Ngày này năm xưa 28/12: Ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất

Ngày này năm xưa 28/12 là ngày Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất; ngày Quốc hội thông qua Luật Báo chí.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 28/12 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 28/12/1895, là ngày mất của Phan Đình Phùng. Ông sinh năm 1844, quê tỉnh Hà Tĩnh, ông đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới thời Vua Tự Đức. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, ông đã tập hợp nghĩa quân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, căn cứ ở vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo kéo dài gần 10 năm, tiêu biểu cho phong trào Văn Thân chống Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Ngày 28/12/1975, ngày mất của nhà bác học Lương Định Của. Ông sinh năm 1921, quê ở Sóc Trăng. Ông đỗ Tiến sĩ nông học ở Nhật Bản, năm 1954, ông cùng gia đình về miền Nam, rồi ra chiến khu và tập kết ra Bắc. Ông đã làm việc ở Viện Khảo cứu nông lâm, Trường Đại học Nông nghiệp, Viện Lương thực và cây thực phẩm. Là một nhà di truyền học, Lương Định Của đã lai tạo thành công nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, ngắn ngày, chịu ngập nước và những cây ăn quả. Bà con nông dân rất quý mến ông, lấy tên ông đặt cho các giống cây mới như: "Lúa ông Của", "Táo ông Của", "Cà chua ông Của". Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ngày 28/12/1989, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa 8 đã thông qua Luật Báo chí. Nội dung chủ yếu của Luật quy định: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí; tổ chức báo chí và nhà báo; quản lý Nhà nước về báo chí và xử lý các vi phạm.

Ngày 28/12/2006, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định 39/2006/QĐ-BTM về việc phê duyệt bổ sung Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2007.

Ngày 28/12/2009, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 39/2009/TT-BCT quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương ban hành Thông tư 39/2009/TT-BCT quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp

Cùng ngày 28/12/2009, Bộ Công Thương có Quyết định 6603/2009/QĐ-BCT về việc phê duyệt phòng thí nghiệm thực hiện việc giám định hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may.

Ngày 28/12/2010, Bộ Công Thương ra Thông tư 42/2010/TT-BCT gia hạn việc áp dụng Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép theo quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-BCT ngày 20/5/2010 và Thông tư số 31/2010/TT-BCT ngày 27/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 45/2012/TT-BCT quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Cùng ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương có Thông tư 46/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.

Ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương ra Thông tư 47/2012/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học (xăng E5, E10) tại cửa hàng xăng dầu.

Cũng trong ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương có Thông tư 48/2012/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ và phương tiện sử dụng trong pha chế, tồn trữ và vận chuyển Etanol, xăng sinh học (xăng E5, E10) tại cửa kho xăng dầu.

Ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương ra Thông tư 49/2012/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trạm cấp khí dầu mỏ hóa lỏng.

Cũng trong ngày 28/12/2012, Bộ Công Thương có Thông tư 50/2012/TT-BCT về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức rủi ro chấp nhận được trong đánh giá định lượng rủi ro cho các hoạt động dầu khí, xăng dầu, hóa chất và nhiệt điện.

Ngày 28/12/2015, Bộ Công Thương có Thông tư 50/2015/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại.

Ngày 28/12/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Cũng trong ngày 28/12/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 37/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2014/TT-BCT ngày 15/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương ra Thông tư 32/2017/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất

Ngày 28/12/2017, Bộ Công Thương ra Thông tư 32/2017/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Cùng ngày 28/12/2017, Bộ Công Thương có Thông tư 31/2017/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác quặng hầm lò

Sự kiện quốc tế

Ngày 28/12/1923, là ngày mất của kỹ sư Gustave Eiffel. Ông sinh năm 1832 ở Dijon (Pháp). Là kỹ sư cơ khí, Gustave Eiffel thực hiện gian hàng triển lãm máy móc trong cuộc đấu xảo thế giới năm 1867 về xây cất cầu cống. Năm 1886 ông đề nghị dựng một cái tháp bằng thép tại Pari. Khi hoàn thành, tháp cao nhất thế giới lúc đó - 300,65 mét đã mang tên ông: Tháp Eiffel. Tháp Eiffel bây giờ là biểu tượng của thủ đô Pari.

Ngày 28/12/1925, là ngày mất của Sergey Aleksandrovich Yesenin - nhà thơ lớn Nga, ông sinh ngày 3/10/1895. Từ năm 1924 là mốc đánh dấu cao trào sáng tác của ông. Nội dung thơ ca của Yesenin thấm nhuần tư tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Các tác phẩm lớn của ông gồm có: "Nước Nga Xô Viết", "Thơ tứ tuyệt", "Trường ca Anna Xênhêghina", "Bài ca về cuộc hành quân vĩ đại", "Giai điệu Ba Tư"... Ông được coi là nhà thơ trữ tình tinh tế và thực sự trở thành tài sản quý giá của nước Nga.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 28/12/1919, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên mua các tờ báo cánh tả như “L’ Humanité” (Nhân Đạo) và “Journal du Peuple” (Nhật báo Dân chúng) và luôn sử dụng tàu điện ngầm để thoát ra khỏi sự bám đuổi của mật thám.

Ngày 28/12/1922, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp Uylixơ Lơrisơ (Ulisse Leriche) là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp trong Ban Biên tập tờ “L’ Humanité” và là Trưởng ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng.

Ngày 28/12/1932, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ được đưa ra khỏi bệnh viện và được tự do theo sự phán xét của Tòa án, tuy nhiên thực dân Pháp vẫn bám sát theo dõi. Chỉ nhờ sự giúp đỡ tận tình của gia đình Luật sư Lôdơbi, nhà cách mạng Việt Nam mới thoát.

Ngày 28/12/1946, Bác viết “Thư gửi anh em Hoa kiều” nhằm bày tỏ sự thông cảm đối với tầng lớp xã hội này trong thời thuộc địa đồng thời biểu dương: “Trong cơn hoạn nạn, Hoa Việt, anh em cảm tình càng nồng, đoàn kết càng chặt”.

Ngày 28/12/1951, trong bài báo “Nhi đồng xã Hiệp Hòa” đăng trên Báo Cứu Quốc, Bác kết luận: “Nếu được cán bộ, thanh niên và phụ nữ khéo tổ chức và hướng dẫn phong trào Trần Quốc Toản chắc sẽ lan rộng và lên cao”.

Ngày 28/12/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với cán bộ các cơ quan trung ương đóng ở Hà Nội và cán bộ các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đến chào Người nhân dịp năm mới sắp đến. Người chúc cán bộ các cơ quan năm mới mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ và hăng hái lao động. Người nhờ anh chị em có mặt chuyển lời thăm hỏi và chúc Tết của Trung ương Đảng, Chính phủ và của Người đến gia đình và anh chị em cán bộ không có mặt trong buổi gặp gỡ.

Cùng ngày, Người dự cuộc họp lần thứ 17 của Ban sửa đổi Hiến pháp.

Ngày 28/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự phiên họp toàn thể của Quốc hội. Sau khi nghe đại diện Thư ký đoàn đọc lá thư của một công nhân Sài Gòn gửi Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Người nói: “có thể nói đồng bào miền Nam thông qua bản Hiến pháp mới của chúng ta”.

Phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình do Tiểu ban nghiên cứu trình bày, Người nói đại ý: Tôi tán thành nội dung bản Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Nó có tính chất xã hội chủ nghĩa rõ rệt.

Chiều ngày 28/12/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III). Người nêu tóm tắt lý do, nội dung và thời gian họp Hội nghị Trung ương lần thứ ba.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Hà Nội lần thứ IV, ngày 28/12/1963

Ngày 28/12/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Thủ đô lần thứ IV. Người chỉ rõ những nhiệm vụ trước mắt của thanh niên Hà Nội nói riêng và thanh niên cả nước nói chung. Nhân dịp đầu năm mới, Người gửi lời chúc mừng tới toàn thể thanh niên nam nữ đang tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa miền núi, xây dựng đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An và đang phục vụ trong các đơn vị bộ đội và công an nhân dân vũ trang.

Cùng ngày, Người gửi điện khen công nhân và cán bộ Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định đã hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1963 trước thời hạn. Người chúc anh chị em năm mới vui vẻ, mạnh khỏe và cố gắng thi đua để giành thắng lợi lớn hơn nữa, theo kịp anh chị em công nhân và cán bộ Nhà máy dệt Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên).

Ngày 28/12/1967, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Bác chỉ thị: “Kế hoạch phải thật tỉ mỉ. Hợp đồng phải thật khớp. Bí mật phải thật tuyệt đối. Hành động phải thật kiên quyết. Cán bộ phải thật gương mẫu”.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-2812-ban-hanh-thong-tu-huong-dan-thi-hanh-luat-hoa-chat-294473.html