'Ngày thầy trò': Những câu chuyện tử tế sưởi ấm ngày đông

Khi những “đốm lửa ấm” từ tấm lòng những người thầy, người cô được phát sóng trên “Ngày thầy trò”, người ta có quyền hy vọng nhiều hơn vào những điều tốt đẹp, những chuyện tử tế trong giáo dục, đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phóng sự “Lá thư gửi thầy” kể về câu chuyện giữa thầy Phạm Duy Linh (trường THCS Thủ Khoa Huân, Châu Đốc, An Giang) và cậu học trò tên Hậu, phạm tội giết người khi mới lớp 9, đang cải tạo ở trại giam.

Bữa cơm chỉ có cá khô của các thầy giáo vùng cao

Bình thường, người ta luôn nghĩ rằng, với một cậu học trò như vậy, thầy cô chắc cũng phải ngại ngần tiếp xúc, ấy vậy nhưng, thầy Linh thi thoảng lại là một trong những người thân yêu ít ỏi đến trại giam thăm Hậu. Đó là điều mà Hậu không thể nghĩ được, và cũng chính điều đó là niềm tin để Hậu cải tạo tốt hơn.

Thầy Hưng trò chuyện với vợ qua điện thoại gắn ở gốc cây để bắt sóng tốt hơn

Hậu sinh ra trong gia đình khó khăn, nhà chỉ có bà nội làm chỗ dựa, lớp 9, Hậu làm đơn xin bỏ học, thầy Linh cầm lá đơn đến tận nhà để năn nỉ Hậu đi học trở lại. Thế nhưng, cảnh sống khiến Hậu không muốn đi học và lêu lổng, đến một ngày nhận được tin nhắn báo cậu học trò của mình vướng vào vòng lao lý, thầy Linh đứng như trời trồng không thể nghĩ được điều đó. Nhưng, thầy vẫn ân cần, đi thăm nom và căn dặn học trò của mình những lời hay, lẽ phải, động viên gia đình của Hậu vững vàng.

Cô Phấn thường chụp hình các em học trò mỗi ngày

Hậu ăn năn trong những dòng thư gửi cho thầy, cho gia đình, cải tạo tốt, chính là bởi tấm lòng của những người như thầy Linh, hết lòng vì học trò dù học trò có sa ngã. Bản thân thầy Linh đang thực sự làm công việc “trồng người” đầy khắc nghiệt nhưng đem lại cho một người trẻ tuổi cả một tương lai còn đang tràn đầy hy vọng phía trước.

Xem “Ngày thầy trò”, với rất nhiều những câu chuyện như thế, khán giả cũng không khỏi cảm thấy “gai người” khi đến với lớp học của cô giáo Phấn ở khoa Nhi viện ung bướu TP Hồ Chí Minh, mà học trò đều là những đứa trẻ “trọc đầu”, nhìn vô cùng xót xa.

Những cuốn vở cô Phấn luôn giữ gìn

Mỗi ngày, cô Phấn đều tranh thủ chụp lại những hình ảnh khoảnh khắc của các em học trò, từ những niềm vui, nỗi buồn, với cô mỗi em là một số phận riêng, cuộc đời riêng, mà mỗi em đều là một nghị lực khiến chính cô phải khâm phục và muốn được dạy học các em nhiều hơn.

Không chỉ dạy văn hóa, cô Phấn còn dạy các em những môn năng khiếu, tiếng cười nói luôn xua đi những đau đớn, bệnh tật ở nơi này. Mỗi sáng đến Viện, cô Phấn lại đi một vòng quanh các giường bệnh, xem em nào khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, cô lại động viên các em đến lớp học, nhiều em thì chờ đợi cô Phấn để được vào lớp. Với các em, được học xua tan đi những nỗi đau phải chống chọi lại bệnh tật.

Cô Phấn cùng các học trò học năng khiếu

7 năm gắn bó với lớp học, cô Phấn đã giữ biết bao cuốn vở của các em, có những em một đời người không viết hết nổi một cuốn vở, điều đó khiến cô bị ám ảnh và muốn được làm nhiều hơn nữa cho các em.

Căn nhà nhỏ của cô giữ đầy những kỷ niệm, từ những cuốn vở, những món quà của các em, có em may mắn khỏi bệnh, có nhiều em không còn ở lại nhân gian, cô đều giữ gìn những kỷ vật liên quan đến các em bằng một tình yêu cao cả của người thầy. Cô miệt mài gieo con chữ, đem đến tình yêu đến với các em, cho các em những hy vọng vào tương lai bằng tình yêu cao đẹp của người thầy.

Một phóng sự cứ khiến người xem day dứt mãi về câu chuyện của thầy Hưng ở trên đỉnh Sài Khao, nhất là khi người vợ hờn dỗi qua điện thoại “anh cứ công tác đi, ở nhà có người chăm sóc rồi không phải lo nhé”. Câu chuyện nhiều hờn dỗi, nhiều tủi phận, nhiều những trách cứ của người vợ qua điện thoại với thầy Hưng làm người xem thật dễ rơi nước mắt.

Cứ miệt mài trên bản dạy chữ cho các em học trò, vợ và hai con nhỏ ở nhà, đau ốm, buồn vì không có người chồng, người cha bên cạnh, nhưng thầy vẫn miệt mài bám bản, hết lòng vì công việc của người thày giáo. Biết mấy người dám dũng cảm vượt lên những riêng tư để bền bỉ về nghề như các thầy?

Những tấm gương, những tình cảm cao đẹp của thầy cô dành cho học trò mình đã lay động trái tim người xem truyền hình. Và mỗi tấm gương ấy là một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm thế hệ mai sau

“Ngày thầy trò” - chương trình truyền hình “marathon” kéo dài suốt 16 giờ liên tiếp trong ngày 20/11 do MobiTV phối hợp cùng Đài tiếng nói Việt Nam, truyền hình VTC thực hiện. Mobifone là nhà tài trợ kim cương với công nghệ 4G hiện đại bậc nhất đảm bảo việc kết nối, tương tác với người xem truyền hình với chất lượng cao nhất.

Ông Nguyễn Trung Hùng, Phụ trách truyền thông dự án “Ngày thầy trò” từng chia sẻ trên báo chí về chương trình: “Thông qua chương trình này, chúng tôi muốn biểu dương những tấm gương sáng về giáo dục vẫn tỏa ngời trên mọi miền quốc, muốn khơi dây những cảm xúc trong sáng nhất trong trái tim của mỗi người về đạo học. Chúng tôi muốn nói đến những câu chuyện tử tế, lay động lòng người về tình thầy trò, góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn”.

Thúy Ngà

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ngay-thay-tro-nhung-cau-chuyen-tu-te-suoi-am-ngay-dong-342571.html