Ngày xuân nhớ về đoàn tuồng chợ Cạn

Đã từng có một đoàn tuồng Chợ Cạn, một loại hình diễn xướng dân gian nửa sân khấu tồn tại trên đất Quảng Trị trong một thời gian dài. Trong quá trình hình thành và phát triển, đoàn tuồng chợ Cạn đã biết dựa vào các yếu tố diễn xướng dân gian để mở rộng vùng ảnh hưởng.

 Minh họa: Thanh Song

Minh họa: Thanh Song

Trong Đề án có tên “Nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục nghệ thuật tuồng chợ Cạn” (bản vi tính, 1996) TS. Nguyễn Bình có nêu ra ba giả thiết: “Có ý kiến cho rằng tuồng chợ Cạn được hình thành dưới thời các Chúa Nguyễn. Quảng Trị là điểm dừng chân đầu tiên của Chúa Nguyễn, Thủ phủ Ái Tử (1558-1570) đến Thủ phủ Trà Bát (1570- 1600) và Dinh Cát (1600-1626). Trong 68 năm tồn tại trên đất Quảng Trị trước khi thiên di vào Phú Xuân, những lớp người đầu tiên đã mang nghệ thuật dân gian tuồng ở Bắc vào để tự diễn cho nhau xem, để làm khuây khỏa, vơi đi nỗi nhớ về cố hương, lối diễn sơ khai này có thể là Tuồng đồ (như là một thứ hát bộ, sau dần nâng lên Tuồng pho và Tuồng thầy). Cũng có người cho rằng Tuồng chợ Cạn được hình thành dưới triều Vua Tự Đức (1848-1883) một ông vua giỏi văn chương và mê các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là tuồng. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tuồng chợ Cạn Quảng Trị xuất hiện khá muộn vào những năm đầu thế kỉ XX mà cụ thể là dưới thời vua Khải Định (1916 -1925)”.

Theo lời kể của nghệ sĩ Xuân Lư và công chúng lớn tuổi trong vùng thì địa bàn hoạt động của tuồng chợ Cạn trước hết dựa vào lợi thế những phiên chợ Cạn mười ngày nhóm họp một lần. Khi có công chúng tập trung tấp nập đông đúc thì đoàn tổ chức biểu diễn. Về sau lưu diễn ở các đình chợ trong tỉnh như đình làng Câu Nhi (huyện Hải Lăng), Chợ Phiên (huyện Cam Lộ), Chợ đình Bích La (huyện Triệu Phong), Chợ đình Mai Xá (huyện Gio Linh)... Có khi đoàn tuồng chợ Cạn ra tới Quảng Bình, đặc biệt hơn là những chuyến được mời vào Huế diễn. Lúc cụ Thất Luận làm trưởng đoàn tuồng chợ Cạn thì số diễn viên và việc phân bổ các vai diễn như sau: Vai kép: Ông Thất Luận (tên thật là Trần Luận, ở làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn) vừa là trưởng đoàn kiêm đạo diễn, diễn viên; ông Kiểm Ứng (tức Trần Ứng, làng An Phó); ông Trần Hùng; ông Trần Công Đốc; ông Huỳnh Tỵ; ông Trần Lạng (tức Bát Lạng ); ông Lê Trong; ông Lê Thẻ (Cửu Thẻ ); ông Trần Dục (làng An Lưu, thủ vai hề )... Vai đào: Cô Trần Thị Huế (con ông Trần Công Đốc); cô Trần Thị Kiến; bà Đốc (vợ ông Trần Công Đốc); cô Lê Thị Huế; cô Trần Thị Liễu, bà Trần Thị Nậy... là những nữ nghệ sĩ, diễn viên chủ chốt của đoàn. Nhắc tuồng: Ông Diệu Sâm. Ngoài ra còn có thành phần chạy hiệu và đặc biệt là các nghệ sĩ, đào kép các nơi khác được đoàn mời về tham gia.

Trong những năm hoạt động sôi nổi, đoàn đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong quần chúng nhờ những vai diễn đặc sắc. Phần lớn các vỡ diễn này rút từ tích tuồng dân gian như “Thạch Sanh Lý Thông”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lâm Sanh Xuân Nương”… bên cạnh một số tích truyện phổ biến của Trung Quốc như “Mạnh Lệ Quân”, “Tam Hạ Nam Đường”, “Tam Quốc”, “Tây Du”… Một số vỡ bi hùng khác lấy đề tài từ trong những cuộc tranh chấp chính tà để giành ngôi báu rất thích hợp với khán giả đương thời như “Đào Phi Phụng”, “Tam Nữ Đồ Vương”... Đặc biệt vỡ tuồng “Sơn Hậu” là vỡ tuồng đặc sắc của đoàn tuồng chợ Cạn. Các nghệ nhân thủ vai chính trong vỡ này vẫn được quần chúng truyền tụng và nhắc đến với lòng ngưỡng vọng, đó là nghệ sĩ Thất Luận (vai Phân Định Công), nghệ sĩ Kiểm Ưng (vai Tạ Ôn Đình), nghệ sĩ Trần Dục (vai Khương Linh Tá); nghệ sĩ Trần Hùng (vai Đổng Kim Lân)...

Nhà hát tuồng chợ Cạn (còn gọi là ca trường) được xây dựng theo kiểu nhà hát dân gian truyền thống gần giống với trường hát Đồng Xuân Lâu ở Huế. Trang trí sân khấu được thể hiện đẹp đẽ công phu nhưng thường chỉ vẽ một cảnh, không thay đổi và không có các loại phông màn khác. Nhạc cụ đoàn tuồng chợ Cạn thường được sử dụng là hai trống chầu đặt hai đầu, trong những lần biểu diễn người cầm chầu là một khán giả thạo tuồng được đoàn mời, chủ yếu là đánh trống thưởng (thưởng có tiền thì giục một hồi, khen nghệ thuật diễn thì điểm một trống). Trống chầu được đặt trên chòi, ngoài ra nhạc cụ còn có thanh la, đàn bầu kèm sanh sứa (sứa làm bằng sừng trâu kêu rất trong tiếng). Về điệu thức, chủ yếu sử dụng các làn điệu như Nam, Khách, Tẩu mã. Nam có Nam thương, Nam bình, Nam ai... tùy theo tâm trạng mà dùng; Khách là làn điệu vương trượng, sang trọng thường dùng cho tướng lĩnh, vua chúa; Tẩu mã là làn điệu dùng khi ra trận, chinh chiến theo tiếng vó ngựa...

Đoàn tuồng chợ Cạn nổi tiếng nên nhiều lần được mời vào kinh đô biểu diễn. Nhiều nghệ sĩ là diễn viên đoàn tuồng chợ Cạn đã được triều đình Huế phong tặng phẩm hàm. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Văn Luận nhiều lần được mời vào kinh đô không phải làm mỗi việc biểu diễn mà còn dạy tuồng hay nghệ sĩ Trần Xuân Dục cũng được mời vào làm trưởng đoàn múa hát cung đình Huế là đoàn Ba Vũ. Trong một thời gian dài chịu sự chi phối và lực hút mạnh mẽ của kinh đô Huế song cái nôi của tuồng chợ Cạn vốn nổi tiếng không vì thế mà bị phân tán, hòa tan.

Từ khi chiến sự xảy ra ác liệt trên đất Quảng Trị vào thời chống Pháp, đoàn tuồng chợ Cạn không còn đất tồn tại và tan rã cho đến ngày nay… Mỗi độ xuân về, người già thường ngồi nhớ và tiếc nuối những ngày vàng son quá vãng. Đầu năm 2019, tỉnh Quảng Trị chính thức thành lập Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Trị (trên nền Đoàn Nghệ thuật tổng hợp). Mong sao đoàn sớm có kế hoạch phục hồi và nâng cao những tuyền thống tốt đẹp của đoàn tuồng chợ Cạn từng vang bóng một thời.

Y Thi

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=145640