Nghị lực của những người khuyết tật, không khuyết tài

Lễ bế mạc ASEAN Para Games 11 đã được tổ chức trọng thể trên sân vận động Manahan (Indonesia) vào tối 6-8. Sau gần 10 ngày tranh tài, đại hội thể thao dành cho người khuyết tật lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã chính thức khép lại, với những thành công rực rỡ, tạo thêm niềm tin, cơ sở cho vận động viên (VĐV) thể thao người khuyết tật hòa nhập vào cuộc sống đời thường.

Khuyết tật không khuyết tài

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 11 với 153 thành viên, tranh tài ở 8 môn, gồm điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo, bắn cung, trong tổng số 14 môn thi đấu của đại hội. Sau những ngày tranh tài sôi nổi, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xuất sắc giành vị trí thứ 3 chung cuộc khi đoạt 65 huy chương vàng (HCV), 62 huy chương bạc (HCB) và 56 huy chương đồng (HCĐ), lập 16 kỷ lục đại hội, vượt chỉ tiêu đề ra trước khi lên đường giành từ 35 đến 40 HCV, nằm trong tốp 5 đoàn dẫn đầu khu vực.

Đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam thắng lớn ở ASEAN Para Games 11.Ảnh: Tổng cục Thể dục thể thao cung cấp.

Đúng với dự đoán của giới chuyên môn, đội tuyển bơi Việt Nam giành được nhiều huy chương nhất với 27 HCV, 20 HCB và 12 HCĐ. Trong số 8 môn đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự, chỉ bắn cung không giành được huy chương nào. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam: “Tất cả các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 11 đã cống hiến hết mình. VĐV bình thường tranh tài đã vất vả, đằng này lại là những tuyển thủ không may bị khiếm khuyết về cơ thể. Nhưng sau 5 năm khổ luyện, các thành viên đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam không chỉ mang vinh quang về cho Tổ quốc, mà còn đóng góp tích cực vào thành công chung của đại hội, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân Indonesia và bạn bè quốc tế”.

Trước đó, giới chuyên môn dự báo thành tích của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Para Games 11 sẽ sụt giảm do ảnh hưởng nặng nề sau gần 3 năm bị đại dịch Covid-19. Nhưng với phương châm “khuyết tật không khuyết tài”, các VĐV người khuyết tật Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, tự tin thi đấu, tiếp tục khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực.

Không có gì ngạc nhiên khi chủ nhà ASEAN Para Games 11 Indonesia xếp vị trí nhất toàn đoàn với 177 HCV, 141 HCB và 110 HCĐ. Đoàn Thái Lan xếp thứ hai toàn đoàn với 117 HCV, 116 HCB và 87 HCĐ. Theo thông lệ, nước chủ nhà SEA Games sẽ đăng cai Para Games ngay sau đó. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ nhà SEA Games 31 Việt Nam đã không thể tổ chức ASEAN Para Games 11. Sau khi nhóm họp vào trung tuần tháng 2-2022, Hội đồng Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á đã đồng ý để Indonesia là chủ nhà của ASEAN Para Games 11.

Sự tôn trọng dành cho nhau

Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 11, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Lễ bế mạc được nước chủ nhà Indonesia tổ chức trang trọng, ấn tượng, thể hiện rõ sự trọng thị với các nước tham gia tranh tài tại đại hội. Sự trọng thị, tôn trọng này đến từ việc các thành viên của đoàn Việt Nam giành được nhiều thành tích trong các cuộc tranh tài, thiết lập nhiều kỷ lục ở đại hội”.

Ấn tượng nhất trong số các VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam trong những ngày tranh tài vừa qua, phải kể đến kình ngư Đỗ Thanh Hải khi anh thiết lập 4 kỷ lục trên đường đua xanh (2 nội dung cá nhân và 2 nội dung tiếp sức). Ở kỳ ASEAN Para Games 8, trong lần đầu tham dự, Đỗ Thanh Hải đã giành 2 HCV. Tiếp tục khổ luyện 7 năm, đến kỳ đại hội lần này, Đỗ Thanh Hải đã minh chứng cho ý chí, nghị lực kiên cường của thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Cũng phải dành lời khen tặng cho nữ đô cử Tuyết Loan, khi ở tuổi 47, chị vẫn xuất sắc phá kỷ lục đại hội. Ở phần thi chung kết hạng cân 55kg nữ, Tuyết Loan đều hoàn thành 3 mức tạ hết sức thuyết phục. Ở lần cử đầu tiên, Tuyết Loan thành công với mức tạ 90kg, sau đó là 98kg và đến lượt đẩy cuối cùng, chị đã xuất sắc chinh phục thành công mức tạ 104kg, qua đó giành HCV, phá kỷ lục ASEAN Para Games của chính mình.

Trước đó, Tuyết Loan đang giữ kỷ lục cử tạ hạng 55kg nữ, lập ở ASEAN Para Games 9-2017 (Malaysia) với mức tạ 103kg, vượt kỷ lục cũng của chính chị (102kg) lập tại ASEAN Para Games 8-2015 (Singapore). Mức tạ 104kg là thành tích tuyệt vời của nữ lực sĩ quê Khánh Hòa bởi ở hai giải đấu lớn gần nhất tại Paralympic Tokyo 2020 và Giải cử tạ thể thao khuyết tật vô địch châu Á-Thái Bình Dương (Hàn Quốc) hồi tháng 6 vừa qua, Tuyết Loan chỉ hoàn thành mức tạ lần lượt là 103kg và 98kg.

Nữ đô cử Tuyết Loan chia sẻ: “Do dịch bệnh nên thành tích của tôi ở Paralympic Tokyo 2020 và Giải cử tạ thể thao khuyết tật vô địch châu Á-Thái Bình Dương không được như ý. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã nỗ lực tập luyện để có được phong độ tốt nhất ở ASEAN Para Games 11. Tôi cảm ơn lãnh đạo ngành thể thao đã quan tâm, động viên chúng tôi, trong những ngày tranh tài đầy ý nghĩa vừa qua. Từ thành công ở đại hội kỳ này, VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam có thêm sự tự tin, nghị lực trong cuộc sống đời thường”.

HÀ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/nghi-luc-cua-nhung-nguoi-khuyet-tat-khong-khuyet-tai-702110