Ngày này năm xưa 3/11: Thành lập Chính phủ Liên hiệp Quốc dân; Ban hành Nghị định về công nghiệp hỗ trợ

Ngày này năm xưa 3/11: Thành lập Chính phủ Liên hiệp Quốc dân; ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 3/11 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 3/11/1946: Bộ Kinh tế nằm trong Chính phủ mới (thay cho Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thành phần do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, thông qua ngày 3/11/1946 và được bổ sung cho đến năm 1955). Ông Ngô Tấn Nhơn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng. Ông Phan Anh đảm nhiệm chức vụ này kể từ tháng 3/1947.

Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra mắt quốc dân ngày 3/11/1946. Ảnh tư liệu

Sau khi thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội: “Theo ý Quốc hội, Chính phủ mới phải tỏ rõ coi tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái... Kết quả là, có những vị có tài năng nhận lời tham gia Chính phủ... Lại có nhiều vị đứng ngoài sẵn sàng ra sức giúp đỡ... Dẫu ở trong hay ở ngoài Chính phủ, ai nấy đều hứa sẽ cố gắng làm việc, một lòng vì nước, vì dân... Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới. Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Đặc biệt là đồng bào Nam Bộ không những ở tiền tuyến xung phong giữ gìn đất nước, mà lại còn hăng hái dự vào việc kiến thiết quốc gia. Trong công việc của Chính phủ sẽ còn nhiều bước khó khăn, nhưng nhờ sức ủng hộ của Quốc hội và toàn thể quốc dân, Chính phủ sẽ cương quyết đi đến mục đích”.

Ngày 3/11/1967: Chiến dịch Đăk Tô diễn ra trên địa bàn Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Đây được coi là một trong những trận chiến khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là trận chiến tiêu hao nhiều sinh lực địch nhất tính đến thời điểm đó.

Khoảng 4.500 lính Mỹ và Ngụy chết hoặc bị thương, hàng chục máy bay, xe tăng, pháo, súng cối của giặc bị phá hủy. Theo như tuyên bố của Mỹ, có khoảng hơn 1.000 chiến sĩ giải phóng thiệt mạng, tuy nhiên con số này được cho là phóng đại vì Mỹ chỉ thu về được 94 vũ khí cộng đồng và 275 vũ khí cá nhân.

Ngày 3/11/1970: Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố sẽ rút dần lính Mỹ khỏi Việt Nam. Sau đó, việc Mỹ rút quân khiến chính thể ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa trở thành “cái xác không hồn”, nhanh chóng sụp đổ vào năm 1975.

Ngày 3/11/2005: Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 279/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006-2010.

Xúc tiến thương mại giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là Chương trình xúc tiến thương mại được xây dựng theo định hướng về thị trường, ngành hàng xuất khẩu của Chiến lược xuất khẩu thời kỳ 2006 – 2010 và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Ngày 3/11/2015: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định này có đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã có những bước tiến nhất định

Theo quy định tại Nghị định, các tổ chức và cá nhân trên được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; được nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Sự kiện quốc tế

Ngày 3/11/1852: Là ngày sinh của Thiên Hoàng Minh Trị (Nhật Bản). Thiên Hoàng Minh Trị là vị Nhật hoàng thứ 122 và được người Nhật coi là đấng minh quân lỗi lạc. Công lớn nhất của ông là thực hiện chính sách canh tân đất nước, đưa Nhật Bản bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, thoát khỏi nguy cơ bị phương Tây xâm chiếm.

Ngày 3/11/1903: Với sự khuyến khích của Hoa Kỳ, Panama tách khỏi Colombia và tuyên bố độc lập.

Ngày 3/11/1906: Ký hiệu SOS được chính thức chọn làm tín hiệu báo sự cố. Ký hiệu SOS có nguồn gốc từ quy định về vô tuyến điện hàng hải của chính phủ Đức kể từ năm 1905. Vào ngày 3/11/1906, Công ước Máy đo vô tuyến điện quốc tế đã chính thức xác nhận tiêu chuẩn toàn cầu cho ký hiệu SOS.

Công nghệ liên lạc khẩn cấp SOS

SOS có thể được giải nghĩa theo nhiều cách như “hãy cứu tàu chúng tôi” (Save our Ship), “hãy cứu lấy những linh hồn của chúng tôi” (Save our Souls), “gửi cứu trợ” (Send out Succour), “tiếng gọi giải cứu” (Sound of Save)… tuy nhiên không có ý nghĩa nào được xác nhận. Ký hiệu S.O.S (SOS với dấu chấm ngăn cách các chữ cái) là tín hiệu sai.

Ngày 3/11/1918: Đế quốc Áo-Hung đầu hàng phe Đồng Minh trong Thế chiến thứ nhất.

Ngày 3/11/1957: Chú chó Laika trở thành sinh vật sống đầu tiên được bay vào quỹ đạo quanh Trái Đất, trên con tàu vũ trụ Spunik 2 của Liên Xô.

Ngày 3/11/1978: Quốc khánh nước Dominica.

Ngày 3/11/2020: Bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 46.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 3/11/1920: Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu người Việt Nam đã tham dự cuộc họp do Nhóm Ủy ban Quốc tế III, Quận 13, một tổ chức phái tả trong Đảng Xã hội Pháp đang tích cực vận động chuyển hóa theo Quốc tế Cộng sản.

Ngày 3/11/1946: Thành lập Chính phủ Liên hiệp Quốc dân thay thế cho Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra, theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không phân biệt Đảng phái. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhiệm cả vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh tư liệu

Ngày 3/11/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp lại người anh trai của mình là ông Nguyễn Sinh Khiêm, tên chữ là Nguyễn Tất Đạt từ Nghệ An ra Thủ đô. Trong câu chuyện hàn huyên giữa hai anh em ruột xa cách nhau hơn ba mươi năm, Bác có đọc câu thơ:

“Chốc đó mấy chục năm trời,

Còn non, còn nước, còn người hôm nay”.

Cụ Nguyễn Sinh Khiêm (phải) và anh Nguyễn Sinh Thọ

Ngày 3/11/1961: Trong chuyến sang Mátxcơva, tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, Bác Hồ đến thăm Trường Trung học số 415. Nói chuyện với học sinh nhà trường, Bác căn dặn: “Người cộng sản phải có đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức cộng sản chủ nghĩa đối với các cháu không giống như đối với người lớn... Đạo đức cộng sản chủ nghĩa đối với các cháu là chăm học, giúp người lớn, đoàn kết, có kỷ luật tốt...”.

Ngày 3/11/1968: Sau khi đế quốc Mỹ phải xuống thang, chấm dứt ném bom miền Bắc nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Người nói: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi… Tổ quốc đang kêu gọi chúng ta hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đăng Báo Nhân Dân, số 5317, ngày 3/11-1968. (Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2011, tập 15, tr. 511, 512, 513).

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lời kêu gọi thể hiện sâu sắc ý chí mạnh mẽ và quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, phản ánh niềm tin vững chắc vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam, dù phải chịu nhiều hy sinh gian khổ nhưng không thể lay chuyển ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Lời kêu gọi của Người tựa như lời “hịch” đanh thép thúc giục cả dân tộc đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.

Lời kêu gọi còn là một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, siết chặt đội ngũ để đi vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-311-thanh-lap-chinh-phu-lien-hiep-quoc-dan-ban-hanh-nghi-dinh-ve-cong-nghiep-ho-tro-282828.html