Nghề làm việc 'trên trời'

'Nghề trèo cây thốt nốt khá cực. Từ sáng sớm đến chiều tối cứ đu đưa trên cây… hết cây này sang cây khác'. Đó là những lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tín (sinh năm 1987, ngụ khóm Phú Nhứt, phường An Phú, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) khi được hỏi về nghề trèo cây thốt nốt lấy nước 'mật hoa'. Nghề mà mọi người thường ví von là 'Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời'.

“Thốt nốt” có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “Th’not”, nhưng qua thời gian truyền miệng, dân địa phương lâu ngày đọc chạy thành thốt nốt và quen dần đến nay. Cây thốt nốt gắn liền với mỗi gia đình đồng bào dân tộc Khmer. Giữa mảnh đất khô cằn, sỏi đá này, cây thốt tốt là kế sinh nhai bền vững qua nhiều thế hệ, bởi tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng từ thân, lá, bông, quả...

Thốt nốt thuộc cây thân gỗ, cao hàng chục mét, trái kết thành chùm, màu từ xanh nhạt đến tím lịm khi chín, bên trong là cơm màu trắng đục, nước ngọt, thơm làm say đắm lòng du khách. Tuy nhiên, để cây cho trái và nước phải mất khoảng 20 năm. Mùa thốt nốt chín rộ từ tháng Giêng đến tháng 6 (âm lịch) và người dân nơi đây tất bật với công việc “mưu sinh ở lưng chừng trời”.

Khi mọi người vẫn còn chìm vào giấc ngủ ngon thì gia đình anh Tín đã có mặt dưới những tán cây thốt nốt đầy sương sớm bao phủ. Cột vài cái can nhựa vào thắt lưng cùng 1 con dao, anh Tín thoăn thoắt trèo lên 1 cây tre khô buộc cố định vào thân thốt nốt làm thang. Chớp mắt, anh Tín có mặt trên ngọn thốt nốt cao khoảng 20m.

Thấy việc leo trèo khá đơn giản, tôi liền thử men theo các mắt tre để lên ngọn thốt nốt nhưng việc trèo không hề dễ dàng. Càng lên cao mới cảm nhận được sự nguy hiểm của công việc này, vì chỉ một sơ sẩy nhỏ như mắt tre bị gãy, hay lỡ bám vào một bẹ cây yếu thì người trèo sẽ gặp nguy hiểm. Sau một thời gian hì hụt, tôi cũng lên được ngọn thốt nốt.

Trong khi tôi đang lấy lại bình tĩnh thì anh Tín đã dùng dao cắt ngang 1 đoạn của bông thốt nốt và đưa can nhựa hứng những giọt nước mật đang tuôn trào. Sau đó, anh Tín quay sang một bông khác và không mất nhiều thời gian thì các can nhựa đã đầy nước mật thốt nốt. Vừa xong cây này, anh Tín chuyền qua cây bên cạnh.

Khi tất cả các can nhựa đầy nước thốt nốt, anh Tín lại cột vào thắt lưng rồi nhanh chóng leo xuống đất. Suốt quá trình leo trèo, anh Tín không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Ở dưới gốc cây, chị Hồ Thị Vàng (vợ anh Tín) chờ sẵn để gánh những can nước thốt nốt vào chế biến (nấu đường). Thấy phóng viên tò mò, anh Tín liền giải thích: “Nước thốt nốt lấy xuống phải được nấu liền, nếu để lâu sẽ bị chua vì đường trong nước lên men”.

Sau khi xuống mặt đất, uống ngụm nước giải khát, anh Tín tâm sự: “Cuộc đời tôi gắn liền với cây thốt nốt, lớn lên nhờ cây thốt nốt và hiện tại thốt nốt cũng là nguồn sống chính của gia đình”. Gần 40 tuổi, nhưng anh Tín có 20 năm kinh nghiệm trèo cây thốt nốt. “Tối ngày như khỉ leo cây. Biết là nguy hiểm nhưng phải bám nghề vì không có đất sản xuất và không biết làm nghề khác” - anh Tín chia sẻ.

Những cây thốt nốt anh Tín thu hoạch là thuê lại với giá 4 triệu đồng/50 cây/năm. Thời điểm rộ như hiện nay, mỗi cây cho 10 - 20 lít nước mật, nước được lấy từ hoa của cây chứ không phải từ trái. Nước thốt nốt lấy được, gia đình anh tự nấu thành đường bán. “Nhờ thốt nốt mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định, 2 con được ăn học đàng hoàng” - anh Tín nói.

Tuy nhiên, theo anh Tín, mặc dù cây thốt nốt không tốn nhiều công chăm sóc nhưng để cây cho nước và lấy được nước thì rất công phu. “Không phải tự nhiên mà cây cho nước. Trước khi lấy nước phải trèo lên để kẹp bông, kích nước. Ủ bông 2 - 3 ngày sau lên kiểm tra hớt mặt bông, nếu không có nước thì ủ tiếp, sau đó mới lên lấy nước” - anh Tín cho hay.

Dù vất vả, nguy hiểm nhưng theo người dân, nghề trèo thốt nốt lấy mật cho thu nhập ổn định. Bên cánh đồng đối diện, người đàn ông tên Nguyễn Văn Đan (60 tuổi) đang hì hục trèo từ ngọn thốt nốt xuống đất. Cầm trên tay 4 - 5 can nhựa chứa đầy nước thốt nốt tươi, thơm, mặt đầy vẻ mãn nguyện: “Đây là nước lấy từ cây cái nên ngọt, ngon và cho nhiều đường hơn”. Ông Đan có 44 năm làm nghề trèo thốt nốt.

Theo ông Đan, nhờ có thốt nốt mà cuộc sống gia đình ổn định và khấm khá hơn. Không đơn giản là kế sinh nhai, nghề trèo thốt nốt đã ăn sâu vào máu thịt nên dù tuổi cao nhưng vào mùa cao điểm, ông Đan mỗi ngày ba buổi leo đọt thốt nốt lấy mật. Mặt trời đứng bóng, bên trong cánh đồng thốt nốt bạt ngàn, những người đàn ông vẫn đang tất bật với công việc mưu sinh, tạo nên hình ảnh đặc trưng vùng Bảy Núi.

NGUYỄN HƯNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nghe-lam-viec-tren-troi--a391577.html