Nghe bác sĩ trải lòng về những ngày trực Tết

Khi hương xuân ngập tràn khắp nơi nơi cũng là lúc mọi nhà sum vầy đón Giao thừa. Vậy nhưng, ở trong các bệnh viện của tỉnh, những 'thiên thần' áo trắng vẫn bận rộn bên người bệnh. Dù chấp nhận hy sinh nhưng họ không hề tiếc nuối bởi với các y, bác sĩ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chính là một sứ mệnh thiêng liêng và cao cả.

Hiện nay, Bệnh viện C Thái Nguyên đã trang bị được nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.

Hiện nay, Bệnh viện C Thái Nguyên đã trang bị được nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.

Sẻ chia về những năm tham gia trực Tết ở bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa cấp II Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện C cho hay: Tết là dịp nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi. Nhưng với ngành Y thì Tết lại là những ngày chúng tôi lao động vất vả hơn cả. Có những năm trực đêm Giao thừa, khoảnh khắc đầu tiên của năm mới lại chính là thời điểm bệnh nhân nhập viện nhiều nhất. Đó là một vài trường hợp quá chén trong bữa cơm tất niên nên khà khịa, đánh nhau dẫn đến thương tích nghiêm trọng; nhiều trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nên bị chấn thương sọ não, gẫy chân, tay; không ít người do ngộ độc rượu, thực phẩm… cũng phải nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, bác sĩ Quang đã có 21 năm gắn bó với bệnh viện này. Với anh, bệnh viện được coi như ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Vì lẽ đó, đêm 30, mồng 1 hay mồng 2 Tết, dù phải túc trực trong bệnh viện, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân anh vẫn cam lòng.

Cùng chung tình yêu nghề như vị lãnh đạo của mình, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Đại, cán bộ phòng quản lý chất lượng, Bệnh viện C, tuy mới có 10 năm tuổi nghề nhưng cũng đã có biết bao kỷ niệm về những lần trực Tết trong bệnh viện. Anh cho biết: Giao thừa của 5 năm trước, tôi đang công tác ở Khoa Cấp cứu. Thời điểm ấy, Khoa đã tiếp nhận 7 bệnh nhân bị chấn thương do pháo nổ, trong đó có một cháu bé bị dập nát bàn tay phải. Sau khi cấp cứu, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển cháu bé về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ngay trong đêm. Cả đêm đó, các y, bác sĩ của Khoa hầu như thức trắng nhưng sáng ra, ai cũng nở nụ cười tươi bởi mọi người đã cấp cứu thành công nhiều bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, không chỉ trải lòng về những lần xử trí các ca bệnh nguy hiểm lúc Giao thừa, nhiều bác sĩ còn kể về những phút giây được đón thời khắc của năm mới trong bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Nguyên, bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ: Chọn nghề này, người thầy thuốc phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong đó có niềm vui đón Giao thừa bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, trực Tết ở bệnh viện, chúng tôi vẫn tổ chức đón Giao thừa. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường của khoa cùng nâng một ly rượu vang, ăn miếng bánh và chúc nhau năm mới an lành.

Còn bác sĩ Hà Đức Trịnh, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói: Sau một đêm trực, chúng tôi đều mệt nhoài. Nhưng là ngày Tết nên vẫn phải thực hiện các nghi lễ thăm hỏi họ hàng như thông thường. Những người có vợ, chồng làm thầy thuốc cũng quen dần với việc chồng hay vợ đi trực vắng nhà trong ngày Tết. Nhưng những đứa trẻ là con y tá, bác sĩ thì sẽ luôn thiệt thòi bởi chẳng mấy khi được bố mẹ cho đi chơi Tết vì những ngày này, bố mẹ chúng còn đang bận bịu với sự nghiệp cứu người.

Các y, bác sĩ Bệnh viện C Thái Nguyên tiến hành gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Các y, bác sĩ Bệnh viện C Thái Nguyên tiến hành gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Nghe lời tâm sự của những “thiên thần” áo trắng, chúng tôi càng thông cảm hơn với những vất vả của họ.Và chúng tôi hiểu, những người thầy thuốc ấy đang tuân thủ theo đúng quy định của ngành Y tế Thái Nguyên. Theo đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y Tế Thái Nguyên: Chuẩn bị cho trực Tết, chúng tôi đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế phải trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị, tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết, đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.

Cùng với đó, ngành Y tế cũng đã quán triệt cán bộ y tế ở các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã; tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm lại điều trị cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo đối với các bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện trong dịp Tết… Thời khắc Giao thừa đang đến rất gần. Nhưng, những "chiến sĩ” mặc áo blouse vẫn âm thầm làm phần việc của mình, luôn hết lòng vì người bệnh. Tuy nhiên, để dịp Tết, ngày xuân vui trọn vẹn, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên quá chén rồi say xỉn, có thể dẫn đến gây gổ đánh nhau hoặc xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, mô tô; chú ý giữ gìn sức khỏe cho bản thân...

Tùng Bách

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nghe-bac-si-trai-long-ve-nhung-ngay-truc-tet-268742-85.html