. Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể thời gian phải làm thủ tục để hưởng CĐTS, nhưng đối với TCTN thì có quy định trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ phải làm thủ tục để hưởng TCTN. Do đó, bạn cần làm thủ tục hưởng TCTN trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.

Bạn T.T.Y (Hưng Yên), số điện thoại 0983862xxx gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL hỏi: Bạn đã đóng đủ BHXH 6 tháng và hiện nghỉ CĐTS. Khi làm thủ tục để hưởng CĐTS, Cty nói đã hỏi BHXH huyện (tỉnh Hưng Yên) và được trả lời do bạn có 1 tháng là truy đóng BHXH nên bạn không được hưởng CĐTS. Bạn phải làm sao?

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản: 1. NLĐ được hưởng CĐTS khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. Lao động nữ mang thai; b. Lao động nữ sinh con; c. Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d. NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; e. Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; f. Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con. 2. NLĐ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. NLĐ quy định tại điểm b khoản 1 điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4. NLĐ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này mà chấm dứt HĐLĐ, HĐLV việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng CĐTS theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của luật này.

Theo quy định của điều khoản này, không có sự phân biệt về việc đóng BHXH liên tục hay truy đóng BHXH, miễn là đã đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng CĐTS. Do đó, bạn nên có văn bản hỏi cơ quan BHXH huyện, nếu từ chối chi trả CĐTS cho bạn vì có một tháng truy đóng BHXH là dựa trên căn cứ pháp luật nào.

Q. Hùng - N.Dương (ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/nghi-thai-san-co-duoc-huong-tro-cap-that-nghiep-592624.bld