Nghe Huế trong mưa

Bao nhiêu mùa nắng đỏ lửa cháy từng mặt đường rát bỏng khi hè qua, thu cũng chỉ vừa chớm nở. Kẻ xa lạ, người quen sơ cũng chỉ vừa chợt ngước nhìn lên cành cao, vít lấy hương ngọc lan thoang thoảng trong sân ngay góc ấy, ở cung đường quen thuộc ngày hai buổi đi về. Chẳng phải nhắc đến hè - thu quyến luyến ngày đã trôi qua, tháng đã qua ở phía sau lưng mình. Chỉ là để nhắc nhở, dù đằm đã vừa đủ thấm đẫm gần hai chục mùa mưa Huế, vẫn tiếp tục muốn được tập tành lắng nghe. Mà nào phải, tập nghe Huế không chỉ là tiếng mưa, còn tập nghe tiếng Huế trong lòng như giai điệu xao xác nhớ nhung rằng, “khói sương bay giữa hồn thương đau” đã lâu bỏ quên trong tiềm thức cũ kỹ của tuổi trẻ.

Nghe Huế đi. Tiếng mưa như tiếng người. Nghe Huế đi, phải tập nghe những chuyển biến lặng lẽ trước và sau khi tiếng mưa sầm sập đổ nhào xuống phố xá, cây cối, mặt đường, và cả mặt người. Hay chỉ đơn thuần là nghe trong thinh không vũ trụ, đâu đó có những hình dung đang xoay chiều mộng tưởng của kẻ tao nhân, “mơ khách đường xa, khách đường xa…”, với cuộc áo cơm mặn nồng môi mắt.

Nghe Huế đi. Người không phải ở Huế ghé thăm đúng mùa mưa, ngồi bên góc đường nào đó, có khi cũng biết mình xao xác lòng mà bất chợt cúi mặt giấu một ánh mắt đăm đắm nỗi suy tư. Nghe Huế bằng cách cất giữ riêng những giấc mơ bốn mùa, những chập chờn mộng mị giữa đêm và ngày, giữa sáng và tối, giữa những yêu thương đủ đầy dư vị chua cay mặn đắng. Đã đôi lần người Huế cũng tự hỏi, những thanh âm của Huế trong mưa liệu có màu, có sắc hay chăng? Cây cọ của trời vẽ nguệch ngoạc lên mặt đất những gạch ngang, gạch dọc âm thầm, nhưng đủ đậm nét hình hài của Huế thành một gam màu rêu phong cổ kính giữa phố cũ và phố mới.

Nghe Huế đi. Đã từng nghe Huế bao lần. Đã từng nhớ Huế bao lần, ấy vậy vẫn thấy hình bóng người con trai của Huế, đã thử ngoảnh mặt quay lưng dời chân nhấc gót lại không đành vì chạnh lòng thương cha mẹ già mùa mưa tới sau lưng, nước ngập ngang sân nhà. Người nghe Huế ở gần, chỉ kịp báo vội mấy dòng, “phố đã ướt mềm từng ngóc ngách. Phố vẫn hoang vu những khuôn mặt người”, hoặc giả đùa chơi cho vợi bớt đắn đo, lo lắng, rằng, hãy cứ để mưa tràn cả bến bờ, tràn ngập xứ sở này mới thành giai điệu riêng cho đời thương đời nhớ...

Có ngày, cơn mưa đang nặng hạt, bỗng ngớt tạnh. Mưa neo đậu lại thành từng hạt mỏng manh trên cành lá, cỏ hoa, mưa đọng thành từng vũng sáng dưới hiên nhà, trong góc sân nhỏ có cây ngọc lan bất chợt giật mình tỏa hương vào gió. Kẻ xa gần, hôm nào đó đi ngang những nhịp cầu, cứ ngỡ mưa như một cuộc chơi kéo dài nỗi buồn dầm dề trên mặt nước con sông thơm hương thạch xương bồ như huyền tích sử sách xưa mà ngẩn ngơ nghĩ ngợi, có phải “mưa cũng như một canh bạc đánh đổi mỗi mùa nước lên trắng xóa trên đồng”.

Buổi sớm nào người bước chân ra phố, ngó coi mặt sông, mặt sông xám ngoét. Buổi trưa người trở gót đi về, ngó ngang mặt hồ, mặt hồ lẫm đẫm tràn đầy, lấp lánh trên đầu ngọn cỏ, không còn phân biệt được ranh giới giữa nước và bờ. Người chỉ nhận ra một thông điệp duy nhất, “Mưa đã tới. Mùa ướt nhèm mắt môi đã tới. Mùa khóc cười chỉ còn là những cảm giác lặng lẽ trong lòng đã tới, ráng tập nghe những thanh âm của đất trời, của bốn mùa góp nhặt lại nơi xứ sở này, rồi giật mình tỉnh giấc giữa đêm, vì bị mưa đánh thức, vì bất chợt thoáng thấy ai đó quen thuộc mỉm cười trong ký ức. Một người có đôi mắt rất Huế, một người có ánh nhìn thương yêu rút ruột như Huế. Hóa ra, đã cố gắng nhìn thật kỹ, nghe thật rõ, nhưng ngoài khung cửa sổ vẫn chỉ là mưa của trời, trong khung cửa sổ vẫn chỉ là mưa dưới mi mắt người.

Tập nghe mưa Huế, để nén một hơi thở dài đó thôi.

Trần Băng Khuê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nghe-hue-trong-mua-134521.html