Nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Đường sắt 'cháy' vé, hàng không liên tục tăng tải

Nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sẽ kéo dài 5 ngày liên tục nên nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Trong bối cảnh vé máy bay đắt đỏ, nhiều người đã lựa chọn di chuyển bằng xe lửa khiến vé tàu… 'cháy' từ đầu tháng 4.

Đường sắt lập thêm tàu vẫn “cháy” vé

Với kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, chị Nguyễn Thị Hải Yến trú tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông (Hà Nội) lên kế hoạch cho gia đình đi nghỉ ở Quảng Bình. Tuy nhiên, giá vé máy bay quá cao sẽ đội chi phí kỳ nghỉ khiến chị phải tìm vé tàu cho lịch trình Hà Nội - Đồng Hới. Dù vậy, mới ở tuần đầu tháng 4 nhưng chị Yến đã không thể mua được vé tàu Thống Nhất do… hết chỗ. Tàu QB1 ngày 27-4 hết giường nằm, chỉ còn vài ghế ngồi, trong khi chiều ngược lại ngày 1-5 chỉ còn một ít vé giường nằm trên tàu QB2 khiến chị rất thất vọng: “Tôi không thể ngờ được vé tàu lại hết sớm như vậy, ngay từ đầu tháng 4 đã “cháy” vé. Gia đình tôi phải tính đến việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân và thay vì đi Quảng Bình sẽ nghỉ ở Hà Tĩnh”.

Khách qua sân bay quốc tế Nội Bài dịp nghỉ lễ 30-4 dự kiến tăng mạnh

Trên trang bán vé của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam từ ngày 26 đến 27-4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều về từ ngày 30-4 đến 1-5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé. Hiện chỉ còn chỗ các đoàn tàu chạy cung đường ngắn giữa Hà Nội - Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa. Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, dịp lễ doanh nghiệp cung cấp khoảng 60.000 vé gồm cả tàu tăng cường và tàu chạy thường ngày. Phía Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đưa ra số vé tương đương. So với dịp nghỉ lễ 30-4 năm ngoái, số vé giảm một chút, nhưng tốc độ bán nhanh hơn.

Nguyên nhân số vé tàu dịp nghỉ lễ năm nay bán ra thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là do đường sắt Hà Nội phải đưa 360 toa xe ra sửa chữa. Trường hợp các toa xe sửa chữa xong trước dịp nghỉ lễ sẽ được tăng cường và lập thêm tàu để phục vụ hành khách. Khác với dịp Tết, đường sắt đông khách phần lớn là chiều từ Nam ra Bắc, dịp này nhu cầu vé tàu phía Bắc tăng cao. “Hành khách có thể khó mua vé máy bay nên xu hướng chuyển sang đi tàu. Từ Tết đến nay, công suất các đoàn tàu ngày thường đạt 90 - 95%” - đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nói.

Do giá nhiên liệu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nên doanh nghiệp tăng giá vé từ 2 - 6% với mác tàu Bắc Nam như SE1, SE2, SE5, SE6 và tàu SE19/20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Hiện vé giường nằm Hà Nội - TP.HCM cao nhất là hơn 1,8 triệu đồng/lượt với khoang 4 giường, 2,7 triệu đồng/lượt với khoang 2 giường. Ngoài tàu Thống Nhất chạy tuyến Bắc Nam, dịp cao điểm 30-4 và 1-5, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ chạy thêm 13 đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Hải Phòng. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn chạy thêm nhiều tàu chặng TP.HCM đi Nha Trang, Phan Thiết phục vụ khách du lịch và hầu hết đã kín chỗ.

Đặc biệt, đối với 2 mác tàu chất lượng cao mà ngành đường sắt vừa đưa vào khai thác gồm Hà Nội - Đà Nẵng và đoàn tàu kết nối di sản miền Trung, Huế - Đà Nẵng luôn trong tình trạng “cháy vé”. “Đối với 2 mác tàu này khách gần như không thể mua được vé vào thời điểm hiện nay. Hai mác tàu này không chỉ dịp nghỉ lễ mà từ khi đưa vào khai thác đến giờ luôn trong tình trạng hết vé sớm”- đại diện ngành đường sắt thông tin.

Hàng không liên tục tăng tải

Trong khi đường sắt đã gần như cạn vé tàu từ đầu tháng 4 thì hàng không vẫn còn khá nhiều chỗ. Hơn nữa, vừa qua các hãng lại tiếp tục tăng tải để phục vụ người dân đi lại dịp nghỉ lễ tới đây. Vào đợt nghỉ lễ sắp tới, Vietnam Airlines sẽ bổ sung thêm hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế, tương ứng với hơn 15.000 chỗ. Hãng bay sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm từ ngày 26-4 đến 2-5. So sánh cùng kỳ năm ngoái, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%.

Dịp nghỉ lễ 30-4 tới đây nhiều người dân lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa khiến vé tàu “cháy” ngay từ đầu tháng 4

Bên cạnh đó, Vietjet Air cũng thông báo sẽ tăng thêm 86.000 ghế, tương đương gần 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch trong tuần nghỉ lễ giỗ Tổ, 30-4 và 1-5. Ngoài ra, hãng bay giá rẻ ở Việt Nam cũng bổ sung tần suất các đường bay đến và đi từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang trong giai đoạn hè, cung cấp thêm 1,3 triệu ghế để phục vụ người dân và du khách.

Còn đại diện hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm nay, nhưng hiện đội tàu bay của hãng này còn hạn chế và sẽ bổ sung thêm khoảng 1 - 2 chuyến đi/đến các điểm như Đà Nẵng, TP.HCM, Bangkok (Thái Lan). Hãng bay du lịch hy vọng doanh nghiệp có thể được tăng giờ bay và tăng các chuyến bay đêm đến mức tối đa.

Theo thông tin từ Vietnam Airlines, các hãng bay đang đứng trước thách thức chi phí đầu vào tăng cao. Giá nhiên liệu vốn chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng chi phí của hãng bay đang ở mức cao là trên 100 USD. Giá thuê máy bay, giá dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng cũng đều tăng mạnh. Để đảm bảo cung ứng trong bối cảnh này, đại diện Vietnam Airlines cho biết doanh nghiệp đã chủ động đẩy sớm lịch định kỳ bảo dưỡng tàu bay để đảm bảo nguồn lực sẵn sàng khai thác dịp cao điểm.

Hãng cũng sắp xếp lại lịch bay theo hướng tối ưu khai thác, chủ động thuê ướt máy bay và đẩy sớm lịch nhận Boeing 787-10 và Airbus A320 Neo. Dự kiến cuối tháng 5-2024, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận máy bay Boeing 787-10 thứ 5 trong tổng số 8 chiếc theo hợp đồng thuê mua máy bay. Đây cũng là máy bay thân rộng thứ 30 của hãng, có thể chở được 400 hành khách. Máy bay Boeing 787-10 mới của Vietnam Airlines mang số hiệu đăng ký VN-A878, có thân rộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng tải, phục vụ hành khách trong bối cảnh thiếu hụt máy bay như hiện nay và cao điểm hè sắp tới.

Nhiều người chọn ở lại Thủ đô dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vì giá vé đi lại tăng cao

Còn Vietjet Air thông báo sắp tới sẽ tăng thêm số lượng ngay trong dịp cao điểm hè. Tình trạng thiếu máy bay của hãng này chủ yếu ảnh hưởng đến các dòng thân hẹp như Airbus A320, A321 vốn được sử dụng để phục vụ các chặng ngắn đến vừa và cũng chiếm tỷ trọng lớn trong đội bay toàn cầu.

Nhiều đường bay còn nhiều chỗ trống

Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam thông tin, tính hết tuần đầu của tháng 4, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các hãng hàng không đã cung ứng trung bình mỗi ngày 100.000 - 110.000 ghế trên các đường bay nội địa, tăng khoảng 20% so với lịch bay trung bình trong tháng 3-2024.

Tỷ lệ đặt chỗ của hành khách hiện vẫn ở mức trung bình trên tất cả các đường bay nội địa, chiều từ 2 điểm đầu (Hà Nội, TP.HCM) đến các sân bay địa phương và ngược lại dao động trong khoảng 40 - 60%. Giai đoạn trước ngày nghỉ lễ (ngày 26, 27, 28 và 29-4), đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là Hà Nội - Quảng Bình (99,51% ngày 27-4). Cùng ngày, các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao gồm TP.HCM - Tuy Hòa (82,77%), Hà Nội - Phú Quốc và Hà Nội - Huế (khoảng 80%), TP.HCM - Phú Quốc (77,23%). Các chặng bay khác có tỷ lệ đặt chỗ ở mức trung bình trở xuống. Đối với chiều bay từ sân bay địa phương, tỷ lệ đặt chỗ vẫn ở mức thấp. Riêng đường bay Điện Biên/TP.HCM/Hà Nội tỷ lệ đặt chỗ cao (đường bay Điện Biên - TP.HCM ngày 27-4 là 99,44%, đường bay Điện Biên - Hà Nội ngày 28-4 là 79,89%).

Giai đoạn trong và sau nghỉ lễ, các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi các sân bay địa phương hiện có tỷ lệ đặt chỗ dưới 50%, đa phần dao động ở mức 20 - 40%. Riêng đường bay Hà Nội - Điện Biên đạt tỷ lệ 83,70% vào ngày 2-5. Chiều ngược lại, các đường bay từ sân bay địa phương đến Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ đặt chỗ cao hơn, khoảng 30-60%. Cá biệt, đường bay Đồng Hới - TP.HCM đã có tỷ lệ đặt chỗ 100% (ngày 1-5), Tuy Hòa - TP.HCM đạt 80,3% (ngày 1-5), Phú Quốc - Hà Nội đạt 77,3% (ngày 1-5). Trên đường bay trục Bắc - Nam (Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM), tỷ lệ đặt chỗ cho giai đoạn nghỉ lễ hiện vẫn ở mức tương đối thấp, đều dưới 50% (riêng đường bay Hà Nội - Đà Nẵng đạt 50,37% ngày 27-4).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc khai thác lệch đầu dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đang thể hiện rõ nét. Theo đó, các chặng bay chiều từ 2 thành phố lớn về các cảng hàng không, sân bay địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao hơn vào thời điểm bắt đầu giai đoạn nghỉ lễ. Tỷ lệ này dịch chuyển dần theo chiều từ các cảng hàng không, sân bay địa phương về 2 thành phố lớn khi kết thúc giai đoạn nghỉ lễ.

Trước những khó khăn, thiếu hụt về số lượng tàu bay do các hãng tái cơ cấu đội tàu bay, động cơ cần bảo trì, sửa chữa, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng xem xét tăng thêm tải cung ứng trên các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đi các địa điểm có nhu cầu du lịch lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, Cam Ranh…

Việc tăng tải cung ứng cần nhất trong các ngày từ 27 đến 28-4 và từ 1 đến 3-5 trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an ninh, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ, cũng như phục vụ các chương trình trong chuỗi hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2024. Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ xem xét điều chỉnh tăng tham số tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (từ 37 chuyến/giờ lên 42 chuyến/giờ khung giờ ngày) ngay trong tháng 4 và điều chỉnh tăng tham số tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất một số ngày cao điểm dịp nghỉ lễ (từ 44 chuyến/giờ lên 46 chuyến/giờ khung giờ ngày) ngay để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không phải thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định. Các hãng cần khuyến cáo hành khách mua vé trên kênh chính thức của các hãng và cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Ngoài ra, hành khách được khuyến cáo cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để có những sắp xếp, điều chỉnh phù hợp và lựa chọn được các mức giá vé hợp lý.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghi-le-30-4-va-1-5-duong-sat-chay-ve-hang-khong-lien-tuc-tang-tai-post573281.antd