Nghề dệt thổ cẩm người Chăm Châu Phong được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang phối hợp UBND TX. Tân Châu đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ghi danh 'Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam' và 'Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong' vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Niềm tự hào

Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm An Giang. Sự kiện thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Mô Hăm Mách (nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Chăm xã Châu Phong, TX. Tân Châu) cho biết, khi đón nhận thông tin này, cả làng rất vui, bởi đây là nghề thủ công truyền thống được ông cha truyền lại cho con cháu. Sản phẩm từ nghề dệt đã phục vụ tích cực cho cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào, trong các nghi lễ tôn giáo.

Nhờ nghề dệt thổ cẩm, từ xưa đến nay đã có nhiều gia đình trong làng nuôi con ăn học thành tài, sau đó các cháu trở về địa phương tham gia vào hệ thống chính trị, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Một số em khác tham gia cùng các hộ gia đình trong làng, làm du lịch, kết nối làng Chăm với bên ngoài, tạo ra những điểm đến lý tưởng trong các tour tham quan, du lịch sông nước miệt vườn, đặc biệt là tour du lịch làng Chăm, từ đó sản phẩm của làng nghề tiếp tục được phát triển.

Những cô gái Chăm lớn lên, ai cũng được mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm

Thời hưng thịnh, cả làng có trên 50 hộ tham gia dệt các sản phẩm thổ cẩm như: Khăn ma-tơ-ra, sà rông, nón, túi xách, quần áo, khăn choàng tắm và các sản phẩm phục thiết yếu khác. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được bán sang Campuchia và các quốc gia trên toàn thế giới (thông qua các tour du lịch).

“Sản phẩm của làng được đưa đi tiêu thụ tại các nước, như: Indonesia, Malaysia và các nước Hồi giáo… Từ đó, đời sống, thu nhập của đồng bào được nâng lên đáng kể. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm, cá biệt có những hộ vừa làm nghề dệt, vừa làm lúa, kinh doanh, thu nhập đạt trên 86 triệu đồng/người/năm…” - ông Mô Hăm Mách chia sẻ.

Bảo tồn, phát huy

“Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm là một nghề thủ công truyền thống. Xuất hiện ở An Giang từ những ngày đầu người Chăm đến cư ngụ. Nghề này không chỉ độc đáo ở kỹ thuật, sự sáng tạo của con người mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc…” - ThS. Nguyễn Thuận Thảo (giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) chia sẻ.

Cũng theo ThS. Nguyễn Thuận Thảo, ngoài những giá trị vừa nêu, nghề dệt thổ cẩm thể hiện rất rõ đặc thù, gốc tích nông nghiệp, từ dụng cụ phục vụ sản xuất đến nguyên liệu, giá trị sử dụng.

"Có thể khẳng định, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm vừa chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa của cha ông để lại, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội đương đại, là tài sản vô giá và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng người Chăm nơi đây…” - ThS. Nguyễn Thuận Thảo chia sẻ thêm.

Việc công nhận "Nghề dệt thổ cẩm người Chăm xã Châu Phong" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng là tiền đề giúp chính quyền địa phương và bà con nơi đây cùng nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Từ đó, đặt ra cho chính quyền và cộng đồng nhiều nhiệm vụ mới trong việc làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chia sẻ về định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nghề dệt thổ cẩm người Chăm xã Châu Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Trương Bá Trạng cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp UBND TX. Tân Châu thực hiện nhiều việc, trong đó sẽ tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp tình hình địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, phát triển nghề truyền thống cho bà con.

Đồng thời, phát huy vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tôn trọng và phát huy sự đa dạng văn hóa của đồng DTTS Chăm tại địa phương…

Nếu “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” có giá trị lịch sử, gắn kết cộng đồng và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc thì “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong” không chỉ độc đáo ở kỹ thuật, sáng tạo của con người, mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử người Chăm nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Thị Hòa Bình khẳng định.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nghe-det-tho-cam-nguoi-cham-chau-phong-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-a385869.html