Nghệ thuật và cống hiến

Ngoài những bộ phim tài liệu, những ca khúc được khán giả nhớ đến, nghệ thuật biểu diễn tại Đà Nẵng từng ghi dấu ấn bởi loạt tác phẩm tiêu biểu như 'Những người con dũng sĩ', 'Angkor bất diệt', 'Ngọn lửa Ba tơ', 'Huyền tích Ngũ Hành Sơn', 'Nhịp điệu phố', 'Vũ khúc bên sông Hàn', 'Hồn Việt'… Không ít ý kiến cho rằng, sự đa dạng này mang đến cảm giác mới mẻ, cũng như nhìn nhận rõ hơn tài năng và trách nhiệm của mỗi nghệ sĩ trong dòng chảy văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

NSƯT Quang Hào hát biểu diễn tại chương trình nghệ thuật "Cánh đồng vàng" vừa diễn ra tại huyện Hòa Vang đầu tháng 4. Ảnh: T.Y

Giá trị nghệ sĩ nằm ở sự cống hiến

Tháng ba đã trôi qua nhưng dư âm chương trình nghệ thuật “Tháng 3 hoan ca” diễn ra cách đây không lâu tại Công viên Apec vẫn còn đọng lại trong tâm trí người dân. Bởi lẽ, từng tiết mục ca, múa nhạc được Nhà hát Trưng Vương dàn dựng mang đến nhiều cung bậc cảm xúc về thời khắc đường phố Đà Nẵng rực thắm sắc cờ ngày giải phóng 29-3 cách đây 49 năm. Theo sát chương trình từ lúc lên kịch bản đến lúc tháo gỡ tấm màn nhung, NSƯT Quang Hào, Giám đốc Nhà hát bày tỏ sự hài lòng khi các ekip từ đạo diễn, biên đạo múa đến ca sĩ, diễn viên đều thể hiện trách nhiệm và tình yêu với Đà Nẵng qua từng ca khúc, nhạc khúc mang âm hưởng quê hương.

Trở thành NSƯT cuối năm 2023 nhưng ca sĩ Quang Hào từ chối nói về mình, chỉ nói về những chương trình nghệ thuật anh cùng mọi người dành tâm huyết xây dựng như “Âm nhạc và cuộc sống - Sắc màu Trưng Vương”, “Sing with me”, “Cánh đồng vàng”… Tròn 12 năm rời Hà Nội về Đà Nẵng theo đuổi sự nghiệp, anh luôn song hành vai trò nhà quản lý và nghệ sĩ đứng trên sân khấu bởi một bên là trách nhiệm với nhà hát, một bên là tâm hồn nghệ sĩ luôn cháy bỏng đam mê được “làm nghề”, được đứng trên ánh đèn sân khấu. “Tôi không muốn trở thành một biểu tượng, tôi chỉ muốn làm người thắp lửa tình yêu nghệ thuật trong lòng nghệ sĩ lẫn người dân thành phố", NSƯT Quang Hào chia sẻ.

Có thể nói, không gian nghệ thuật biểu diễn tại Đà Nẵng thời gian qua dù chưa thật sự bùng nổ nhưng đã kịp ghi dấu ấn bởi loạt chương trình “Vũ khúc bên sông Hàn”, “Hồn Việt”, “Con đường di sản”, “Điểm hẹn mùa hè”... NSƯT Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nhẩm tính, từ năm 2023 đến nay, Đà Nẵng tổ chức gần 100 chương trình văn hóa, văn nghệ, lễ hội dọc hai bên bờ sông Hàn. Không chỉ đầu tư về số lượng, chất lượng, Đà Nẵng hướng tới xây dựng chương trình mang tính mới lạ, sôi động, gần gũi, dàn trải hai bên bờ sông nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân, du khách.

Trong hoạt động nghệ thuật, giá trị của người nghệ sĩ được đánh giá qua nhiều yếu tố, song sự cống hiến được coi là quan trọng nhất bởi nó thôi thúc nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo không ngừng. Trong chừng mực nào đó, cống hiến của người nghệ sĩ mang lại nguồn cảm hứng cho việc giữ gìn và tạo ra những giá trị văn hóa, nghệ thuật mới. NSND Lê Huân, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố cho rằng, nghệ sĩ cống hiến không chỉ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật giá trị cao, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và lâu dài của nền nghệ thuật. Và điều này càng trở nên ý nghĩa đối với các thế hệ nghệ sĩ được phong tặng NSND, NSƯT khi bản thân họ vốn đã dành cả cuộc đời và tâm huyết vun đắp những giá trị nghệ thuật trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng

Là biên đạo có hơn 60 năm làm nghề, NSND Lê Huân từng dàn dựng hàng trăm tác phẩm cho sân khấu ca - múa - nhạc cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Dẫu vậy, khi trò chuyện về không gian hoạt động nghệ thuật, dễ nhận thấy ở ông một nỗi trăn trở “nghệ thuật vị nhân sinh” khi mong muốn nghệ sĩ Đà Nẵng có cơ hội đến gần khán giả hơn theo hướng thường xuyên chứ không phải “đến hẹn lại lên”. Ông cũng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không cùng tạo ra một sân khấu chuyên hát những ca khúc hay biểu diễn những tác phẩm mới viết về Đà Nẵng? Tại sao nhiều du khách đến Đà Nẵng thường khen thành phố sạch sẽ, an ninh song lại chê nơi này không có sân khấu giải trí đặc sắc về đêm. Dù theo ông, thực lực của nghệ sĩ Đà Nẵng vẫn có thể tạo ra những vở ca - múa - nhạc - kịch quy mô, hay nhạc sĩ Đà Nẵng vẫn đủ tầm để sáng tác nhạc thính phòng, giao hưởng.

Tròn 80 tuổi, người nghệ sĩ già vẫn không ngừng sáng tạo những điệu múa giàu hình tượng cùng ước vọng có đủ sức khỏe để tiếp tục làm nghề. Với ông, danh hiệu hay tặng thưởng không phải là điều ông theo đuổi hay khao khát, mà qua đó, ông có thêm cơ hội lan tỏa, thúc đẩy và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển. “Nếu nghệ thuật chưa vị nhân sinh thì nghệ thuật không còn giá trị và thiếu đi sức sống. Và nếu một nghệ sĩ nhận về danh hiệu NSND, NSƯT mà ít đất diễn, ít người biết đến, thì đó cũng là thiệt thòi cho chính họ và cho cả mảnh đất đang sinh sống, làm nghề. Tất nhiên, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng mà cần sự chung tay, chung sức của nhiều người, nhiều lĩnh vực liên quan”, NSND Lê Huân bày tỏ.

Trở lại câu chuyện Đà Nẵng vừa có thêm 3 NSND gồm Phan Văn Quang, Trịnh Mạnh Hùng, Phan Thị Lan Phương, 5 NSƯT gồm Nguyễn Thị Hội An, Trần Văn Hào (Quang Hào), Nguyễn Tấn Đông, Hồ Xuân Diệu, Đoàn Hồng Lê, nâng tổng số NSND tính đến thời điểm này lên con số 8 và 36 NSƯT, 2 Nghệ nhân nhân dân và 6 Nghệ nhân ưu tú. Nhiều ý kiến cho rằng, với thực lực này, Đà Nẵng không thiếu người tài hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật, tuy nhiên hầu hết tác phẩm của họ vẫn còn nằm trong khuôn khổ biểu diễn tại sân khấu nhà hát, mà ít được người dân biết đến ở giới hạn rộng hơn, thường xuyên hơn. Chưa kể, nhiều tác phẩm đạt giải chỉ được diễn báo cáo trong buổi lễ trao thưởng với lượng khán giả hạn chế. Một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thành phố vẫn chưa tạo được không gian nghệ thuật đỉnh cao, nơi mọi giá trị trình diễn đều có thể bùng nổ, kết nối và lan tỏa.

Trong khi đó, NSƯT Nguyễn Thị Hội An đánh giá, danh hiệu là phần thưởng cao quý mà nhà nước dành tặng những đại diện tiêu biểu. Trên thực tế, phần lớn thế hệ nghệ sĩ này đã lùi về phía sau sân khấu để làm tốt vai trò cố vấn nghệ thuật, quản lý, đạo diễn, biên đạo múa hay thậm chí là người giảng dạy chuyên môn, nghiệp vụ cho nghệ sĩ trẻ. Ở cương vị nào, hào quang của danh hiệu cũng giúp họ tự tin “truyền lửa” trong cộng đồng những người làm nghệ thuật. Theo bà Hội An, để tiếp tục phát triển đội ngũ nghệ sĩ có chất lượng, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tăng cường tham mưu UBND thành phố tạo điều kiện để nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo và khơi gợi khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật. Bên cạnh đó, cũng cần xác định mỗi NSND, NSƯT là một đại sứ văn hóa và là nguồn cảm hứng cho Đà Nẵng phát triển trong tương lai.

Mong muốn có một không gian cho nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển vẫn luôn là khao khát của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ thành phố. NSƯT Đinh Xuân Đề, Đoàn Văn công Quân khu 5 nói rằng, trung bình mỗi năm, Đoàn Văn công Quân khu 5 tổ chức trên 100 buổi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ khắp 7 tỉnh đồng bằng từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận và 4 tỉnh Tây Nguyên. Vất vả với lịch trình dày đặc, nhưng mỗi chiến sĩ văn công đều mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho không gian văn hóa, nghệ thuật thành phố. Cũng như NSƯT Xuân Đề, với niềm đam mê và tấm lòng cống hiến không ngừng, luôn mong tiếng hát của mình không chỉ dừng lại ở sân khấu của người lính, mà tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng cho người dân.

Không nói nhiều về mình, nhưng mỗi chương trình nghệ thuật, mỗi tác phẩm biểu diễn trên sân khấu đều thấp thoáng bóng dáng của những thế hệ nghệ sĩ gạo cội ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau. Trong môi trường đề cao sự sáng tạo, danh hiệu là sự ghi nhận và động viên quan trọng đối với mỗi nghệ sĩ. Dù trên thực tế, danh hiệu chỉ là một phần thưởng nhỏ trong hành trình cống hiến, bởi quan trọng hơn vẫn là niềm tin của họ vào sức mạnh của nghệ thuật có thể thay đổi cũng như làm giàu thêm cuộc sống của con người. Đó mới thực sự là ý nghĩa sâu sắc của nghệ thuật và sứ mệnh mà mỗi nghệ sĩ đang hướng đến.

TIỂU YẾN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202404/nsnd-amp-nsut-von-quy-cua-thanh-pho-nghe-thuat-va-cong-hien-3969969/