Ngày quốc tế Hạnh phúc: Hạnh phúc của người dân đến từ đâu?

Mỗi người sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau về hạnh phúc. Tiêu chuẩn này dựa trên chính sự thoải mái, hài lòng của người đó với chính tiêu chí của họ.

Mỗi người sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau về hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Ai trong chúng ta cũng mong muốn hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc là gì, làm sao để có hạnh phúc thì không phải ai cũng biết và hiểu rõ. Một bác nông dân thu hái được một mớ quả to, ngon, sạch sẽ, tươi tắn trên cây cũng hạnh phúc không kém một đại gia mua được chiếc xe xịn vài tỷ.

Cảm giác hạnh phúc không phải ở giá trị vật chất thu được mà ở sự hài lòng khi nỗ lực cố gắng của mình đã đem lại kết quả. Tôi đã từng trải qua giây phút như vậy khi vừa dạy xong một tiết học thực sự hấp dẫn, khi hàng chục đôi mắt ngước nhìn đầy tiếc rẻ vì giờ phút học tập thú vị đã trôi qua. Khi đó, tôi bước đi mà lòng vui phơi phới, cảm giác có thể bay lên được với thành công của mình.

Thành công từ những việc nhỏ xíu cũng sẽ đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc ngọt ngào. Đó là khi một đầu bếp nghiệp dư nấu nướng thành công một món ăn khó. Một anh thợ sửa xong một chiếc máy hư hại nặng. Như vậy, muốn nếm trải hạnh phúc, ta cần vượt qua khó khăn trước đó.

Hạnh phúc là thứ cảm xúc bậc cao. Ở con người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống và không thể đo đạc được.

Hạnh phúc là vô hạn khi ta biết tìm kiếm và giữ lấy nó cho bản thân và lan tỏa cho mọi người. Như vậy, việc chúng ta đong đếm hạnh phúc chỉ mang tính chất tương đối chứ không thể chính xác.

Nếu mới có được sự thoải mái nào đó, con người sẽ cảm thấy vui tươi và hạnh phúc. Nhưng nếu sự thoải mái đó trở thành phổ biến và gần như chiếm đại đa số thời gian sống của họ, điều đó trở nên bình thường, đương nhiên và không có gì đáng nói. Thời gian bao cấp, chúng ta còn nghèo khó, đói ăn. Lúc đó, có một chiếc tivi màu là điều tuyệt vời. Tất cả đều cảm thấy vô cùng sung sướng và hài lòng vì chiếc ti vi màu đó. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, khi gia đình nào cũng có một chiếc tivi màu thì nó lại là câu chuyện đương nhiên và không có gì đáng nói.

Chính vì khái niệm tương đối mang tính phổ quát và rất ngắn hạn của hạnh phúc, nên hầu như mọi người đều cảm thấy hạnh phúc là vô cùng khó. Mỗi người sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau về hạnh phúc. Tiêu chuẩn này dựa trên chính sự thoải mái, hài lòng của người đó với chính tiêu chí của họ.

Tuy nhiên, để đạt được sự thoải mái trên đại đa số dân chúng, có lẽ một xã hội bình đẳng, công bằng là điều quan trọng nhất. Trong xã hội như vậy, mọi người trong cộng đồng đều có cơ hội bình đẳng để phát huy hết khả năng của chính mình, tham gia đóng góp và hưởng thụ các thành quả của xã hội bình đẳng. Để làm được điều này, nhất thiết xã hội đó phải có pháp luật nghiêm minh và sự tuân thủ cao các quy định của pháp luật. Trong phạm vi pháp luật cho phép, người dân tự do làm mọi điều mà họ mong muốn.

Với một cộng đồng mà bất kể ai cũng thượng tôn pháp luật, mọi người sẽ không bị làm phiền với các hành vi vô văn hóa hoặc gây nguy hiểm cho người khác. Mọi người sinh sống thoải mái và tự tin vì họ thấy bản thân được cộng đồng bảo vệ dựa trên các nguyên tắc rõ ràng.

Theo báo cáo đánh dấu tròn một thập kỷ Liên hợp quốc thực hiện sáng kiến thúc đẩy hạnh phúc quốc gia, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng từ 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023. Điều này hoàn toàn hợp lý khi rất nhiều các quy định của pháp luật đã được người dân tuân thủ nghiêm túc hơn so với thời gian trước.

Có thể minh chứng điều này một cách rõ ràng ở quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia lưu thông bằng xe máy hay quy định không sử dụng rượu bia khi lái xe. Một khi các quy định được tôn trọng và tuân thủ, tai nạn ít khi xảy ra khiến người dân tự tin hơn khi ra đường. Đó là chưa kể một loạt vụ án tham nhũng được xử lý hết sức nghiêm minh đã tạo thêm niềm tin và ấn tượng cho dân chúng.

Người dân nhận thức được rằng, pháp luật không chừa một ai dù người đó ở vị trí cao đến đâu hay nhiều tiền đến thế nào. Khi đó, họ có niềm tin vào thể chế chính trị của đất nước và tin rằng họ sẽ được pháp luật bảo vệ.

Do vậy, để chỉ số hạnh phúc tăng cao, điều chúng ta cần làm nhất là xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, các quyết sách nghiêm túc và có lợi cho sự phát triển chung của cộng đồng sẽ mang thêm sự hài lòng đến cho dân chúng. Hoặc những quyết sách khuyến khích sử dụng túi giấy thay cho túi nilon giúp bảo vệ môi trường sẽ khiến người dân có ý thức bảo vệ môi trường và tương lai sẽ được sống trong những không gian trong sạch.

Tuy nhiên, ngoài các quyết sách về đời sống và kinh tế, người dân cũng cần giải trí lành mạnh giúp họ xả căng thẳng sau những giờ phút lao động vất vả. Vì thế, cộng đồng quan tâm đến sự giải trí của người dân sẽ khiến chỉ số hạnh phúc tăng cao.

Tóm lại, để người dân cảm thấy hạnh phúc, những chính sách đúng đắn, sự thượng tôn pháp luật và cả các hình thức giải trí lành mạnh sẽ là phương án tối ưu.

ThS. Đào Thúy Nga

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-quoc-te-hanh-phuc-hanh-phuc-cua-nguoi-dan-den-tu-dau-264612.html