Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Lai Châu năm 1953

70 năm trước, thực hiện chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh mở chiến dịch tiến công giải phóng Lai Châu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng đất đai, phối hợp với chiến trường, thu hút, phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược của địch, tạo thời cơ cho chủ lực ta tiêu diệt quân địch. Lực lượng tham gia chiến dịch chủ yếu là Đại đoàn 316 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương.

Ngày 7-12-1953, trước sự uy hiếp mạnh mẽ của quân ta, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Lai Châu, thực hiện ý đồ co cụm lực lượng về Điện Biên Phủ. Các đơn vị bộ đội đang hành quân được lệnh chuyển sang truy kích bao vây tiêu diệt địch, không cho chúng kéo về Điện Biên Phủ.

Từ ngày 13-12, bộ đội ta thực hiện các trận phục kích, tập kích, truy kích địch, bao vây gọi hàng. Gần 2 tuần liên tục tiến công, truy kích trên quãng đường dài khoảng 300km ở địa bàn rừng núi hiểm trở, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 20 đại đội địch, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, hoàn thành hai nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai; buộc chúng phải tăng cường lực lượng từ đồng bằng lên Tây Bắc, xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng “phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược của địch”.

Quân Pháp rút khỏi Lai Châu, co cụm về Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Thắng lợi Chiến dịch Lai Châu năm 1953 đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật quân sự, trước hết là nghệ thuật sử dụng lực lượng hợp lý, đánh địch hiệu quả trên các hướng. Sau khi phát hiện Đại đoàn 316 của ta cơ động lực lượng lên giải phóng Lai Châu, quân địch vội vã rút phần lớn lực lượng ở Lai Châu về Điện Biên Phủ để tránh bị tiêu diệt. Trước sự thay đổi mau lẹ của tình hình, Bộ Tổng Tư lệnh phân tích: Địch đột ngột rút bỏ Lai Châu, tinh thần hoang mang, rối loạn, thậm chí xuất hiện tư tưởng “mạnh ai nấy chạy”. Lực lượng còn lại ở thị xã Lai Châu mỏng, yếu nên sử dụng lực lượng nhỏ tiến công, tập trung lực lượng chốt chặn, tiêu diệt quân địch tháo chạy, không cho chúng hợp quân với lực lượng ở Điện Biên Phủ. Chuyển phương án tác chiến từ tiến công địch phòng ngự là chủ yếu sang lập thế trận chốt chặn, chia cắt đánh địch rút chạy.

Thực hiện quyết tâm đã xác định, ta tổ chức sử dụng lực lượng thành 3 bộ phận. Bộ phận thứ nhất, phần lớn lực lượng, gồm: Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 215 và Trung đoàn bộ Trung đoàn 98 và Đại đoàn bộ 316, có nhiệm vụ cơ động chốt chặn và truy kích địch rút chạy từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Bộ phận thứ hai, Tiểu đoàn 439 (Trung đoàn 98) hiệp đồng chặt chẽ với bộ phận tiền trạm Tổng cục Cung cấp, dùng xe cơ giới hành quân gấp, tiến công giải phóng thị xã Lai Châu. Bộ phận thứ ba, sử dụng Tiểu đoàn 938 (Trung đoàn 98, Đại đoàn 316), dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, triển khai lực lượng bảo vệ Tuần Giáo, sẵn sàng đánh địch tập kích vào phía sau đội hình chiến dịch. Thực tiễn diễn biến chiến dịch đã chứng minh, việc tổ chức sử dụng lực lượng chiến dịch là đúng đắn, khoa học, hiệu suất chiến đấu cao.

Thứ hai, nghệ thuật tạo lập thế trận chốt chặn vững chắc trên các hướng của chiến dịch. Theo mệnh lệnh mới của Bộ Tổng Tư lệnh, cùng với nhiệm vụ tiến công từng cụm cứ điểm phòng ngự của địch trong thị xã Lai Châu, Đại đoàn 316 nhanh chóng tạo lập thế trận chốt chặn, chia cắt và truy kích tiêu diệt địch, xác định khu vực chốt chặn, chia cắt địch là Mường Pồn-Bản Tấu (Điện Biên)-khu vực có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho việc bố trí lực lượng bí mật, lập thế trận chốt chặn liên hoàn, vững chắc, bảo đảm đủ thời gian để ta cơ động đuổi kịp và vượt lên trước chặn địch. Mặt khác, ở Bản Tấu có Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176) đang bám nắm địch ở Điện Biên Phủ, sẵn sàng tiến công địch nếu chúng ứng cứu, giải tỏa.

Theo kế hoạch, Trung đoàn 174 triển khai lực lượng ở khu vực Mường Muôn, Mường Pồn, sẵn sàng “đón địch” từ Lai Châu chạy về. Trung đoàn 98 xuống Pu San, lợi dụng các điểm cao có giá trị chiến thuật án ngữ khu vực, chốt chặn, sẵn sàng đánh địch chi viện, ứng cứu từ Điện Biên Phủ lên. Tiểu đoàn 888 có nhiệm vụ bám sát địch ở phía Him Lam-Bản Tấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới khi có lệnh. Như vậy, ngay từ đầu, ta đã tổ chức lực lượng hợp lý trên các hướng, hình thành thế trận chốt chặn, chia cắt hai khối quân địch ở Lai Châu và Điện Biên Phủ. Điều đó khẳng định nghệ thuật tạo thế trận chiến dịch sáng tạo, linh hoạt trong điều kiện chuyển phương án tác chiến rất khẩn trương, mau lẹ, phát huy được sức mạnh của các lực lượng, bảo đảm thuận lợi cho việc trên đánh xuống, dưới đánh lên. Đó là sự phát triển mới về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch giải phóng Lai Châu mà các chiến dịch trước (Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào) chưa có điều kiện thực hiện.

Thứ ba, nghệ thuật vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến thuật, thực hành bao vây, chia cắt tiêu diệt, làm tan rã từng bộ phận quân địch, tiến tới giành thắng lợi quyết định. Phát hiện Đại đoàn 316 cơ động lên Lai Châu, quân Pháp quyết định mở cuộc hành quân rút phần lớn lực lượng ở Lai Châu về Điện Biên Phủ để tránh bị tiêu diệt, trong quá trình rút chạy, quân địch chủ quan, vì có sự tiếp ứng lực lượng ở Điện Biên Phủ. Nhưng khi đến Mường Pồn, bất ngờ bị ta chặn đánh quyết liệt và vây chặt, buộc địch phải co cụm chờ lực lượng từ Điện Biên Phủ lên giải tỏa. Nhưng với thế trận chốt chặn được tổ chức chặt chẽ, liên hoàn của ta, lực lượng cứu viện của địch từ Điện Biên Phủ lên đã bị ta phục kích tiến công ở Bản Tấu, buộc phải rút quân về Điện Biên Phủ. Sau khi giải phóng thị xã Lai Châu, Tiểu đoàn 439 tiếp tục truy kích địch dọc theo trục đường Lai Châu-Điện Biên Phủ, đẩy địch vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nắm chắc thời cơ, các đơn vị của Đại đoàn 316 chủ động vượt qua mọi khó khăn, độc lập tác chiến, vận dụng linh hoạt các hình thức và thủ đoạn chiến thuật như: Bao vây, chia cắt, vận động tiến công kết hợp với vừa đánh, vừa kêu gọi đầu hàng để truy kích, tiêu diệt và làm tan rã quân địch.

ĐÀO VĂN ĐỆ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-quan-su-trong-chien-dich-lai-chau-nam-1953-753933