Nghệ thuật sử dụng lực lượng linh hoạt trong Chiến dịch tiến công ở Bắc Tây Nguyên

Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá tan âm mưu lấn chiếm vùng tự do của quân Pháp, mở rộng vùng giải phóng về phía Tây, nối Liên khu 5 với Hạ Lào; cùng các chiến trường Trung Lào, Hạ Lào phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Liên khu ủy và Đảng ủy, Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở Chiến dịch tiến công ở Bắc Tây Nguyên (gồm hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai). Chiến dịch diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt với nét đặc sắc về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến linh hoạt.

Qua nắm tình hình, ở Bắc Tây Nguyên, địch có khoảng 4 tiểu đoàn cơ động và 15 đại đội. Riêng Kon Tum, địch phòng thủ thành 3 khu vực (Bắc, Nam, Đông) và thị xã Kon Tum; trong đó khu Đông phòng ngự tương đối mạnh, gồm các cứ điểm Măng Đen, Kon Rẫy, Măng Búk nằm trên tỉnh lộ số 5; khu Nam có các cứ điểm Đắk Đoa, Buôn Hồ, án ngữ trục đường 14 nối Kon Tum với Pleiku.

Bộ Chỉ huy chiến dịch họp thảo luận kế hoạch Bắc Tây Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu

Căn cứ vào thế bố trí của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu (Bắc Kon Tum), do Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803 (chủ lực Liên khu 5) và 2 tiểu đoàn chủ lực độc lập, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công theo hai bước: Bước 1, Trung đoàn 108 và liên đội đặc công tiến công 2 cứ điểm Măng Đen, Măng Búk, nhằm kéo quân tiếp viện của địch từ Kon Tum ra cho Trung đoàn 803 đánh viện binh địch trên đường Kon Rẫy-Măng Đen, tiêu diệt địch ở Kon Rẫy, uy hiếp thị xã Kon Tum, đánh quân cứu viện của địch trên đường 5 (đoạn Kon Tum-Kon Rẫy). Bước 2, một bộ phận chủ lực đánh kiềm giữ địch, còn phần lớn chủ lực phát triển tiến công đánh địch ở khu vực Đắk Tô-Đắk Glei, giải phóng thị xã Kon Tum.

Ở hướng thứ yếu (đường 19, An Khê), do Trung đoàn 120 địa phương, Đại đội 11, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) tiến công các cứ điểm Cà Tung, Ba Bả, Cà Tu, đánh cắt giao thông đường 19, thu hút giam chân một bộ phận địch, tạo điều kiện cho các đơn vị hướng chủ yếu phát triển tiến công địch.

Để thu hút sự chú ý của địch ở phía Nam, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ thị lực lượng hướng thứ yếu nổ súng trước. Đêm 26-1, ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm Cà Tung, Ba Bả, Cà Tu và Búp Bê trên đường 19, mở màn chiến dịch; tiếp đó, phát triển tiêu diệt thêm 3 cứ điểm. Trên hướng chủ yếu, đêm 27-1, bộ đội ta bí mật áp sát, bất ngờ nổ súng tiến công các cứ điểm Kon Rẫy, Măng Búk và Măng Đen. Về cách đánh, trong trận Kon Rẫy, bộ đội ta áp sát, phục kích ngoài cứ điểm, chờ địch kéo vào đồn bất ngờ nổ súng.

Đối với trận Măng Đen (cuối tháng 1-1954), được coi là trận then chốt, cũng là trận công kiên điển hình của bộ đội Liên khu 5 với quy mô trung đoàn đánh cụm cứ điểm kiên cố của địch. Trong trận này, Trung đoàn 108 đã tổ chức chặt chẽ, có sự hiệp đồng phối hợp giữa hai hướng, từng bước dồn địch vào thế bị bao vây chia cắt để tiêu diệt chúng.

Phát huy thắng lợi, ngày 29-1, trên hướng Bắc Kon Tum, ta truy kích địch rút khỏi Đắk Tô, Đắk Glei, Đắk Sút, diệt hàng trăm tên, giải phóng phía Bắc Kon Tum, áp sát và uy hiếp thị xã. Mặc dù lực lượng ở Bắc Tây Nguyên còn nhiều nhưng thế trận địch hoàn toàn bất lợi. Lo sợ ta mở cuộc tiến công lớn, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh bỏ thị xã Kon Tum, rút lực lượng về phòng thủ thị xã Pleiku.

Sau khi giải phóng thị xã và toàn tỉnh Kon Tum (ngày 7-2), Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng hai Trung đoàn 108 và 803 phát triển về hướng Pleiku, tiến công Đắk Đoa (đêm 16 rạng ngày 17-2), một cứ điểm mạnh bảo vệ vùng ngoài thị xã Pleiku; đồng thời tập kích vào thị xã Pleiku. Trong trận này, bộ đội ta đã vận dụng linh hoạt các thủ đoạn thọc sâu, bao vây, chia cắt, làm rối loạn chỉ huy và đội hình địch, nhanh chóng tiêu diệt chúng, làm chủ thị xã Pleiku, kết thúc chiến dịch (ngày 17-2-1954).

Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến của bộ đội ta trên chiến trường Tây Nguyên, xa sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong đó, về tổ chức, sử dụng lực lượng, ta đã khéo bố trí các đơn vị chủ lực, một số đơn vị binh chủng và địa phương trên từng hướng, từng mũi và sử dụng lực lượng phù hợp trong từng trận đánh.

Về tác chiến, bộ đội ta đã vận dụng khá linh hoạt các hình thức, thủ đoạn chiến thuật về chiến đấu công kiên, tập kích, phục kích. Trong tập kích đã khéo kết hợp sử dụng lực lượng đặc công bí mật ém sẵn, cùng bộ binh áp sát các cứ điểm, hay sở chỉ huy địch trong thị xã tạo nên thế trận trong đánh ra, ngoài đánh vào, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Với phục kích, ta tổ chức các trận trên trục đường 5, 14 để đánh địch ngoài công sự, nhanh chóng tiêu diệt chúng.

Kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến linh hoạt trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo cách tổ chức, sử dụng lực lượng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và loại hình tác chiến; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến linh hoạt, kể cả tại chỗ và cơ động chiến lược.

Đồng thời coi trọng việc tổ chức, sử dụng lực lượng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương trong hoạt động tác chiến chiến lược. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm cơ sở để các cấp, ngành và các lực lượng tổ chức, thực hành luyện tập, diễn tập ngay từ thời bình, đáp ứng yêu cầu của tác chiến công nghệ cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

NGỌC SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-su-dung-luc-luong-linh-hoat-trong-chien-dich-tien-cong-o-bac-tay-nguyen-766231