Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Quang Lẫm: Cháy bỏng niềm đam mê sân khấu chèo

'Với tôi, nghệ thuật chèo là mối nhân duyên lớn, sân khấu chèo là niềm đam mê cháy bỏng' - Đó là lời chia sẻ của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang. Từ mối duyên tiền định ấy mà thành niềm đam mê, thành cái nghiệp theo suốt cuộc đời. Ông vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.

Tạ Quang Lẫm sinh năm 1969, là con thứ hai trong một gia đình làm nông nghiệp ở thôn Công Hà, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1987, học xong phổ thông, Tạ Quang Lẫm đi xét tuyển vào Đoàn Nghệ thuật Tuồng Hà Bắc và trúng tuyển. Học xong, ông được giữ lại Đoàn. Tuy nhiên, năm 1991, Đoàn Tuồng giải tán, các nghệ sĩ tan tác mỗi người mỗi ngả. Ông đành về quê kinh doanh điện dân dụng, xác định bỏ nghề diễn viên.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Tạ Quang Lẫm (ngày 6/3/2024).

Thế nhưng có cái duyên nào đó cứ thôi thúc ông, mỗi lần lên thị xã Bắc Ninh lấy hàng, đi qua Đoàn Quan họ, ông lại rẽ vào thăm và trò chuyện với gia đình nghệ sĩ Lẫm - Phức (Vũ Tự Lẫm - Nguyễn Minh Phức - bố mẹ của NSND Tự Long).

Ông tự thấy niềm đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống trong mình không thể dứt được, ông bắt đầu học hát quan họ từ các nghệ nhân nổi tiếng. Chiều ấy, trong cuộc trà với ông Nguyễn Hữu Luận - Trưởng Đoàn Chèo Hà Bắc, sau những lời khuyên, ông chính thức quay trở lại sân khấu, đầu quân làm diễn viên cho Đoàn Chèo Hà Bắc vào tháng 5/1994.

Từ khao khát được biểu diễn, ông lại học hỏi để hóa thân vào chèo, loại hình nghệ thuật khác với tuồng. Vai diễn đầu tiên ông đảm nhận là vai Hoàng Trừu trong vở “Hoàng Trừu kén vợ” tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Bao khấp khởi, hồi hộp và tâm huyết ông dồn cả vào vai diễn. Vở diễn thành công, được công chúng đón nhận và khen ngợi. Vai diễn “chàng Gió” tiếp theo sau đó trong vở “Sự tích suối Mỡ” (tác giả Huy Cờ) mang về cho ông Huy chương Bạc (HCB). Niềm hạnh phúc vô bờ được nhân lên, nuôi dưỡng tâm hồn ông, khiến ông ngày đêm nỗ lực học hỏi diễn xuất từ các nghệ sĩ bậc thầy.

Đam mê lại có giọng hát trời ban nên ông rất nhanh thuộc những ca khúc trong vở diễn, vào vai một cách tự nhiên nhất. Năm 2000, ông vào vai Thân Cảnh Phúc trong vở “Phò mã Thân Cảnh Phúc” tham gia Liên hoan nghệ thuật Chèo toàn quốc. Vai diễn giành Huy chương Vàng (HCV). Cái tên Quang Lẫm thực sự có chỗ đứng trong lòng người mê chèo từ đó. Kỷ niệm qua những đêm diễn cũng ngày càng nhiều hơn. Một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi đó là có cặp vợ chồng đi xem hội diễn chỉ để được gặp và nghe nghệ sĩ Quang Lẫm hát chèo. Khi tan cuộc, anh chị nhất định gửi tặng nghệ sĩ một bọc to tướng bánh tẻ tự gói để mang về.

NSND Tạ Quang Lẫm có hơn 30 vai diễn, hầu hết là vai chính trong các vở chèo tham gia nhiều kỳ hội diễn, liên hoan chèo, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc… mang về 5 HCV, 2 HCB diễn xuất, đồng thời hướng dẫn một số nghệ sĩ trẻ tài năng đi thi đoạt HCV. Ông làm đạo diễn 6 vở chèo. Gần nhất là vở “Người con gái Kinh Bắc” của tác giả Huy Cờ do ông đạo diễn đã đoạt HCV tại Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2019 tại Bắc Giang.

Sau những vai chính diện, ông lần đầu thử sức vào vai phản diện Tổng đốc Lê Hoan trong vở “Đề Thám”. Ông bỏ nhiều ngày đêm nghiên cứu về nhân vật mình sẽ vào vai, phân tích từng cử chỉ, điệu bộ, tính cách... để thể hiện sao cho đạt nhất. Nhiều đêm, ông đóng cửa phòng, chỉ tập mỗi cái cười của tên Tổng đốc. Làm sao để cái cười ấy vừa toát lên sự vênh váo, kẻ cả, tự cao tự đại lại vừa nham hiểm, đểu giả… Chỉ cần cái cười ấy cất lên, người ta có thể nhận ra bản chất bên trong con người hắn. Không ngoài mong đợi của ông, vở diễn đã rất thành công, ông giành được HCV ở Liên hoan Chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Quảng Ninh.

Sau nhiều vai diễn thành công, năm 2005, nghệ sĩ Tạ Quang Lẫm quyết tâm đi học Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội với chuyên ngành đạo diễn. Tốt nghiệp bằng giỏi năm 2009, ông về Đoàn tiếp tục cống hiến. Từ cái nhìn của một đạo diễn, ông cùng mọi người đầu tư công sức nhằm để những vai diễn, cảnh diễn trở nên hoàn hảo hơn, có tính nghệ thuật cao hơn. Vở “Danh chiếm bảng vàng” (tác giả Trần Đình Ngôn), Quang Lẫm vào vai quan Phủ doãn đã đoạt HCV khi tham gia Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Ông quyết tâm học thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật Sân khấu vào năm 2010 và đảm nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang.

Năm 2017, ông nhận nhiệm vụ phụ trách và từ năm 2019 đến nay là Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang. Từ khi lấy bằng thạc sĩ, về đơn vị năm 2012, ông luôn dành tâm huyết cùng các đồng nghiệp làm sao nâng cao được kỹ năng diễn xuất cho diễn viên, chỉ có như vậy hiệu quả nghệ thuật của vở diễn mới được nâng cao. Khán giả sẽ yêu quý nghệ thuật chèo hơn bởi nó chân thực hơn, gần đời sống hơn. Cũng trong năm này, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Khi được hỏi những tâm tư còn day trở về nghề, NSND Tạ Quang Lẫm chia sẻ, khi làm diễn viên thì mong muốn mình trở thành một nghệ sĩ thành danh trên sân khấu, khi làm đạo diễn thì mong muốn đào tạo được những thế hệ diễn viên kế cận có nghề cho đơn vị, cho ngành văn hóa, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Những năm gần đây, ông cùng ban lãnh đạo Nhà hát Chèo luôn tìm tòi, đổi mới cách tiếp cận để công chúng, nhất là những người trẻ quan tâm và yêu thích môn nghệ thuật này.

Được biết năm 2023, Đoàn đã đi diễn được 113 đêm, trong đó 80 đêm diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, 33 đêm diễn có bán vé, doanh thu vượt chỉ tiêu năm trước. Công tác truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật chèo được thực hiện ở 2 câu lạc bộ (CLB) chèo địa phương. Dự án sân khấu học đường đã được hoàn thành tại các đơn vị trường học như: Trường Tiểu học, THCS xã Lam Cốt, huyện Tân Yên và Trường THCS xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng.

NSND Quang Lẫm cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật tại các trường học, hay xóm xã. Ông cho rằng, việc nâng cao kỹ năng diễn xuất cho các hạt nhân chèo ở cơ sở cùng với việc đào tạo, định hướng một lớp khán giả có nhận thức thẩm mỹ cao về nghệ thuật truyền thống là vô cùng quan trọng. Thực tế, một em học sinh tham gia CLB chèo, đi diễn, là có ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác và thầy cô, bạn bè đi theo cổ vũ động viên. Vậy là từ một người sẽ thành nhiều người yêu chèo, quan tâm đến chèo. Ông tình nguyện viết kịch bản, dàn dựng, làm đạo diễn, rồi xuống tận các CLB hướng dẫn chỉ bảo cách diễn xuất sao cho tốt. Hôm tôi đến, ông khoe, vừa đi đặt mua giúp cả quần áo diễn cho một CLB chèo dưới xã. Đúng là nếu không đam mê, không vì nghệ thuật không thể làm được điều đó.

Năm 2023, Nhà hát Chèo Bắc Giang đã tổ chức thành công Liên hoan các CLB Chèo không chuyên tỉnh Bắc Giang lần thứ II, thu hút được 11 CLB với gần 500 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công tham gia. Bắc Giang cũng là miền quê yêu nghệ thuật truyền thống. Còn nhớ Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 tổ chức tại Bắc Giang, hội trường luôn chật cứng khán giả. Có những cụ già đi từ huyện lên rất sớm chờ xem các vở diễn. Về các xã phường, chứng kiến hoạt động của các CLB nghệ thuật truyền thống mới thấy hết những cống hiến âm thầm của biết bao nghệ sĩ và người làm công tác văn hóa, khi họ tận tình hướng dẫn, truyền dạy, lan tỏa loại hình nghệ thuật truyền thống đến công chúng.

Khi được hỏi về niềm vui lớn khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, Tạ Quang Lẫm cười hiền: Chỉ mong sao có nhiều sức khỏe, cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật chèo.

Nguyễn Thị Mai Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nghe-si-nhan-dan-ta-quang-lam-chay-bong-niem-dam-me-san-khau-cheo.bbg