Nghề làm bột gạo Sa Đéc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Là một trong những nghề truyền thống ở Sa Đéc, nghề làm bột ở đây đã tạo nên danh tiếng, lặng lẽ đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương.

Sản xuất bột gạo ở thành phố Sa Đéc. (Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Nghề làm bột gạo tại Sa Đéc có trên 100 năm tuổi. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỷ qua, con người nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.

Làng nghề tạo nên danh tiếng quê hương

Là một trong những nghề truyền thống ở Sa Đéc, nghề làm bột ở đây đã tạo nên danh tiếng, lặng lẽ đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của nhiều gia đình và sự thành đạt của nhiều thế hệ.

Nghề làm bột ở Sa Đéc tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, về sau lan ra ở phường 2, phường 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây...

Ban đầu, với cách làm thủ công đơn giản, nhiều cơ sở không phải thuê mướn nhân công mà bằng sức lao động của người thân trong gia đình.

Gạo, nếp là nguyên liệu chính được thu mua từ những nông dân tay lấm chân bùn ở trong làng hoặc những nơi lân cận.

Nguồn nước để làm bột sẵn có dồi dào ở sông Tiền, sông Sa Đéc nước ngọt quanh năm, không nhiễm phèn bị chua, lợ... chính yếu tố này đã làm cho bột Sa Đéc trắng phau, mịn nhuyễn mà không nơi đâu sánh kịp.

Gạo, nếp được ngâm nước cho mềm hạt, chắt ráo nước để vào cối đá xay cho nhuyễn, sau đó chan ra nhiều lu, khạp hoặc hồ xây bằng ximăng rồi đổ nước vào ngâm.

Hằng ngày, phải tẻ nước thành nhiều đợt, thay nước mới ít nhất một tuần. Để cho bột thật nhuyễn, lọc ra cho thật ráo. Rồi bẻ bột bày ra nia, ra vỉ, đem phơi độ ba, bốn nắng cho thật khô là có sản phẩm bột.

Cách làm truyền thống này ngày nay chỉ còn được lưu giữ trong một số gia đình, xem đó là những kỷ niệm.

Làm bột hiện nay đã tân tiến rất nhiều; các cơ sở, các hộ sản xuất bột đã áp dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, đã cơ giới hóa, điện khí hóa trong nhiều khâu quy trình sản xuất bột; đã có máy vo, máy nghiền, thiết kế giàn ép bột tươi, bồn lắng, hệ thống bơm hút phụ phẩm...

Người dân làng nghề ứng dụng công nghệ sản xuất bột Sa Đéc. (Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Thị trường tiêu thụ bột ngày nay đã phát triển rất nhiều, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 80-90 tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra các sản phẩm như mỳ, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo...

Ngoài ra, bột Sa Đéc còn được cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và xuất khẩu đi một số nước.

Chỉ riêng nghề làm bột ở Sa Đéc đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, sản lượng bình quân trên 50.000 tấn bột trong năm.

Với những phụ phẩm từ việc sản xuất bột đã góp phần đáng kể cho việc phát triển về chăn nuôi.

Từ làng nghề truyền thống đến Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Ngày 21/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Nghề làm bột gạo Sa Đéc ở xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia: Nghề thủ công truyền thống - Tri thức dân gian.

Hiện tại, Sa Đéc đã hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả một điểm du lịch cộng đồng tại làng nghề truyền thống sản xuất bột gạo.

Tại đây, trưng bày giới thiệu quy trình sản xuất bột gạo Sa Đéc qua các thời kỳ, sản phẩm sau bột và ẩm thực các món ăn chế biến từ bột gạo.

Các sản phẩm OCOP làm từ bột Sa Đéc được xếp hạng 4 sao như bột gạo lứt lúa mạch hạt sen, bánh hỏi khô, bột bánh xèo cốt dừa, nui gạo, bún gạo lứt, phở gạo lứt, hủ tiếu khô, phở khô...

Những sản phẩm OCOP làm từ bột gạo đã thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp cho người tiêu dùng.

Nhằm tri ân các bậc tiền nhân, thế hệ đi trước đã khai mở, gây dựng và phát triển nghề làm bột Sa Đéc, những năm gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Sa Đéc đã duy trì tổ chức “Lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề làm bột Sa Đéc” vào ngày 20 tháng Chạp hằng năm.

Thành phố cũng triển khai nhiều mô hình công nghệ mới trong sản xuất bột chất lượng cao theo hướng thân thiện. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Đề án nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất bột Sa Đéc” góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm bột Sa Đéc xứng danh với làng nghề truyền thống hơn trăm năm.

Sản phẩm bột gạo Sa Đéc đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, bởi bất kỳ du khách nào đến Sa Đéc đều tỏ ra khá thích thú và ấn tượng bởi nét văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú chế biến từ bột.

Du khách hiểu được sự hình thành và phát triển của nghề làm bột hơn 100 năm và vì sao được xứng danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghe-lam-bot-gao-sa-dec-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post929048.vnp