Nghề 'bán mặt ' cho rác

Bãi rác di dời đến đâu, họ theo đến đó. Trước ở Phường 9 (hiện là Bến xe Cà Mau - Kiên Giang), nay dời về Khóm 3, phường Tân Xuyên. Từ lớp người gắn bó gần như cả đời mình với rác nay đã trên 50 tuổi đến những chàng trai tuổi chớm 30, hay các em nhỏ đang ở tuổi đến trường.

Họ là nhóm người bám trụ với bãi rác đến nay còn không đến chục người. Ðối với những người bới rác cuối cùng ở đây thì khỏe là ra bãi rác, trời mát thì làm, tùy thích. Khi nhà máy xử lý rác thải hình thành, có thời điểm họ cũng “thay màu áo” để làm công nhân. Nhưng rồi chỉ được một thời gian, họ lại trở về với chốn cũ, nghề xưa.

Bãi rác lộ thiên ở TP Cà Mau đóng cửa đã lâu, những gì còn lại đang âm ỉ cháy nhiều ngày qua. Họ nhặt nhạnh vội vàng hơn trong đống tàn tro trước khi mùa mưa sắp đến.

Thanh niên có sức, ngày 2 buổi ra bãi rác được trên trăm ngàn đồng; phụ nữ làm nửa buổi vì còn phải về nhà, tại khu dân cư cách đó không xa, lo việc gia đình thì cũng được vài chục ngàn đồng.

Họ vui mừng khi tìm được chút gì đó, khi thì vỏ lon sữa cháy đen, lúc bắt được trang sức giá rẻ.

Không cha mẹ, nuôi bà ngoại đã già yếu, sáng ra bãi rác, chiều đi học, em Lê Ngọc Bích vẫn rất lạc quan, tìm niềm vui trong lao động.

Bán mặt cho… rác, bán lưng cho trời, anh Nguyễn Văn Tèo không nhớ tên trường con mình học vì chưa một lần đưa bé đến trường, mọi việc đều nhờ vào bà ngoại của bé.

Sau nhiều năm khu vực này đóng cửa vì đã có nhà máy xử lý rác thải, rác tự tiêu hủy dần và nay đang được đốt cháy. Quen với những gì vốn có ở bãi rác, nay thêm khói lửa cũng không ngăn được việc họ bới rác hàng ngày.

Sau vài giờ bới tìm những gì còn sót lại tại bãi rác đang cháy khô, ông Thạch Văn Út có được thành quả là chỉ vài kilogam sắt vụn, lon bia cháy xém.

Trần Nguyên thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nghe-ban-mat-cho-rac-a26407.html