Nghị quyết số 33: Chìa khóa để vực dậy thị trường bất động sản

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Nghị quyết số 33 đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt của Chính phủ, với nhiều quan điểm và mục tiêu cụ thể để vực dậy thị trường bất động sản.

Nghị quyết số 33/NQ-CP đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: TTXVN

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, Nghị quyết số 33/NQ-CP đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ không chỉ giao trách nhiệm cho từng bộ ngành, mà còn đặt ra trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh tất cả các chủ thể có liên quan đều phải đề cao trách nhiệm, cùng "chung tay" tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; bảo vệ người làm đúng nhằm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công/viên chức hiện nay.

Các tỉnh, thành phố cần khẩn trương có kết luận về dự án bất động sản đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để sớm được tiếp tục triển khai, nhất là dự án lớn, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhu cầu cho thuê bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch.

Với quan điểm, mục tiêu rõ ràng, dứt khoát của Nghị quyết số 33/NQ-CP, chúng tôi tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định và phát triển trở lại.

Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cũng nhấn mạnh ông và các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào nội dung Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Theo ông Châu, Chính phủ đã "bắt đúng bệnh" cũng như có những đánh giá chính xác về tình hình thị trường bất động sản hiện nay, qua đó xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Điều quan trọng nhất của Nghị quyết trên là Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp và đứng trước những thách thức rất lớn với các nhân tố bất định, khó lường.

Ngoài ra, Nghị quyết của Chính phủ lần này đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp căn cơ, rất đúng, trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản.

Doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh trong thời điểm hiện tại

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, với những chỉ đạo, định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết 33, các bộ, ngành và các doanh nghiệp bất động sản cũng đã xác định rõ chiến lược về lâu dài là: Khi thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh khu đô thị, nhà ở thì phải quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái bất động sản công nghiệp, dịch vụ, du lịch và bất động sản nhà ở đô thị để hài hòa giữa cung và cầu.

Đặc biệt, nhà ở phải có người ở. Muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ.

Trong đó, theo ông Châu, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, nhất là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ lại giá cả, cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tích cực tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhà đầu tư; qua đó góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Đính cũng đưa ra quan điểm trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của mình; đặc biệt là cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường.

"Thời điểm này, doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Nhà ở xã hội sẽ là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơn đối với doanh nghiệp," ông Đính nói.

Có chung nhận định, ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần phải tự cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường; nhất là trong bối cảnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp đang có nhu cầu lớn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản cần "ghé vai," chung sức phát triển để thị trường sớm phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP 20232 phần I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU có nêu rõ:

2. Mục tiêu

a) Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó:

- Tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…;

- Tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.

- Tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

b) Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân trong đó:

- Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường.

- Thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án khả thi, hiệu quả.

- Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 01 triệu căn nhà ở xã hội.

c) Thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.

Nguồn: TTXVN

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nghi-quyet-so-33-chia-khoa-de-vuc-day-thi-truong-bat-dong-san-179230314101835967.htm