Nghị lực của người lính già trên đỉnh núi mờ sương

Những vết thương còn nhức nhối sau chiến tranh cùng ký ức thiêng liêng của một thời máu lửa, người lính già Đinh Văn Tam ở thị trấn Tam Đảo luôn gìn giữ trong trái tim và lấy đó làm nghị lực để vượt qua, tiếp tục cống hiến và cho đời những “trái ngọt” trên đỉnh núi Tam Đảo mờ sương.

Dù trong người mang nhiều vết thương chiến tranh, nhưng thương-bệnh binh Đinh Văn Tam vẫn vươn lên làm kinh tế giỏi

Ký ức hào hùng

Sau chặng đường quanh co, gấp khúc lên thị trấn Tam Đảo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Đinh Văn Tam theo lời giới thiệu của chính quyền địa phương. Đang hì hụi dưới những gốc cây, với bộ quần áo ka ki cũ lem bụi đất, ông Tam dừng lại, vào nhà rót nước mời chúng tôi. Trong chén trà thơm mùi lá rừng và sương núi, ông Tam bùi ngùi nhớ lại những ký ức chiến tranh…

“Hằng năm, cứ chuẩn bị đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7) tôi lại thấy như mới ngày hôm qua - khi bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Những trận đánh sinh tử phải chứng kiến sự mất mát tận cùng và tôi - người lính may mắn còn sống sót đi ra từ chiến tranh với biết bao nỗi niềm…”. Nói đến đây, ông Tam cúi xuống nghẹn ngào, những dòng nước mắt tuôn trào khiến chúng tôi cũng lặng đi trong giây phút.

Nhìn những tấm huân, huy chương treo trên tường được đóng khung một cách trân trọng, chúng tôi càng hiểu thêm cậu bé Tam ngày ấy được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng qua và những tấm huân chương chiến công hạng 2, hạng 3 của bản thân ông vẫn lấp lánh dưới ánh nắng của buổi sớm mai.

Ngày ấy, khi chàng thanh niên mới chưa đầy 30 tuổi đã gác lại những hoài bão của tuổi trẻ để lên đường nhập ngũ. Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt năm 1974 và hứng chịu nhiều vết thương, ông Tam chia sẻ: “Do thời gian quá lâu, viên đạn trên mặt cũng đã “ăn liền” vào cơ thể, khi trái nắng trở trời là vết đau lại nhức nhối gợi những hoài niệm đã qua”. Ông Tam có chút ngại ngùng một lát rồi nói tiếp với chúng tôi: “Giờ tôi chỉ nghe được bên tai trái, bên tai phải hồi đánh Tàu bị thủng màng nhĩ rồi”.

Và ông bồi hồi nhớ lại: “Buổi sáng hôm ấy - buổi sáng định mệnh gắn với vết thương bên tai trái của tôi bây giờ, khi đó, tôi mới về Đại đội 5, Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 741 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu được 2 ngày, sư đoàn giao cho phụ trách chung. Nghiên cứu và đoán biết được cách đánh của quân địch, tôi đã cùng anh em cắm cờ, giữ chốt trên đỉnh. Khi mìn nổ dưới chân, biết quân mình bị tấn công… Lúc ấy, nhiều đồng đội đã hy sinh và những người khác cũng bị thương nặng nhưng không ai nhụt chí, tất cả nén nỗi đau mà tiến về phía trước, quyết đánh thắng quân thù… Sau trận đánh ấy, đại đội tôi được phong anh hùng”.

Nghị lực vươn lên

Còn những trận đánh sinh tử và những “vết thương” trong chiến tranh ông Tam gìn giữ trong trái tim và luôn coi đó là dấu mốc, là nghị lực để tiếp tục sống và cống hiến, xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của những đồng đội vì Tổ quốc mà ngã xuống.

Trở về sau chiến tranh, là thương-bệnh binh dù đã mất sức gần 70%, nhưng ông Tam vẫn tiếp tục cống hiến cho Đảng, Nhà nước và địa phương; ông được tín nhiệm bầu giữ các vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch MTTQ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn Tam Đảo. Cho đến năm 2019 ông về nghỉ hưu.

Suốt những năm tháng nghỉ hưu tới giờ, ông Tam vẫn trăn trở giúp gia đình phát triển kinh tế, ông trực tiếp và là người đầu tiên tham gia xây dựng thương hiệu rau su su an toàn Tam Đảo cùng Hội Nông dân thị trấn.

Những năm gần đây, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo các mô hình du lịch, ông Tam lại tiếp tục cùng bà con nơi đây bắt tay vào chuyển đổi kinh tế sang hướng du lịch homestay. Với cách làm hiện đại, phù hợp nhu cầu của du khách khi tới vùng núi Tam Đảo, homestay của gia đình ông với thương hiệu “White house” đã thu hút khá nhiều du khách biết đến và trở thành điểm đón du khách hấp dẫn.

Từ bàn tay và định hướng của ông Tam, vợ và các con ông đã phát triển du lịch homestay làm nguồn kinh tế chính của gia đình. Ông Tam chia sẻ: “Với lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm ở đỉnh núi Tam Đảo, việc phát triển các cây cảnh, loài hoa rừng vừa đem lại nguồn thu, vừa tô điểm cho khu du lịch, tạo ấn tượng với du khách, vì vậy tôi đã học hỏi, nhân giống thành công các loài hoa rừng như đỗ quyên, lan, đào thất thốn và một số cây cảnh giá trị khác và được du khách rất thích thú".

Nhìn vườn cây hàng trăm mét vuông với đủ màu hoa đang khoe sắc, tôi thầm cảm phục đôi bàn tay và nghị lực của người thương bệnh binh dù đã ở tuổi gần 70.

Thành công luôn mỉm cười với sự nhiệt huyết, tần tảo sớm hôm với những người như ông Tam. Từ mô hình hoa, cây cảnh đã giúp ông Tam có thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ và các nguồn thu từ kinh doanh homestay, bán hàng tạp hóa tại nhà, xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khu du lịch đã khiến gia đình ông trở thành hình mẫu để nhiều hộ xung quanh thán phục và học tập. Ông Tam cũng không ngần ngại hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cách trồng cây, trồng hoa cho bạn bè, anh em và người dân xung quanh.

Và câu chuyện còn theo chúng tôi mãi đến khi ra về được nhiều người dân xung quanh kể lại - người thương-bệnh binh ấy không ỷ lại vào chế độ của Nhà nước, luôn vươn lên làm kinh tế giỏi, có lần được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà khi mới trở về sau chiến tranh nhưng ông đã sẵn sàng nhường lại cho những gia đình chính sách khác khó khăn hơn. Trái tim bao dung, đồng cảm và nghị lực của người lính già trên đỉnh núi mờ sương còn mãi là tấm gương để các thế hệ con cháu chúng ta trân quý và noi theo.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96466//nghi-luc-cua-nguoi-linh-gia-tren-dinh-nui-mo-suong