Nghị lực của cô giáo Nga hơn 11 năm chạy thận

Vừa phải chạy thận, vừa đứng trên bục giảng, cô giáo Đỗ Thị Thu Nga (Trường THPT Tháng 10, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã vượt lên số phận, chiến thắng bệnh tật và trở thành một giáo viên giỏi, truyền năng lượng tích cực đến các thế hệ học trò suốt 20 năm qua.

Gần 1.500 lần lọc máu

Đỗ Thị Thu Nga sinh năm 1981 và có ước mơ trở thành giáo viên ngay từ hồi nhỏ. Khi tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn, cô Nga về công tác tại Trường THPT Tháng 10 vào năm 2003. Tưởng chừng ước mơ đẹp của cô Nga đã thành hiện thực thì bỗng dưng cô phát hiện bị mắc bệnh suy thận độ 3 năm 2009. Từ đây cô Nga thường phải làm bạn với bệnh viện và những chiếc kim lọc máu.

Cô Nga luôn vui vẻ, lạc quan và nỗ lực hoàn thành xuất sắc công việc.

“Khi ấy, người tôi phù nặng, mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe, tinh thần thì rệu rã, tuyệt vọng như chiếc dây cót đã hết năng lượng. Những ngày đầu tâm lý không ổn định, mỗi lần tắt điện đi ngủ tôi lại giật mình sợ hãi, sợ cái chết tìm đến bất thình lình khi tuổi xuân đang phơi phới. Nhìn chiếc máy lọc máu với những con số nhảy nhót, những tiếng tít tít… xung quanh báo hiệu kết thúc máy sau ca chạy vang vọng, ám ảnh, nước mắt tôi trào ra, đau đớn”, cô Nga tâm sự.

Anh Bùi Anh Tuấn, chồng cô giáo Nga chia sẻ: “Biết tin vợ phải chạy thận lâu dài tôi rất sốc và thương vợ nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, cơ quan, sự hướng dẫn của bác sĩ và ý chí chiến đấu của vợ nên dần dần vợ chồng tôi cũng vượt qua được khó khăn”.

Sau 2 tháng điều trị, sức khỏe cô Nga dần ổn định. Tháng 3-2009, cô Nga trở về trường vừa giảng dạy, vừa chạy thận 3 buổi/tuần ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Cứ thế trong suốt 11 năm 8 tháng, cô Nga đến trường giảng dạy với quãng đường gần 14km bằng sự tận tâm, đưa đón của tất cả các đồng chí đồng nghiệp ở trường. Và trong những lần ấy, không ít lần đồng nghiệp lại đưa cô Nga lên viện luôn. Công tác trong ngôi nhà chung yêu thương, ấm áp ấy khiến cô Nga có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Tổng cộng, cô Nga đã trải qua khoảng gần 1.500 lần lọc máu, riêng giấy tờ ra vào viện cũng nặng hơn 3kg.

Trong thời gian điều trị, cô giáo Nga đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp công đoàn và đồng nghiệp. “Tôi nhớ, những lần tôi sốt rét cao ở viện, cô giáo Bùi Thị Phượng nhà gần bệnh viện mang chăn cho tôi đắp. Tôi nhớ cái nắm tay thân tình động viên của các cô, các chú, anh chị em mỗi khi thấy tôi quá gầy yếu, đó chính là động lực để tôi vượt lên bệnh tật”, cô giáo Nga tâm sự.

Để tạo thêm niềm vui và kiếm thêm chút thu nhập chữa trị, cô Nga còn mở quán chè Linh Nga, ân cần và nhiệt tình phục vụ bà con hàng xóm ngay cả khi đang mang trọng bệnh. Tháng 9-2020, cô giáo Nga như được tái sinh khi được các bác sĩ thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép thận cho dù phải mổ thêm 6 lần sau ghép. Sức khỏe của cô giáo Nga tốt lên từng ngày, nụ cười lại tiếp tục chiếu rọi trên bục giảng của Trường THPT Tháng 10.

Đi về phía mặt trời

Hằng đêm, cô giáo Nga làm việc đến khuya thậm chí có hôm đến gần sáng để tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng và đúc rút kinh nghiệm từ người đi trước.

Cô Nga (thứ 2, từ trái qua) vinh dự là 1 trong 5 đại biểu của tỉnh Tuyên Quang tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023.

Cô Nga đã biến môn Ngữ văn trở nên sống động và cuốn hút như những trang đời, trang nhật ký. Những sáng kiến của cô được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh hứng khởi mỗi khi đến tiết học của cô. Một số sáng kiến điển hình của cô giáo Nga như: Ứng dụng phương pháp tích hợp các môn học Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Giáo dục công dân vào giảng dạy bộ môn Ngữ văn; ứng dụng mô hình sơ đồ vào giảng dạy bộ môn Ngữ văn tại bậc THPT đã tạo cho học sinh cách tiếp cận mới cũng như kích thích tính chủ động, tăng động lực tìm tòi cho học sinh, giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức; vẽ bản đồ tư duy, sân khấu hóa hay tổ chức các trò chơi, tạo được hứng thú cho học sinh. Cô giáo Nga còn trực tiếp thực hiện các video clip, phóng sự minh họa để lồng ghép vào các bài giảng cũng như thực hiện công tác truyền thông nội bộ, gắn kết đồng nghiệp, học sinh trong nhà trường.

Các sáng kiến của cô giáo Nga không chỉ được hưởng ứng và lan tỏa trong Trường THPT Tháng 10 mà còn được giới thiệu tại một số hội thảo toàn quốc, cấp tỉnh về đổi mới kiểm tra, đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều năm liền cô Nga tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh đạt thành tích cao.

Cô Lê Thị Lý, giáo viên Trường THPT Tháng 10 chia sẻ: “Cô Nga có nhiều sáng kiến trong dạy học rất sáng tạo, linh hoạt và thu hút được sự chú ý của học sinh. Cô Nga cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, hỗ trợ những giảng viên trẻ mới vào nghề”.

Em Nguyễn Thị Mỹ Huyền, học sinh Trường THPT Tháng 10 bày tỏ: “Đối với chúng em, cô Nga là một cô giáo rất tuyệt vời và cô sẽ mãi là tấm gương sáng để chúng em noi theo. Bên cạnh những kiến thức trong bài học, cô còn truyền năng lượng tích cực cho chúng em, chính điều đó giúp chúng em tìm và xác định được mục tiêu, động lực trong cuộc sống”.

Ngoài ra, chính câu chuyện vươn lên số phận, vượt qua bệnh tật của cô giáo Nga đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh, sinh viên mất niềm tin vượt qua khó khăn trong cuộc sống, thậm chí rơi vào trạng thái tiêu cực, chưa tìm được lối thoát. Năng lượng tích cực luôn được cô giáo Nga lồng ghép vào bài giảng, trong các hoạt động ngoại khóa và các câu chuyện bên lề cuộc sống.

Cô Nga nhận danh hiệu Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2022.

Em Vũ Thu Uyên, học sinh lớp 12A, Trường THPT Tháng 10 bị mắc bệnh tim bẩm sinh phải mất nhiều thời gian để đi bệnh viện điều trị, rất gian nan, vất vả. Cô giáo Nga đã truyền cho Uyên ý chí, nghị lực vươn lên khó khăn về sức khỏe để đến trường. Uyên tâm sự, cô Nga là người không chịu đầu hàng trước số phận, cô luôn cố gắng nhìn về phía tương lai tươi sáng, đấy chính là động lực để em cố gắng, viết tiếp ước mơ.

Cô Lưu Thị Minh Cảnh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Tháng 10 cho biết: “Trong khoảng thời gian chữa bệnh, cô Nga thường xuyên tâm sự với chúng tôi rằng còn sống ngày nào sẽ nỗ lực hết sức mình để cống hiến với đời với nghề và sẽ lạc quan, yêu đời để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Nhiều năm liền cô Nga làm Bí thư Đoàn trường, nghị lực và thái độ sống lạc quan của cô đã lan tỏa đến tất cả mọi người. Cô Nga tham gia tất cả các hoạt động của nhà trường, tạo động lực cho đồng nghiệp và các thế hệ học sinh”.

Một số thành tích của cô Đỗ Thị Thu Nga

- Bằng khen của Tỉnh đoàn Tuyên Quang vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

- Bằng khen của UBND tỉnh Tuyên Quang.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

- Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2022.

Bài và ảnh: TRẦN VÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nghi-luc-cua-co-giao-nga-hon-11-nam-chay-than-750368