Nghề dệt lụa ở Bến Tre dùng khung dệt tự động Jacquard từ năm 1929

Được người Khmer gọi là 'Sốc Tre', Bến Tre xưa cũng từng tồn tại nền giáo dục Nho học trước khi Pháp đến, là bản quán của những danh nhân Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản...

Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành được biết đến là nơi chim trời, cá nước với sự trù phú của ruộng vườn, với mênh mông quạnh đỏ của phù sa sông nước... Trong đó, đất Bến Tre được nhắc đến qua nhạc phẩm “Dáng đứng Bến Tre”, qua đội quân tóc dài cùng phong trào Đồng khởi… Ấy nhưng đó là những nhắc nhớ của thời hiện đại. Vùng đất được thiên tạo riêng có bên một nhánh sông Tiền, cùng hợp lưu với sông Hậu đổ về dòng Cửu Long có lịch sử, văn hóa… xa xưa hơn nhiều. Chẳng phải tìm đâu xa, tác phẩm Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945) của tác giả Nguyễn Duy Oanh mở ra những mảnh ghép hoàn chỉnh về vùng đất được người Khmer gọi là “Sốc Tre”.

Ấn phẩm Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945) năm 1971 của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa và năm 2017 của NXB Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: Trần Đình Ba.

Khi viết nên tác phẩm, tác giả cũng tự giới hạn phạm vi nghiên cứu như lời ông bộc bạch trong phần “Tựa”: “Trong sách này, chúng tôi chỉ chép lại khoảng thời gian từ khi Bến Tre được về với chúa Nguyễn (1757) đến ngày Nhựt chấm dứt chánh quyền tại đây (19/8/1945). Chúng tôi nghiêng về phần lịch sử, nhất là tiểu sử các danh nhân trong tỉnh vì chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một dịp để nhắc nhở và nhớ ơn các vị tiền nhân ấy”.

Ban đầu là Tiểu luận Cao học Sử Việt Nam của tác giả tại Đại học Văn khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), sau đó tác phẩm được in lần đầu tiên năm 1971 và tái bản năm 2017. Nội dung tác phẩm được chia làm ba phần tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về vùng đất, con người, lịch sử, địa lý, văn hóa… Bến Tre.

Hình ảnh xe thổ mộ chạy trên đường ở Bến Tre xưa.

Phần Một tác phẩm tập trung nghiên cứu về “địa lý hình thể và địa lý nhân văn” cùng với địa lý lịch sử Bến Tre. Qua đó ta biết được lai lịch của Bến Tre (Kiến Hòa) với những đổi thay địa giới qua thời gian. Tác giả cũng tìm hiểu rất chi tiết về vùng đất này qua những số liệu thống kê rất chi tiết, cụ thể về sông ngòi, chợ búa, cầu đường, tôn giáo… Chẳng hạn về mặt địa lý đã thống kê rõ ràng hình thể, diện tích, địa chất, khí hậu, sông ngòi, đường sá của Bến Tre. Trong đó, ta có thể biết được địa thế của vùng đất này ngoài đồng bằng, có những vùng đất giồng với những tên gọi cụ thể như Giồng Trôm, Giồng Tre, Giồng Chuối… hệ thống đường sá tính đến năm 1945 hay trong hệ thống sông ngòi có một đặc tính riêng có ở sông Ba Lai là hiện tượng sóng thần hay nghịch triều (la mascaret) gắn với huyền thoại vị thần miếu Rạch Xép. Đáng lưu ý là cho đến thời điểm 1971, hiện tượng này đã không còn.

Lịch sử Bến Tre được bắt đầu từ gắn với Thủy Chân Lạp và dấu mốc quan trọng là năm Đinh Sửu (1757) khi Nặc Nhuận hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát để từ đây, đất Bến Tre nhập vào lãnh thổ nước Việt. Tiến trình lịch sử Bến Tre với tên gọi, nhập tách, địa giới hành chính được ghi rõ đến mốc 1945 kết thúc thời Pháp thuộc ở phần “Địa lý lịch sử” và phần “Lịch sử đấu tranh và di tích lịch sử”. Phong trào đấu tranh chống Pháp toát lên lòng yêu nước qua những trận chiến của nghĩa quân Phan Ngọc Tòng, Tán Kế… cho đến phong trào cộng sản những năm 1930.

Xe sợi ở Ba Tri, Bến Tre.

Phần Hai tập trung tìm hiểu các lĩnh vực về hành chánh, kinh tế, giáo dục, y tế mà nhờ đó, những đổi thay, biến thiên về các lĩnh vực trên qua thời gian được miêu tả, dẫn chứng sống động, tỉ mỉ với những cứ liệu, số liệu thuyết phục. Qua phần này bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của Bến Tre được trình bày qua các mặt hành chính, kinh tế, giáo dục và y tế hiện lên sống động. Qua đó ta được biết ban đầu Bến Tre nằm trong địa phận dinh Long Hồ, là tổng Tân An (1799), rồi lên huyện Tân An (1808), phủ Hoằng An (1823), phủ Hoằng An và phủ Hoằng Đạo (1837), phủ Hoằng Trị (1851), hạt Bến Tre (1874)…

Các đơn vị hành chính cấp tổng, làng qua thời gian, bộ máy chức việc, quân đội được trình bày theo tiến trình thời gian từ Nam triều đến Pháp thuộc là kho tư liệu đáng quý cho những nhà nghiên cứu về sau. Hoạt động kinh tế cùng giáo dục, y tế được tìm hiểu sâu qua thời Nam triều (1757-1867) và thời Pháp thuộc (1867-1945). Nhất là sự phát triển của kinh tế dưới ảnh hưởng của người Pháp, cùng với nền nông nghiệp truyền thống lấy cây lúa làm chủ lực, các hoạt động kinh tế tiền công nghiệp đi kèm cũng đáng chú ý như: 17 nhà máy xay lúa (1928); lò gạch và trại cưa: 1901 có 4 lò, 4 trại, 1929 có 3 lò, 12 trại; lò nấu rượu: 1901 có 5, 1930 có 1 với độc quyền của Hoa kiều… nghề dệt lụa đã dùng khung dệt tự động Jacquard thay thế sức người từ năm 1929.

Nếu như trước khi người Pháp đến, nền giáo dục Hán ngữ vẫn phổ biến cùng những sách Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Tứ thư, Ngũ kinh… thì khi có ảnh hưởng của Pháp, nền giáo dục dùng quốc ngữ, Pháp ngữ đã ảnh hưởng đến nơi đây với trường học quốc ngữ đầu tiên tại tỉnh là một nhà lá được lập năm 1868. Năm 1879, giáo dục dạy quốc ngữ, Pháp ngữ trở nên bắt buộc. Tác giả cũng đã thống kê các trường học, hội khuyến học, Ngân sương học hiệu đến niên khóa 1944-1945.

Phần Ba tìm hiểu về lịch sử Bến Tre thời gian 1757-1945 cùng với những danh nhân trong tỉnh như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký… Qua những ghi chép kỹ lưỡng, phần này đã tái hiện hình ảnh thầy giáo Võ Trường Toản, một người thầy đức cao nơi vùng đất Gia Định xưa là tiêu biểu cho Nho học phương Nam, được chúa Nguyễn Ánh phong là “Gia Định xử sĩ sùng đức Võ tiên sinh”; hay Trương Tấn Bửu, tôi thần nổi danh của Nguyễn Ánh từng cõng chúa qua sông, từng đầu đội nón thúng nấu cơm cho chúa ăn…; rồi đó là một Phan Thanh Giản tuyệt thực mà chết để giữ cái tiết của kẻ sĩ mất nước…

Phan Thanh Giản, một danh nhân đất Bến Tre.

Tác giả cũng đi vào tìm hiểu lĩnh vực văn chương của vùng đất này qua huyền thoại, tục ngữ, ca dao. Hoạt động văn chương, nhất là văn chương bình dân được thể hiện qua kho tàng tục ngữ, ca dao, câu đố được Nguyễn Duy Oanh sưu tầm và phân giai đoạn là một điểm khá thú vị trong chuyên khảo về Bến Tre, mà một trong những điểm nhấn thú vị là hình thức xuất Hán tự, một kiểu đố thơ lục bát phổ biến ở Nam Bộ góp phần cho thấy đời sống tinh thần phong phú của người Bến Tre. Ví như câu đố: “Cô là con gái còn non/Cớ sao lại có đứa con ngồi kề?” dùng để chỉ chữ hảo 好 với sự kết hợp chữ nữ (con gái) bên trái và chữ tử (con trai) bên phải; hoặc câu đố “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,/Nhớ rồi lại nhớ bấy nhiêu nhớ hoài” với đáp án là chữ đa 多 với nghĩa là nhiều…

Kho tàng huyền tích cũng rất phong phú với giai thoại “Cái hòm chôn xác không đầu” tôn vinh nhà ái quốc Phan Ngọc Tòng đánh giặc Pháp; tín ngưỡng thờ Cá Ông Nam Hải phổ biến ở cư dân miệt biển với ý nghĩa “Vua cá Ông sẽ sẵn lòng cứu vớt họ [người đi biển] khỏi tai nạn, trừ những kẻ độc ác vô thần”… được Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam trình bày trong phần “Văn chương bình dân”.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nghe-det-lua-o-ben-tre-dung-khung-det-tu-dong-jacquard-tu-nam-1929-post1040139.html