Nghệ An: Gỡ vướng dịch vụ hậu cần nghề cá

Dịch vụ hậu cần nghề cá là khâu quan trọng giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn nguyên liệu…Thế nhưng, ở một số địa phương tại tỉnh Nghệ An, dịch vụ này chưa thực sự phát huy hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu để ngư dân yên tâm bám biển.

"Điểm nghẽn" về hạ tầng dịch vụ

Nghệ An là tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 82km, với 3 cảng cá gồm: Cửa Hội (thị xã Cửa Lò), Lạch Vạn (Diễn Châu), Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) và 4 bến cá ở Nghi Tân, Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), Lạch Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lạch Thơi (Quỳnh Lưu). Đặc biệt, với đội hình hơn 4.000 tàu thuyền (trong đó có gần 1.400 tàu thuyền tham gia khai thác xa bờ công suất trên 90CV) các loại trực tiếp tham gia đánh bắt trên biển. Song điều bất cập được bà con ngư dân nói đến chính là công suất tàu cá ngày càng lớn, nhưng hạ tầng các cảng cá còn yếu kém, luồng lạch bị cạn thường xuyên bị bồi lắng, nên tàu ra-vào rất khó.

Các tàu hàng lớn vào Cảng Cửa Lò gặp rất nhiều khó khăn

Các tàu hàng lớn vào Cảng Cửa Lò gặp rất nhiều khó khăn

Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Quỳnh Lưu - cho biết: Sau khi chứng kiến không ít tàu cá của bà con ngư dân bị mắc cạn phải kéo hoặc vỡ dẫn tới chìm tàu, tỉnh và huyện luôn mong muốn bà ngư dân chuyển đổi, đóng tàu to, máy lớn để đánh bắt, nhưng hạ tầng quá bất cập.

Đặc biệt, tại Nghệ An cơ cấu đội tàu công suất nhỏ, dưới 12 m quá nhiều, chiếm 50% đội tàu và bà con lại hay đánh gần bờ, nên hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Ông Bùi Xuân Trúc - kiến nghị: Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi đội tàu xa bờ, phải nâng cao hiệu quả đánh bắt; từng bước tháo gỡ các vướng mắc hỗ trợ bà con chuyển đổi lưới bát quái sang lưới rê; xem xét, cân nhắc hỗ trợ các loại thiết bị, ngư cụ phù hợp giúp bà con ngư dân vươn khơi bám biển.

Cần giải pháp phù hợp với thực tiễn

Để nâng cao giá trị khai thác nguồn lợi hải sản thì hậu cần nghề cá đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên dịch vụ này hiện còn gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Một số dự án neo đậu tàu thuyền đang được xây dựng nhưng vẫn còn dở dang. Cụ thể, như nơi neo đậu tàu thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò thuộc dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ hữu sông Cấm và nơi neo đậu tàu thuyền phòng, tránh thiên tai phường Nghi Tân do UBND thị xã Cửa Lò làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 97 tỷ đồng, giai đoạn 2 là trên 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hạng mục cầu tàu với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng chưa có nguồn kinh phí để thực hiện nên dự án nói trên chưa thể đưa vào sử dụng.

Theo Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, hàng ngày có khoảng trên 30 tàu cá đánh bắt xa bờ cập cầu số 3 – Cảng Cửa Lò. Các tàu cá nói trên thường chạy trong thủy diện vùng nước trước cảng, chạy cắt mặt các tàu hàng đang hành hải rất nguy hiểm cho tàu biển, phương tiện thủy khác. Còn theo thống kê Sở NN&PTNT Nghệ An hiện địa phương có 4/6 cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền rất khó vào cập bến. Chưa kể, diện tích các cảng cá hiện nay còn rất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu để mở rộng, phát triển công tác dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong khi đó, số lượng tàu thuyền ngày một tăng, nhiều tàu công suất lớn đang được triển khai đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Việc đẩy mạnh hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, phát huy tốt công tác này chính là giúp ngư dân giảm thiểu tổn hao sau thu hoạch, nâng cao giá trị và chất lượng thủy sản. Để giải quyết các vướng mắc trong công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần phối hợp đồng bộ, sớm tìm ra giải pháp, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-go-vuong-dich-vu-hau-can-nghe-ca-140830.html