Nghĩ sao vậy?

Trong cuộc sống thường nhật, có lúc chúng ta nghe được cụm từ 'Nghĩ sao vậy?' ở cuộc nói chuyện giữa hai người hoặc giữa nhiều người.

1. “Nghĩ sao vậy?” là cụm từ thường mở đầu cho một ý: Người nghe ngạc nhiên về điều mà người nói chuyện, người đối diện với mình vừa phát ra trong quá trình chuyện trò, trao đổi, trình bày trước đó.

Ảnh minh họa.

“Nghĩ sao vậy?” là sự nói tắt của “Nghĩ sao mà nói như vậy?” (“Bạn/ Em… nghĩ sao mà nói như vậy?”), được lược bớt trong ngữ cảnh đối thoại nêu trên. Sau cụm từ ấy, thường là sự giải thích về một điều, một tình tiết, một ý kiến, một sự lập luận, mà người nói sau muốn bày tỏ, khác với điều đã được người đối diện nói trước đó. Thậm chí đó còn là điều, chi tiết, tình tiết, lập luận ngược hẳn với ý người phát biểu trước, khi mà trước đó, họ có thể chưa hiểu hết về nhau.

“Nghĩ sao vậy?” có lúc là ý mở đầu cho lời đáp lại của người bán trước sự trả giá một món hàng của người mua, khi người mua trả quá thấp so với việc ra giá của người bán. Cụm từ ấy có thể gặp ở những chợ hải sản tự phát, người bán nói với người mua: “Chị nghĩ sao mà cá lưới của em tươi như vậy, chị trả giá đó?”.

“Nghĩ sao vậy?” đa phần là sự trao đổi giữa những người bạn; từ đây, họ (người nghe - người nói) có thể trao đổi thân mật, gần gũi với nhau. Cụm từ ấy thường do người lớn tuổi hơn nói với người nhỏ tuổi. Cũng có một số ít trường hợp là lời phát biểu đầu câu của người nhỏ tuổi đối với người lớn tuổi hơn mình.

“Nghĩ sao vậy?” cũng có khi được người phát biểu sau dùng trong những cuộc bàn luận ở một đơn vị theo kế hoạch, theo chương trình công tác, theo tiến độ công việc của đơn vị, trao đổi lại về ý tưởng của một thành viên tham gia trước đó. Trước sự giải thích trở lại của người nghe thông tin, người phát biểu trước đó có thể đồng tình, hoặc chưa thật thống nhất.

2. “Nghĩ sao vậy?” còn có thể xuất hiện ở một bối cảnh đối thoại khác.

“Nghĩ sao vậy?” cũng có thể là người nghe trả lời với người nói khi người nói đề cập đến người thứ ba và trong ngữ cảnh ấy, người nói đã đề cập về người thứ ba chưa đúng với tính tình, phẩm chất, sự cư xử của người ấy. Người nghe đã trao đổi lại.

Hoặc ở ngữ cảnh đối thoại: Người thứ nhất nói với người thứ hai về một việc làm không phù hợp lắm của người thứ ba. Chẳng hạn: “Không hiểu A. nghĩ sao mà lại mua món đó cho vợ nó ăn khi vợ nó bệnh như vậy?”; hay: “Không hiểu B. nghĩ sao mà lại không hỗ trợ ba nó tiền để ba nó đi chữa bệnh trong khi nó có điều kiện về tài chính?”.

Cùng khá nhiều những trường hợp khác mà cụm từ “Nghĩ sao vậy?” đã được những người đối thoại với nhau sử dụng, cả trực tiếp, lẫn nói chuyện qua điện thoại.

3. Sự trình bày, rồi đến việc có ý kiến giải thích hoặc phản biện của người nghe, giữa sự trao đổi đó, cụm từ “Nghĩ sao vậy?” như là một cách nối ý, giúp cho sự trò chuyện, trao đổi giữa những người đối thoại với nhau dễ đi đến hiểu nhau về vấn đề được đề cập, về câu chuyện được trình bày, về người mà người ta đang nói tới.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nghi-sao-vay-117480.html