Ngày này năm xưa 31/3: Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Ngày này năm xưa 31/3 là ngày Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 31/3.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 31/3/1975: Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp tại Hà Nội. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm. Tư tưởng chỉ đạo là: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.

Ngày 31/3/1968: Tổng thống Mỹ Giônxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cách chức tướng Oétmolen - Tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam (22/3), thừa nhận thất bại của chiến lược Chiến tranh cục bộ và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ ta tại Paris.

Ngày 31/3/1968: Sau hơn hai tháng tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, ở Huế, ta đã làm chủ thành phố 25 ngày, thành lập Chính quyền Cách mạng.

Ngày 31/3/1981, Bộ Tổng tham mưu đã ký Quyết định thành lập Nhà máy Z183, trên cơ sở phần còn lại của Nhà máy Z1 được thành lập từ năm 1957 tại xã Minh Quán huyện Trấn Yên (Yên Bái) với nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng kinh tế và một số mặt hàng quốc phòng phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Ngày 31/3/1998, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định 22/1998/QĐ-BCN về việc chuyển khách sạn Hoàng Long từ Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sang Công đoàn Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam quản lý.

Ngày 31/3/2004, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Lào. Căn cứ Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16/1/2004, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Lào.

Ngày này năm xưa 31/3, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Ngày 31/3/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Chỉ thị 09/2004/CT-BCN về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa IX) của Đảng và tổ chức triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Ngày 31/3/2004, Bộ Thương mại ra Thông báo 1537/TM-XNK về hạn ngạch hàng dệt may. Căn cứ Thông tư Liên tịch số 07/2003/TTLT/BTM/BCN ngày 8/10/ 2003 hướng dẫn việc giao và thực hiện hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2004; Liên Bộ Thương mại và Công nghiệp thông báo nguyên tắc giao hạn ngạch thưởng cho thương nhân xuất khẩu các chủng loại hàng dệt may không quản lý bằng hạn ngạch sang Hoa Kỳ.

Ngày 31/3/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/2004/CT-TTg về việc thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh thị trường nội địa. Trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ mục tiêu: Hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa, bao gồm: chợ, trung tâm thương mại (bán buôn, bán lẻ hàng hóa), siêu thị và mạng lưới các cửa hàng phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trên từng địa bàn.

Ngày 31/3/2006, Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 17/2006/QĐ-BTM về việc ủy quyền một số nhiệm vụ cho Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Kon Tum.

Ngày 31/3/2008, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2033/QĐ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương.

Ngày 31/3/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2768/QĐ-BCT về Kế hoạch truyền thông hỗ trợ hoạt động cải cách hành chính năm 2014 của Bộ Công Thương.

Ngày 31/3/2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2757/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phạm vi điều chỉnh, phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ phù hợp với phát triển kinh tế xã hội cả nước, kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, dựa trên lợi thế so sánh về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực có chất lượng cao, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển công nghiệp bền vững gắn với quốc phòng, an ninh trật tự xã hội và bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, không ảnh hưởng đến phát triển du lịch.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số ngành, lĩnh vực công nghệ cao; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiến; tập trung xây dựng hình thành vùng công nghiệp lỗi nhằm phát huy vai trò đầu tàu, tạo động lực thị trường cho các vùng khác cùng phát triển; phát triển công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ theo hướng từng bước giảm dần công nghiệp sơ chế thâm dụng lao động, tăng cường các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngày 31/3/2014, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 12/2014/TT-BCT quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân.

Thông tư này quy định phương pháp lập, trình tự xây dựng và thẩm định mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho Tổng công ty Điện lực. Thông tư này áp dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng công ty Điện lực; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Ngày 31/3/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1254/QĐ-BCT về việc ban hành Quy chế khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011 – 2015.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 31/3/1949, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ báo cáo và phân tích tình hình thế giới và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo về tình hình quân sự và Bộ trưởng Lê Văn Hiến báo cáo về hoạt động của Hội đồng Quốc phòng Tối cao.

Ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và kiểm tra cảng Hải quân Bãi Cháy và lên tàu T.554. Bác đi thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng trong vịnh Hạ Long. Nói chuyện với các chiến sỹ, Bác động viên phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống, sẵn sàng chiến đấu. Cũng trong chuyến đi này, Bác giao trách nhiệm cho lãnh đạo Tổng cục Hậu cần phải nghiên cứu, bảo đảm cung cấp sách báo và nước ngọt... Đây chính là địa bàn không lực Mỹ đã ném bom ngay trong ngày đầu tiên mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và cũng là nơi lập chiến công đầu bắn rơi và bắt sống phi công Mỹ (05-8-1964).

Cũng trong chuyến đi này, Hồ Chủ tịch đã đến thăm các đảo Cát Hải và Cát Bà, thăm hỏi cư dân trên đảo, thăm Trường huấn luyện Hải quân. Buổi tối, nói chuyện với cán bộ các ngành quân, dân, chính đảng TP. Hải Phòng. Người nhấn mạnh đến những bất cập của một thành phố cảng quan trọng nhất miền Bắc nhưng chưa phát triển đúng với yêu cầu mà mấu chốt là công tác quản lý . Do vậy, “Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống chủ quan tếu, đồng thời chống bi quan... Nội bộ Đảng phải đoàn kết nhất trí, đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ.... Kết quả công tác của địa phương là cái thước đo sự lãnh đạo của Đảng”.

Sự kiện thế giới:

Ngày 31/3/1991, Khi Liên Xô tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Tổ chức hiệp ước Vacsava chấm dứt hoạt động.

Ngày 31/3/1942: Trong chiến tranh thế giới thứ hai: Do một cuộc nổi loạn của binh sĩ Ấn Độ chống lại người Anh, Nhật Bản chiếm đóng đảo Giáng Sinh mà không gặp trở ngại.

Ngày 31/3/1889: Khánh thành tháp Eiffel tại Paris, tháp trở thành biểu tượng văn hóa của Pháp và là một trong những kiến trúc đặc sắc trên thế giới.

Ngày 31/3/1854: Phó đề đốc Matthew C. Perry của Hải quân Hoa Kỳ và mạc phủ Tokugawa ký kết Hiệp ước Kanagawa, buộc Nhật Bản phải mở cảng giao thương với Hoa Kỳ.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-313-phe-duyet-quy-hoach-phat-trien-cong-nghiep-vung-kinh-te-trong-diem-bac-bo-248438.html