Nghệ An nhân rộng mô hình tổ vay vốn gắn sinh hoạt cộng đồng

Tổ tiết kiệm và vay vốn gắn với sinh hoạt cộng đồng (Ngân hàng Chính sách xã hội) có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Mô hình này đang được triển khai rộng khắp, hiệu quả tại Nghệ An.

Cách làm thiết thực tại thôn, xóm

Sau khi tham dự buổi sinh hoạt Tổ vay vốn xóm Bố Ân, xã Hùng Tiến (Nam Đàn), chúng tôi tới thăm nhà, cũng là địa điểm vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh dùng làm địa chỉ kinh doanh dịch vụ ép dầu.

Giới thiệu về căn nhà cùng khoảnh vườn khá rộng, anh Vinh cho biết, sau gần chục năm sản xuất nông nghiệp, kết hợp dịch vụ kinh doanh ép dầu lạc, dầu vừng, vợ chồng anh mới sửa sang nhà cửa khang trang hơn. Nam Đàn là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời, gia đình anh Vinh cũng như các hộ dân ở xã Hùng Tiến cũng vậy, gắn bó sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Song để nuôi được 2 đứa con ăn học, nhất là cả hai đều học lên đại học thì còn nhờ vào kinh doanh dịch vụ ép dầu, bán lẻ và nhập dầu lạc, dầu vừng cho các quán, đại lý.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh ở xóm Bố Ân, xã Hùng Tiến (Nam Đàn) sơ chế nguyên liệu trước khi đưa vào máy ép dầu lạc. Ảnh: Hoài Thu

Anh Vinh bày tỏ, 9 năm trước, nhận thấy nguồn nông sản của địa phương, đặc biệt là lạc và vừng khá phong phú, kèm theo nhu cầu thị trường về sử dụng dầu ăn ép từ lạc và vừng khá cao, vợ chồng bàn bạc thử sức thêm lĩnh vực kinh doanh tận dụng nguồn nguyên liệu quý này. Anh đã mạnh dạn vay mượn bạn bè, và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 1 máy ép dầu lạc với giá hơn 100 triệu đồng.

Hàng ngày, vợ chồng anh Vinh thay phiên nhau thu mua lạc, vừng của người dân trong xã, huyện về tự tay rang, vận hành máy ép thu sản phẩm dầu lạc, dầu vừng nhập cho các quán hàng chủ yếu trong huyện và phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Mỗi năm trung bình cơ sở sản xuất của anh Vinh nhập khoảng 30 - 40 tấn nguyên liệu chủ yếu là lạc để chế biến dầu lạc.

Sau vài năm vừa kinh doanh, vừa trả nợ ngân hàng, năm 2021 vợ chồng anh tích cóp được vốn để đầu tư mua loại máy ép mới hơn 240 triệu đồng, cho tỷ lệ thu dầu cao hơn, bã lạc vừng được ép khô hơn. Đồng thời, anh mua thêm 1 máy sấy nông sản giúp giảm thiểu một giai đoạn ép hạt.

Nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh Vinh đầu tư nghề ép dầu lạc, kinh tế gia đình phát triển. Ảnh: Hoài Thu

“Dù lạc hay vừng, đậu thì đều phải rang chín rồi mới ép, giúp chất lượng dầu thơm ngon và bảo quản được lâu. Mấy năm lại nay nhờ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi thuộc Tổ vay vốn xóm Bố Ân được vay 120 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Vừa làm vừa góp trả nợ, sau hơn 1 năm tôi đã trả được 50 triệu đồng, nay còn nợ 70 triệu đồng, phấn đấu cuối năm sẽ trả hết” – anh Nguyễn Văn Vinh cho biết.

Chị Phan Thị Duyên - Tổ trưởng Tổ vay vốn xóm Bố Ân cho biết, anh Vinh là một trong những hộ gia đình phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Ngoài ra, có nhiều hộ khác nhờ nguồn vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng hoạt động có hiệu quả để đầu tư nuôi trâu, bò, nuôi cá, mua các loại máy móc như máy cày, ô tô tải để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ vận tải… Hiện nay, Tổ vay vốn xóm Bố Ân có 29 thành viên, dư nợ hiện có hơn 1,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn cho biết: Thực hiện chỉ đạo, chúng tôi đã phối hợp tốt với Hội nhận ủy thác cấp huyện, xã triển khai xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, đã xây dựng được 31 tổ đi vào hoạt động. Các tổ đã tổ chức sinh hoạt rất bài bản từ khâu lập kịch bản, nội dung sinh hoạt, sự tham gia của các thành phần dự họp, đặc biệt các tổ đều có sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ tín dụng huyện, Hội cấp huyện, lãnh đạo UBND xã, cấp ủy và trưởng các thôn trong xã, các tổ trưởng các thôn khác đến học tập. Sau khi xây dựng và đi vào hoạt động, các tổ duy trì sinh hoạt theo quý.

Tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Hùng Tiến (Nam Đàn) sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Thu Huyền

Còn tại huyện Diễn Châu, nhờ làm tốt công tác sinh hoạt tổ đều đặn theo đúng quy trình, đến ngày 29/02/2024 Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu đã xây dựng được 37 tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững hoạt động gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, đạt các tiêu chí do ngân hàng xây dựng, như có trên 50 thành viên, dư nợ của tổ đạt từ 2 tỷ đồng trở lên, tổ không có nợ quá hạn, 100% thành viên tổ chấp hành nộp lãi và tham gia tiết kiệm đầy đủ theo đúng quy ước hoạt động.

Tiếp tục nhân rộng

Mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Hiện trên địa bàn Con Cuông có nhiều tổ hoạt động đều đặn, gắn kết. Các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực hỗ trợ các hộ yếu thế hơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Bà Lữ Thị Khuyên – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Con Cuông cho hay, qua hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn gắn với hoạt động cộng đồng, các mô hình vay vốn phát triển kinh tế của hội viên hội phụ nữ đã phát huy hiệu quả, không có dư nợ xấu. Từ nguồn vốn vay, phụ nữ huyện Con Cuông đã có nhiều cơ hội tham gia phát triển kinh tế ở địa phương hơn, nhất là chăn nuôi trồng trọt và làm du lịch cộng đồng; nhiều chị em đã vươn lên khấm khá và viết đơn xin thoát nghèo. Nếu trong tổ có trường hợp nguy cơ không trả nợ lãi đúng hạn thì các tổ viên khác cùng góp lại giúp hội viên đó trả lãi đúng hạn, góp tiết kiệm đúng hạn.

Thành viên Tổ vay vốn bản Hua Nà, xã Lục Dạ (Con Cuông) biểu diễn văn nghệ tại buổi sinh hoạt tổ. Ảnh: Hoài Thu

Việc xây dựng tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng từng bước giải quyết những hạn chế của mạng lưới tổ hiện nay. Đó là sự thiếu gắn kết giữa các tổ viên, trách nhiệm của tổ viên với ban quản lý tổ và ngược lại chưa cao, việc bình xét đối tượng còn hạn chế nhất định, hiệu quả quản lý vốn chưa thực sự cao…

Việc sinh hoạt tổ thường xuyên đã giúp công tác quản lý nguồn vốn ngày một hiệu quả hơn, không xảy ra những rủi ro tín dụng. Thông qua các buổi sinh hoạt tổ, Ban quản lý tổ nắm bắt tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ để khi có nguồn vốn giao về thì tiến hành họp bình xét cho vay. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách, phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, biểu dương những hộ điển hình làm kinh tế giỏi. Ngoài ra, kết hợp các hoạt động cộng đồng như sinh hoạt giao lưu văn hóa thể thao, giúp cho đời sống văn hóa của người dân ngày càng nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Người dân nhiều địa phương vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, thực tế ở cơ sở vẫn còn những hạn chế, khó khăn khi triển khai mô hình này. Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn cho biết: Chúng tôi đã rà soát, phân tích nhằm đưa ra các phương án hỗ trợ để tổ đạt được 8/8 tiêu chí theo định hướng. Tuy nhiên, một số tổ đã hoàn thành 7/8 tiêu chí, còn tiêu chí về quy mô tín dụng khó đạt. Nguyên nhân do đối tượng cho vay trên địa bàn khối, xóm ngày càng thu hẹp, trong khi nhu cầu vay vốn đang còn lớn, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng thiếu kinh phí để duy trì thường xuyên với quy mô phù hợp.

Ngoài ra, ở một số địa phương, quy định văn bản chưa chặt chẽ, dẫn đến cách thức hoạt động, tổ chức của các tổ chưa bài bản, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả. Một số địa phương hoạt động cộng đồng chưa rõ nét, tương đối giống nhau, nhiều tổ chưa có nét đặc trưng nổi bật nên thành viên tham gia còn ít…

Thu Huyền - Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nghe-an-nhan-rong-mo-hinh-to-vay-von-gan-sinh-hoat-cong-dong-post287586.html