Nghề nuôi hươu lấy 'thần dược' ở Hà Tĩnh

Hơn 1 tháng nay, người dân nuôi hươu ở huyện miền núi Hà Tĩnh tập trung cao trong việc chăm sóc vật nuôi để có thể thu về những cặp nhung chất lượng tốt, được coi là 'thần dược' để phụ vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán.

Từ lâu, hươu sao đã được thuần hóa và nuôi trong các hộ gia đình ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) và chỉ có những gia đình phong lưu, khá giả mới có điều kiện để chăn nuôi loại động vật trên.

Nghề nuôi hươu giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Hương Sơn phát triển kinh tế.

Với đặc thù địa hình miền núi, có nhiều cây cỏ phát triển, từ bao đời nay, huyện Hương Sơn được biết đến là “thủ phủ” của nghề nuôi hươu lấy nhung. Từ những năm 1990 đến nay, hươu trở thành vật nuôi chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế.

Ông Võ Văn Tuấn (trú xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn) cho biết, những năm gần đây, thị trường hươu giống và sản phẩm từ nhung hươu trở nên nhộn nhịp. Người dân chỉ cần nuôi mà không lo đầu ra.

"Gia đình tôi vừa mới cắt cặp nhung hươu nặng hơn 600 gram, năm nay con hươu này cho ra hai cặp nhung, tính tổng trọng lượng đạt gần 1,2kg. Giá nhung hươu hiện tại đang được bán từ 12-14 triệu đồng/kg. Thông thường trọng lượng bình quân của mỗi cặp nhung chỉ từ 0,3 - 1 kg. Tuy nhiên nhờ chăm sóc tốt, mấy năm gần đây có những cặp nhung nặng trên 4kg", ông Tuấn cho hay.

Cặp nhung hươu nặng hơn 600 gram của gia đình ông Tuấn sau khi cắt xong.

Theo ông Tuấn, việc cắt nhung cần đúng ngày tuổi, để nhung không quá già hoặc không quá non sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhung, cũng như bảo đảm sức khỏe cho hươu nhằm tái lộc đúng vụ năm sau.

Gia đình chị Hoàng Thị Thanh (ở thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) cho biết, năm nay gia đình chị nuôi 20 con hươu, vụ nhung năm nay có 12 con cho thu hoạch.

"Nuôi hươu không phải đầu tư nhiều về chuồng trại, cách chăm sóc dễ dàng. Nhờ nuôi hươu mà gia đình tôi có cuộc sống khá giả hơn so với trước. Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ dân trên địa bàn có thu nhập rất khá từ nghề nuôi hươu lấy nhung này", chị Thanh nói.

Người dân cắt lộc nhung hươu.

Lãnh đạo huyện Hương Sơn cho biết, hiện toàn huyện có trên 42.000 con hươu, sản lượng nhung thu hoạch hằng năm ước đạt từ 16-18 tấn. Nuôi hươu sao lấy nhung được xem là loài vật phát triển kinh tế chủ lực của người dân miền núi Hương Sơn, giúp bà con có nguồn thu nhập tốt, ổn định cuộc sống.

Từ năm 2019, khi các sản phẩm chế biến từ nhung hươu được công nhận sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị của nhung hươu Hương Sơn, giúp đặc sản địa phương vươn tầm, rộng khắp thị trường, được người tiêu dùng cả nước đón nhận.

Nhờ nuôi nhung hươu đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Trước đây, người dân chỉ có sản phẩm duy nhất là nhung hươu tươi khiến doanh thu bấp bênh, thị trường bó hẹp do phụ thuộc vào mùa vụ và không có phương thức bảo quản. Thông qua chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP của tỉnh, huyện, những năm gần đây, các hộ dân ở Hương Sơn đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu.

Nhung hươu được thái lát mỏng, sấy khô để tiện cho người sử dụng. Ảnh:TL.

Nhung hươu còn gọi là lộc nhung, thanh mai nhung, ban long châu… là sừng non chưa cốt hóa của hươu sao, hươu ngựa đực. Nhung hươu được coi là một trong 4 thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ) có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người.

Theo Đông y, nhung hươu vị cam, hàm, ôn, vào can thận có tác dụng bổ thận dương ích tinh huyết (bổ thận tráng dương) cường gân kiện cốt. Với liều lượng 0,5 -15 gram hằng ngày, người ta có thể dùng bằng cách nấu, hãm, ngâm rượu.

Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghe-nuoi-huou-lay-than-duoc-o-ha-tinh-169240102101258538.htm