Ngày Tết và những phong tục đặc biệt của người An Nam gần một thế kỷ trước

Tập hợp 38 công trình nghiên cứu gồm các tiểu luận và tản văn của nhiều học giả người Pháp và Việt Nam, ấn phẩm 'Nước Nam một thuở' do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sưu tầm, bổ sung, dịch thuật, đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc.

Được phân chia theo nhiều cụm chủ đề khác nhau như Nghi lễ - phong tục tập quán, Các đặc điểm văn hóa, Các điểm đến thu hút và Những danh nhân văn hóa – lịch sử nổi bật, các bài viết trong tập sách này đã từng được đăng trên các ấn phẩm như Tạp chí Đông Dương, Tạp chí Viễn Á, Tuần san Đông Dương, Tập san Dân Việt Nam… xuất bản từ năm 1894-1948, nay được chuyển ngữ cùng hơn 60 bức ảnh phác họa lại giai đoạn đó.

Những phân tích sâu sắc về văn hóa truyền thống

Có thể thấy rằng trong khi các tác giả Việt cố gắng giải đáp những nét khác biệt về mặt văn hóa trong mối tương quan Pháp – Việt, thì với các bài viết của học giả ngoài nước, phần lớn là để phục vụ cho việc xây dựng, thiết lập chế độ thuộc địa. Chẳng hạn ở những chương đầu, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã rất nỗ lực giải thích vì sao ngày đầu năm mới của người An Nam lại không được tính theo lịch dương.

Theo ông, bên cạnh việc sử dụng lịch âm do ảnh hưởng từ Trung Hoa, thì ngày mồng một của năm dương lịch quá sát với ngày Đông chí nên các loài hoa như mận, đào, mơ, mẫu đơn, thủy tiên… vẫn chưa bung nở. Ngoài ra thời tiết trong ngày Tết âm cũng rất đặc biệt, khi nồm khiến hoa nở sớm và những cơn mưa phùn dễ níu người ta vào trò đánh bài ở các ngôi nhà, sau đó dùng thêm món lẩu trong một bữa tối nóng sốt. Một lý giải khác cũng được đưa ra là Tết Âm cũng trùng với thời gian người dân vùng cao bán hết vụ thu hoạch chiêm, nên sẽ phù hợp cho việc ăn chơi.

Hoa đào trên phố vào dịp Tết năm 1929. Ảnh: Bảo tàng Quai Branly

Từ đây có thể thấy rằng cây lúa đóng một vai trò vô cùng quan trọng, bởi một khi được mùa, nó sẽ nuôi sống tất cả mọi người. Cũng bắt nguồn từ quan niệm này mà tục thờ thần Đất hay lễ động thổ, Tết Cả ở Bắc Kỳ cũng được khảo sát. Theo tác giả Jean Przyluski – Cựu hội viên thông tấn của Viện Viễn Đông Bác cổ, thần Đất gắn liền với những thứ sống động nhất trong xã hội người Việt, do đó trong 7 ngày đầu tiên của năm mới, nhiều điều kiêng kỵ cũng được đặt ra, một trong số đó là việc đồng áng. Điều này xảy ra là bởi người Việt quan niệm ngày đầu năm vô cùng quan trọng, khi nó chấm dứt chuỗi dài liên tục của thời gian và khiến cuộc sống con người cũng như vạn vật trở nên nhịp nhàng.

Trong thời điểm chuyển giao, mọi vật bước vào thời kỳ chuyển hóa mới, thần Đất sẽ được thay thế giống như ông Táo lên tâu Ngọc Hoàng. Vì vậy khi năm mới qua, nó cũng đánh dấu sự trở lại của ngài như sự hồi sinh. Do đó nông dân trong làng chỉ được làm việc sau khi lễ động thổ đã được thực hiện bởi các trưởng làng hoặc chức sắc có vị thế cũng như tiếng nói, nếu không sẽ bị thần linh quở trách.

Hoa thủy tiên chưng trong ngày Tết. Ảnh: Bảo tàng Quai Branly

Thầy đồ bán câu đối Tết vào năm 1929. Ảnh: Bảo tàng Quai Branly

Ngoài chủ điểm này, các bài viết khác cũng “phổ cập” những thông tin lạ đến người nước ngoài, như câu đối là gì, vì sao chữ Phúc và chữ Thọ thường xuyên được cho bởi các ông đồ… Cuốn sách cũng đi xa hơn với việc đề cập đến thuật phong thủy và chiêm tinh học trong đời sống của người An Nam, đặc biệt là trong các ứng dụng quân sự.

Do đó không hề bất ngờ khi các điềm báo từ sấm, thời tiết, mây, gió, sương, cầu vồng, màu trời, động vật… từng được cho là có thể ảnh hưởng đến sự thắng bại của một trận pháp. Ngoài ra các phong tục như xem tuổi cô dâu - chú rể, các thói quen như chọi gà, chọi dế, nhai trầu, chơi diều… cũng được trình bày một cách chi tiết.

Những bài nghiên cứu về chuyện ăn uống trong các tầng lớp xã hội An Nam, các ghi chép về tiếng rao hàng rong cũng như tiếng nói và chữ viết An Nam cũng cho thấy những khác biệt về mặt quan điểm và sự chuyển biến theo thời gian của các yếu tố văn hóa này.

Bìa sách Nước Nam một thuở. Ảnh: Minh Anh

Mối quan tâm của người nước ngoài

Có thể thấy rằng các vấn đề có liên quan đến việc củng cố và duy trì chế độ thuộc địa gần như xuất hiện trong hầu hết các bài viết đương thời. Một trong số đó là mảng du lịch, khi các địa điểm như Tam Đảo, Sa Pa, Bạch Mã, Bà Nà, Ba Vì, Vũng Tàu, Đảo Phú Quốc, Đồ Sơn, Đảo Bạch Long Vĩ… đều được quan tâm khảo sát, từ đó đánh giá dựa trên địa hình, thời tiết, khí hậu… để tiến hành xây dựng điểm nghỉ dưỡng cho chính quyền thuộc địa. Qua các ghi chép này, độc giả hiện nay cũng sẽ có một cái nhìn thoáng qua về quy mô, quy hoạch của các địa điểm này từ trước thập niên 1950.

Bản đồ khu trung tâm Bà Nà vào năm 1921. Ảnh: Trích từ sách

Chẳng hạn Tam Đảo được chọn trở thành điểm nghỉ dưỡng mùa hè vì việc hít thở tương đối dễ dàng, giúp người bị hen và viêm phế quản cảm nhận được bộ máy hô hấp cải thiện đáng kể. Các chức năng của ruột theo đó cũng nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Ngoài ra quá trình trao đổi chất dinh dưỡng và việc tăng cân đều đặn nhanh chóng diễn ra.

Mặt khác khí hậu nơi đây đặc biệt phù hợp đối với những người mắc chứng rối loạn đường ruột. Những người dễ bị kích động cũng ngủ ngon và sâu hơn, trong khi những bệnh nhân bị đau nửa đầu, trí óc mệt mỏi do làm việc quá tải cũng đã bớt đau đầu rất nhiều khi nghỉ ngơi ở khu vực miền núi này.

Việc quy hoạch những địa điểm này cũng được cân nhắc một cách cẩn trọng. Ví dụ với Sa Pa, tác giả có bút danh P.E. đã viết rằng: “Bằng các thuật ngữ chuẩn xác, ý đồ của nhà đô thị học trở nên rõ ràng và sống động hơn. Trước mắt chúng ta, ẩn sau Sa Pa hiện tại là một Sa Pa trong tương lai. Đồ án quy hoạch tôn trọng tất cả những gì mà quá khứ và hiện tại để lại. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, đồ án sẽ khắc phục những sai lầm và chuẩn bị cho sự phát triển hài hòa của một đô thị lớn”.

Toàn cảnh Ba Vì chụp trên máy bay vào năm 1920. Ảnh: Trích từ sách

Bên cạnh đó, những công trình đặc biệt như Thành Nhà Hồ, Thành Hà Nội, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bảo tàng Khải Định… cũng được quan tâm, cho thấy những đánh giá riêng của người Pháp đối với những kiến trúc ấn tượng của người An Nam. Chẳng hạn tác giả Louis Bezacier đã gọi Thành Nhà Hồ là “một trong những kiệt tác đẹp nhất của ngành xây dựng An Nam. Nhất là các cửa thành với quy mô đồ sộ và hoàn toàn có thể so sánh với những cửa thành đẹp nhất của Trung Hoa - nguyên mẫu của chúng”.

Ngoài ra, ở phần cuối cùng, những danh nhân văn hóa – lịch sử như Tả quân Lê Văn Duyệt, danh tướng Võ Tánh - người trấn thủ thành Quy Nhơn, Quan đại thần Phan Thanh Giản, nhà yêu nước lỗi lạc Nguyễn Trường Tộ… cũng được nhắc đến. Tuy có khác biệt trong thời gian phụng vụ đất nước, nhưng có điểm chung là những vị này đều tôn trọng hòa bình, nghĩa khí, cũng như có những đóng góp quan trọng trong việc mở cửa và thúc đẩy quan hệ Việt – Pháp một cách cởi mở.

Bạch Dinh năm 1930 ở Vũng Tàu. Ảnh: Trích từ sách

Qua Nước Nam một thuở, góc nhìn sống động về đời sống và các dấu ấn văn hóa đậm nét của người An Nam gần một thế kỷ trước đã một lần nữa được tái hiện lại. Qua đó độc giả có thể hiểu hơn về những giá trị truyền thống mà giờ đi đã bị mai một hoặc là mất đi. Đây là tác phẩm có nhiều giá trị, không chỉ bởi việc sưu tập từ những tài liệu, hình ảnh tản mác, mà còn đậm nét giá trị truyền thống xưa cũ.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ngay-tet-va-nhung-phong-tuc-dac-biet-cua-nguoi-an-nam-gan-mot-the-ky-truoc-42649.html