Nghề nuôi 'lộc trời' không lo ế ở Vĩnh Lập

Những người kiên trì bám trụ với bãi rươi Vĩnh Lập ngày ấy, nay nhiều người đã trở thành tỷ phú. Và cũng những con người ấy đang ấp ủ một dự định lớn hơn, đó là khai thác, bảo tồn vùng rươi gắn với phát triển du lịch trải nghiệm...

Một mùa Xuân nữa lại về trên quê hương Vĩnh Lập (Thanh Hà, Hải Dương), nhiều nông dân phấn khởi vì có một vụ rươi “được mùa, được giá”. Có lẽ, những món ăn từ rươi không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người dân Vĩnh Lập. Ăn rươi chính vụ đã thích nhưng ăn rươi trong dịp Tết mới thật đặc biệt, bởi nó không chỉ đơn thuần là thưởng thức một món ăn mà nó còn là một nét văn hóa truyền thống. Món chả rươi thơm ngạt mũi, canh rươi vị ngọt sần sật, còn rươi kho thì béo ngậy… Ai đã thưởng thức món ăn đồng quê này một lần thì khó có thể quên.

Từ bãi ruộng đầm lầy trở thành vựa tiền tỷ

Rươi được xem là đặc sản mà nhiều năm qua chẳng khi nào ế bởi đơn giản rất ít nơi có điều kiện nuôi, cũng không phải thời điểm nào trong năm cũng có rươi. Vì thế mới có câu nói trong dân gian lưu truyền kinh nghiệm về thứ đặc sản này. “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng 5”, đó là những ngày rươi nổi lên nhiều nhất. Cứ chớm Đông, vào ngày gió bấc se se, những con rươi mới sẽ trồi lên mặt nước.

Rươi được xem là đặc sản mà nhiều năm qua chẳng khi nào ế bởi đơn giản rất ít nơi có điều kiện nuôi.

Trước đây, cứ đến tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm khi có nước rươi, người dân xã Vĩnh Lập (Thanh Hà – Hải Dương) lại đổ xô đi vớt. Nhưng do gieo cấy lúa, phun thuốc trừ sâu nhiều, môi trường sống không tốt nên rươi nổi ít. Sau này người dân bỏ ruộng đi làm công nhân, vùng đất bãi bỏ hoang không người canh tác.

Năm 2013, ông Lê Văn Quạt (xã Vĩnh Lập) xuống vùng rươi của huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, thấy người ta bán buôn tại ruộng đã 600.000 đồng/kg. Về quê, ông quyết chí lập phương án vùng nuôi rươi rộng 13,5 ha ngoài đê cùng mấy hộ chủ chốt, trình lên xã, huyện đều nhận được sự ủng hộ. Ngặt một nỗi, đó là đất nông nghiệp của người dân, chứ không phải công điền, liên quan đến 400 – 500 hộ mà đồng lòng chuyển nhượng thì khó.

Sau đó, ông Quạt đã vận động người dân từng bước một với phương châm, nếu cứ để ruộng đồng nhỏ lẻ như thế thì không thể cắt phiên nhau ra để coi “thềm lục địa” trước bọn hút cát trộm. Bà con giúp chuyển nhượng cho với giá 15 triệu đồng/sào, hai là cho đấu thầu dài hạn. 95% dân sau đó chịu chuyển nhượng, số còn lại thì cho thầu.

Ai đã thưởng thức món ăn đồng quê kiêu sa từ rươi một lần khó có thể quên.

Từ một vùng bãi hầu như năm nào cũng phải cấy đi cấy lại vì ngập lụt đã biến thành bãi bảo tồn rươi. Tất nhiên, thời kỳ đầu rươi chẳng có, nhiều người chán nản, ông Quạt lại động viên mọi người. Rồi thành quả cuối cùng đã đến, năm 2016 rươi bắt đầu về nhiều. Do đặc tính sinh trưởng, mỗi năm rươi cho thu hoạch 3 tháng chính gồm: tháng 9, 10 và 11. Mỗi tháng chỉ kéo dài vài ngày, khi con nước thủy triều vào ruộng, rươi lên và người dân bắt đầu công tác thu hoạch. Ấy mới gọi là lộc trời.

Rươi được mùa hay không một phần phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nhưng phần nhiều vẫn do môi trường sống của từng bãi. Nếu môi trường không sạch sẽ thì không có rươi. Bởi vậy, người dân Vĩnh Lập có câu: “Cách nhau có mỗi cái bờ/người thì hàng tạ, kẻ chờ từng con” bởi môi trường ruộng của các nhà không giống nhau.

Đến những ấp ủ trong mùa Xuân mới

Trước kia khai thác rươi lẻ tẻ nên phụ thuộc khá lớn vào “lộc trời” ban, nhưng từ khi quy hoạch vùng nuôi, gắn với phát huy và bảo tồn thương hiệu, thu nhập người dân cải thiện. Nghề nuôi rươi đã giúp cuộc sống của bà con ở địa phương ngày càng khấm khá, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có nhà tầng, xe ô tô.

Năm 2019, ông Lê Văn Quạt và bà con vùng bãi rươi quyết định thành lập HTX bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên, chế biến nông sản sạch Vĩnh Lập với 15 hộ thành viên, diện tích khai thác là 15,2 ha. Đây là một trong những hướng đi gắn tới sự phát triển bền vững cho vùng nuôi. Sau đó, có nhiều hộ dân khai thác rươi trong xã xin vào HTX để cùng nhau phát triển khai thác rươi bền vững. Hiện số thành viên của HTX là 120 hộ, với diện tích khai thác rươi là 52 ha.

Nhiều thành viên của HTX bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên, chế biến nông sản sạch Vĩnh Lập đã trở thành những tỷ phú nông dân.

Ông Lê Hữu Vở, thành viên của HTX phấn khởi nói gia đình ông có gần 1 ha, sau khi trừ đi chi phí thu cả tỷ đồng/năm. Nếu không phải vào vụ rươi, gia đình ông đánh con cáy hai bên bờ đem đi bán cũng đủ tiền sinh hoạt hàng tháng.

Điều vui mừng là chưa bao giờ rươi rơi vào tình cảnh ế hàng, ông Lê Văn Quạt, Giám đốc HTX cho biết người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi rươi, nhiều gia đình đã có ô tô, xây dựng nhà cao cửa rộng. Những người kiên trì bám trụ với bãi rươi ngày ấy, nay nhiều người trở thành tỷ phú, giàu lên vì lộc trời. Có nhiều người bãi thu cả chục tỷ đồng/năm.

Ông Mai Văn Vầng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tú Y (Vĩnh Lập) cho biết, hiện tại thôn Tú Y có hơn 30 hộ làm nghề khai thác rươi, với tổng diện tích 20 ha khai thác rươi. Những hộ có diện tích 5 – 7 mẫu rươi, cho thu nhập rất cao, với mức thu tiền tỷ là chuyện bình thường. Còn những hộ có diện tích rươi ít hơn từ 7 – 8 sào đến 1 – 2 mẫu cũng cho thu hàng trăm triệu đồng. Nhìn chung, những hộ làm nghề khai thác rươi đều cho thu nhập cao, có cuộc sống khá giả hơn nhiều so với những hộ khác trong thôn sản xuất nông nghiệp cấy lúa, trồng trọt đơn thuần.

Về xã Vĩnh Lập vào mùa rươi, xe ô tô nối dài trên những con đê, đường vào vùng khai thác. Người bán rồi người đến xem, đến trải nghiệm vớt rươi… Đó là những hình ảnh sống động của vùng đất bãi xã Vĩnh Lập một thời dường như quên lãng.

Giám đốc HTX Lê Văn Quạt đang ấp ủ định hướng phát triển theo mô hình khai thác, bảo tồn rươi gắn với phát triển du lịch. "Thực tế, có những hôm khách đến mua rươi tắc cả đường đê. Vào ngày mùa, ở đây xuất đi hàng chục tấn/ngày. Du khách đến trải nghiệm nhiều, họ muốn vớt rươi để hồi tưởng lại thời xưa hay để trải nghiệm, kể cả du khách Tây cũng thích tự tay bắt rồi tự tay rán chả”, ông nói.

Ông Quạt bảo, ông đang có nhiều ý tưởng để đưa con rươi trở thành một thương hiệu gắn với vùng đất du lịch, một trong số đó là xây dựng kế hoạch phát triển vùng nuôi rươi gắn với du lịch trải nghiệm. Việc gia tăng trải nghiệm sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về quá trình phát triển con rươi, hiểu rõ được môi trường sống đảm bảo tiêu chuẩn như thế nào, bởi chỉ một tý thuốc bảo vệ thực vật cũng không thể nuôi dưỡng được loài “lộc trời” này.

Bên cạnh đó, HTX mong muốn chính quyền địa phương cho phép mở rộng diện tích bãi rươi, để mở rộng quy mô, từ đó thêm nhiều người nông dân ở đây được thụ hưởng lộc trời. Đồng thời, HTX sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm rươi gắn với chỉ dẫn địa lý, phát triển chế biến đa dạng, cao cấp như món rươi khô, mắm rươi…

So với một số địa phương khác, diện tích khai thác rươi của Thanh Hà không lớn, sản lượng không nhiều bằng nhưng chất lượng luôn được đánh giá cao, vì vậy rất đắt hàng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo, (trong khi đó 100g thịt bê nạc cung cấp 87 calo). Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm...

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nghe-nuoi-loc-troi-khong-lo-e-o-vinh-lap-1097620.html