Ngày Pháp luật cần phải được thực hiện thực chất, thường xuyên, liên tục

Từ chỗ còn rất mới mẻ, chưa quen thì đến nay Ngày Pháp luật đã trở thành hoạt động thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương; dần tạo thói quen học tập pháp luật với người dân trên cả nước. Sau 3 năm triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được kết quả ra sao, thời gian tới cần tập trung những giải pháp gì để Ngày Pháp luật được tổ chức hiệu quả, thiết thực... Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ngày Pháp luật cần phải được thực hiện thực chất, thường xuyên, liên tục

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào sau 03 năm triển khai Ngày Pháp luật?

- Kể từ khi Ngày Pháp luật được công bố lần đầu tiên vào năm 2013 đến nay, có thể nhận thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tích cực đổi mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để việc triển khai trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội với nhiều mô hình mới đã ra đời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hưởng ứng Ngày Pháp luật như: Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo các Đoàn luật sư tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; toàn ngành Thuế thực hiện tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” hay một số mô hình “Tiết học pháp luật” tại Long An, “Quán cà phê pháp luật” tại Cần Thơ, “Ngày hội pháp luật” tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Ngày Pháp luật lồng ghép với việc tổ chức Ngày Đại đoàn kết tại khu dân cư (Phú Thọ)…

Nhìn lại 03 năm triển khai Ngày Pháp luật, có thể cho rằng Ngày Pháp luật từ chỗ còn mới mẻ, chưa quen đã dần thẩm thấu vào đời sống xã hội, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Quan trọng hơn, việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Có một thực tế là bên cạnh các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Ngày Pháp luật với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, vẫn còn nhiều nơi làm chiếu lệ, làm cho “có phong trào”. Vậy, theo Bộ trưởng làm thế nào để Ngày Pháp luật trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, thực sự thu hút cán bộ và nhân dân học tập, hưởng ứng, nâng cao ý thức chấp hành và thực thi pháp luật?

- Trước tiên cần khẳng định rằng việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật là một nhiệm vụ chính trị, pháp lý quan trọng hàng năm, cần phải được thực hiện thực chất, thường xuyên, liên tục, lâu dài để nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Do vậy, để Ngày Pháp luật được tổ chức hiệu quả, thiết thực, thực sự thu hút cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Một là, đổi mới và đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật, tránh phô trương, hình thức. Nội dung, hình thức tổ chức thực hiện phải phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; gắn việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Coi trọng tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng và phát huy các mô hình có hiệu quả trên thực tế; kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác phổ biến pháp luật, thi hành pháp luật nói chung, triển khai Ngày Pháp luật nói riêng.

Hai là, chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức, biện pháp phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin với các hình thức sáng tạo, phong phú trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ba là, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn để tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước; phát huy vai trò của các nhà trường, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật; các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp luật; các tổ chức hành nghề luật trong tham gia triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật; giám sát việc thực thi pháp luật.

Bốn là, tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm nắm vững pháp luật để hướng dẫn tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ.

Cuối cùng, kính mong các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật để Ngày Pháp luật thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

Một trong những điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm nay là Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III được tổ chức từ cơ sở. Xin Bộ trưởng cho biết vai trò, ý nghĩa và hiệu quả thực tiễn của Hội thi này trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật?

- Mặc dù, sáng hôm nay (05/11/2016), Vòng chung khảo Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III mới được khai mạc tại Thủ đô Hà Nội nhưng qua kết quả của vòng sơ khảo Hội thi ở ba miền Bắc, Trung, Nam có thể khẳng định Hội thi đã đem lại hiệu ứng, sức lan tỏa trong toàn xã hội; góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tất cả 63 địa phương trong cả nước đã hưởng ứng Hội thi với tinh thần trách nhiệm cao, hồ hởi, phấn khởi.

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III được tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Hội thi là cơ hội để đội ngũ hòa giải viên và khán giả được giao lưu, chia sẻ, học hỏi và nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác hòa giải cơ sở tại các địa bàn, đồng thời phát huy, biểu dương và tôn vinh những hòa giải viên điển hình xuất sắc. Đây còn là dịp để các hòa giải viên củng cố kiến thức, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ để tiếp tục đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, các phần thi dưới hình thức sân khấu hóa mà các đội đem tới Hội thi còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Kết quả từ Hội thi sẽ góp phần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.

Thông qua các tiểu phẩm, tình huống tại Hội thi, pháp luật đã được chuyển tải một cách sinh động, gần gũi, qua đó đưa thực tiễn pháp lý lên trên sân khấu. Hội thi vòng sơ khảo tại ba miền đã nhận được sự hưởng ứng, thu hút đông đảo người xem, không chỉ khán giả tham dự trực tiếp mà cả khán giả theo dõi các kênh truyền hình của địa phương đăng cai. Đây mới chính là hiệu quả thực tiễn lớn nhất mà Hội thi đem lại cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Tôi hy vọng rằng, Vòng chung khảo Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III sẽ thành công tốt đẹp, thực sự là sự kiện sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, là điểm nhấn, thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Hằng (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/ngay-phap-luat-can-phai-duoc-thuc-hien-thuc-chat-thuong-xuyen-lien-tuc-303551.html