Nghe podcast chữa lành: Lành ít dữ nhiều

Video podcast chữa lành với nhiều từ ngữ chửi thề, đang dần trở nên phổ biến trên nền tảng TikTok.

Gần đây, mạng xã hội (MXH) TikTok đang được các bạn trẻ đăng tải video podcast chữa lành với nhiều từ ngữ thô tục, đang dần trở nên phổ biến trên nền tảng này. Vì mang tính độc lạ, nên thu hút lượng lớn lượt tương tác, bình luận từ người dùng MXH.

Đây là những lời mở đầu cho một podcast chữa lành bằng việc dùng những từ ngữ thô tục: “Chào bạn, ngày hôm nay của bạn có vui không? Còn mình hôm nay như con...”, “Hôm nay mình chia sẻ với mọi người câu chuyện làm thế nào để chúng ta có thể nói đạo lí mà không sống như cái...”, Nếu mà cuộc đời bạn như cái...thì nó sẽ như cái...",...

MXH TikTok là nơi mà mọi lứa tuổi đều có thể truy cập dễ dàng, nhưng việc các podcast chữa lành thường đi kèm với ngôn ngữ tục tĩu đang trở nên phổ biến có thể gây hậu quả tiềm ẩn đến tâm lý và sự phát triển của các khán giả trẻ và khán giả nhỏ tuổi. Đây là vấn đề rất đáng báo động về chuẩn mực văn hóa trên nền tảng này.

Podcast "chữa rách vết thương" đã lành, đang dần trở nên phổ biến. Ảnh: chụp màn hình

Đang tổn thương "nghe cái tự nhiên tỉnh ngang"

Chị Trần Thị Thanh Ngọc (sinh viên ngành truyền thông) cho biết việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu trong các podcast chữa lành trên MXH TikTok là một điều đáng lo ngại.

“Theo tôi, dù ý định của những video này có thể là muốn giải tỏa stress hoặc chia sẻ kinh nghiệm, nhưng cách tiếp cận này có thể gây hậu quả không mong muốn cho đối tượng là trẻ em và thanh thiếu niên. Việc tiếp xúc với ngôn ngữ tục tĩu từ lứa tuổi nhỏ có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành tư duy và nhân cách. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cộng đồng content và nền tảng MXH trong việc quản lý nội dung” – chị Ngọc cho hay.

Chị Nhã Thương (nhân viên truyền thông) chia sẻ: Đây cũng là một trong những dấu hiệu tuột dốc của mặt đạo đức. Sự việc này đang diễn ra từng phút từng giây, việc nói tục chửi bậy của giới trẻ cũng đang dần trở nên phổ biến. Báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng. Chúng ta rất cần lên án vấn đề này.

Anh Lý Thiện (sinh viên ngành tâm lý) chia sẻ: Podcast thường mang tính giáo dục, truyền cảm hứng, chữa lành. Tôi nghĩ, việc sử dụng từ ngữ nhạy cảm làm podcast tuy ban đầu sẽ gây ấn tượng cho người nghe, nhưng về lâu dài sẽ không còn hay nữa. Cho nên, những TikToker làm content này nên dừng lại, podcast là chữa lành chứ không phải nghe cái tự nhiên tỉnh ngang.

Những video podcast chữa lành bằng việc văng tục thu hút lượng lớn lượt tương tác. Ảnh: chụp màn hình

Không nên cổ súy lời lẽ thô tục

Chia sẻ với PV, Ths Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Đại học Văn Hiến cho biết podcast chữa lành vốn dĩ là một hình thức ấn phẩm truyền thông tích cực, bắt nguồn từ nhu cầu muốn cân bằng cảm xúc của một tệp công chúng, thường là người trẻ, với những áp lực về học tập, công việc và tình cảm cá nhân. Thông qua các câu chuyện bình dị, bằng những lời thầm thì trải lòng, người nghe cảm thấy như được gội rửa phiền muộn, tăng nguồn năng lượng cuộc sống. Chính nhu cầu có thực này, đã giúp trào lưu podcast chữa lành nở rộ, tạo nên những hiệu ứng truyền thông thiện lành và hữu ích.

Tuy vậy, dần theo thời gian, nhằm câu view (lượt xem) bất chấp, một số đối tượng đã khiến cho trào lưu này biến tượng, khi xuất hiện những sản phẩm podcast chữa lành dùng những từ ngữ lệch chuẩn, thậm chí chửi bậy, nói tục. Đáng buồn, đáng giận, đáng lên án là trào lưu xấu độc này lại được một bộ phận công chúng trẻ hưởng ứng.

Theo Ths Tiến, ở góc độ tâm lý, từng có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chửi bậy có thể giúp chủ thể của phát ngôn, tức người nói (thậm chí cả người nghe) giải tỏa cảm xúc căng thẳng, lo âu và tăng cường khả năng chịu đau. Tuy nhiên, hành động này cần được diễn ra trong không gian, bối cảnh phù hợp, và cần được kiểm soát sự an toàn.

Không thể dựa vào vào lý do chửi bậy giúp giảm stress để cổ súy cho hành vi lệch chuẩn trên MXH. Vì nó sẽ gây ra các hậu quả tiêu cực. Đặc biệt là đối với người trẻ, những trẻ dưới 18 tuổi, việc sử dụng hoặc tiếp xúc với ngôn ngữ không phù hợp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách, tư duy, lối sống.

Và rõ ràng, với không gian MXH, trong những sản phẩm truyền thông rộng rãi, việc phát ngôn chửi thề, nói tục là không thể chấp nhận. Nó khiến người nghe cảm thấy bực bội, khó chịu, đặc biệt là đối với số đông công chúng vốn dĩ không mong đợi sự thô tục trong những sản phẩm mà mình xem.

Ths Trần Xuân Tiến

Cần tạo môi trường MXH lành mạnh bằng việc phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp có liên quan.

Đầu tiên, là việc nâng cao nhận thức của công chúng thông qua các chiến dịch giáo dục, từ nhà trường đến xã hội. Công chúng cần hiểu rõ những hậu quả khôn lường, những tác động tiêu cực từ việc tiêu thụ những sản phẩm rác, xấu, độc, để trở thành những người xem thông minh.

Thứ hai, để người xem tẩy chay các sản phẩm xấu độc, tệ hại, cũng cần những chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc sản xuất các sản phẩm tích cực, thiện lành. Cần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiêu thụ tích cực.

Cuối cùng, cần tăng cường chức năng kiểm duyệt, giám sát bởi các cơ quan chức năng quản lý có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, kiểm soát các sản phẩm truyền thông có nội dung không lành mạnh. Việc thúc đẩy hành lang pháp lý, nâng cao các biện pháp xử phạt một cách mạnh mẽ với những cá nhân, tổ chức vi phạm cũng cần được lưu ý.

Ths Trần Xuân Tiến, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Đại học Văn Hiến

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghe-podcast-chua-lanh-lanh-it-du-nhieu-post784155.html