Ngày này năm xưa 20/11: Ngày Nhà giáo Việt Nam; khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ

Ngày này năm xưa 20/11: Ngày Nhà giáo Việt Nam; khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ; Phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 20/11 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 20/11.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 20/11/1873: Quân Pháp do Gácniê chỉ huy đánh vào thành Hà Nội. Quân Pháp giành thắng lợi trước quân Nguyễn, Nguyễn Tri Phương trọng thương.

Ngày 20/11/1946: Quân pháp đánh chiếm Hải Phòng, gây ra cái chết của hơn 6.000 dân thường.

Ngày 20/11/1958: Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên ở miền Bắc nước ta.

20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam

Đến ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 167, lấy ngày 20/11 làm "Ngày nhà giáo Việt Nam". Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 20/11/1973: Công ty 72 - Binh đoàn 15 được thành lập.

Đây là thời kỳ các đơn vị quân đội xây dựng kinh tế trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Công ty 72 là một đơn vị kinh tế - quốc phòng đóng quân trên địa bàn chiến lược Gia Lai. Binh đoàn 15 nói chung và Công ty 72 nói riêng có chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên vành đai biên giới, chủ yếu là sản xuất nông - công nghiệp kết hợp với kinh doanh tổng hợp: xây dựng cơ bản, dịch vụ thương mại, mũi nhọn là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su, cà phê...

Ngày 20/11/1984: Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 153-HĐBT quy định các danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo Ưu tú để tặng những nhà giáo và những người quản lý giáo dục có cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.

Nhà máy Thủy điện Thác Mơ

Ngày 20/11/1991: Ngành điện lực nước ta đã khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ, nay thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Nhà máy Thủy điện Thác Mơ có 2 tổ máy với công suất 150 MW và sản lượng điện hàng nǎm là 610 triệu kWh.

Ngày 20/11/2012: Chính phủ đã ký Quyết định số 1881/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025. Chương trình được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 05 năm.

Chương trình phấn đấu xây dựng được 340 mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ. Ứng dụng được 1.600 máy móc thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đánh giá sản xuất sạch hơn cho 300 cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn cho 100 cơ sở công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Hỗ trợ 350 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 50 cụm công nghiệp. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 60 cụm công nghiệp. Hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 lao động theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với yêu cầu của thị trường.

Ngày 20/11/2020: Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3023/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ. Quyết định số 3023/QĐ-BCT ngày 20/11/2020 thay thế Quyết định số 2717/QĐ-BCT ngày 20/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ.

Ngày 20/11/2020: Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3204/QĐ-BCT về kết quả rà soát với mức thuế chống bán phá giá áp dụng từ 19,30% đến 29,17% tùy từng nhà sản xuất, xuất khẩu cụ thể.

Sự kiện quốc tế

Ngày 20/11/1789: New Jersey trở thành tiểu bang Hoa Kỳ đầu tiên thông qua bản Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ.

Ngày 20/11/1902: Nhà báo thể thao Géo Lefèvre đề xuất tổ chức một giải đua xe đạp mà sau này mang tên Tuor de France.

Ngày 20/11/1910: Ngày mất đại văn hào Nga Lev Tolstoy.

Đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910) - Ảnh: phatgiao.org.vn

Lev Tolstoy tên đầy đủ là Lev Nikolayevich Tolstoy. Ông sinh năm 1828 trong một gia đình đại quý tộc ở nước Nga. Niềm say mê văn học và âm nhạc được hun đúc từ thuở nhỏ khiến Lev Tolstoy nhanh chóng bước vào thế giới văn chương.

Ngày 20/11/1957: Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vácsava (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20-11 hàng nǎm là "Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo".

Ngày 20/11/1974: Chuyến bay Lufthansa 540 rơi và bốc cháy ngay sau khi rời đường băng cất cánh tại Nairobi, Kenya.

Ngày 20/11/1985: Microsoft phát hành Windows 1.0

Ngày 20/11/1989: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em.

Ảnh minh họa

Công ước có 54 điều khoản bao gồm tất cả các khía cạnh cuộc sống của trẻ và đặt ra các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mà tất cả trẻ em ở khắp mọi nơi đều được hưởng.

Ngày 20/11/1998: Nga phóng mô đun Zarya từ Sân bay vũ trụ Quốc tế được phóng.

Ngày 20/11/2000: Quốc hội Philippines mở phiên tòa luận tội đầu tiên ở châu Á, yêu cầu Tổng thống Joseph Estrada phải đối chất trước tòa vì những lời buộc tội tham nhũng.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 20/11/1921: Báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ quận 17 Đảng Cộng sản Pháp, tại cuộc họp này, Nguyễn Ái Quốc được chuyển từ Chi bộ quận 13 sang quận 17, Paris.

Ngày 20/11/1921: Nguyễn Ái Quốc tham gia dự thảo báo cáo của Tiểu ban Đông Dương thuộc Pháp trong Ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp và đưa ra đề nghị: “Công tác tuyên truyền này thực hiện: a) bằng các báo chí xuất bản ở Pháp. b) bằng diễn đàn của các Đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của nghị viện. c) bằng các hội nghị. d) bằng mọi phương thức thích hợp với đối tượng, với trình độ giáo dục và văn minh của quần chúng bản xứ ở các thuộc địa”. Văn bản cũng đòi hỏi công tác tuyên truyền cần được Đảng trực tiếp chỉ đạo.

Bác Hồ thăm công trường hàn khẩu đê vỡ Mai Lâm, Đông Anh (ngày 5-9-1957) - Ảnh tư liệu

Ngày 20/11/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ hy sinh tại Cái Răng, lập Ủy ban canh nông tại phủ, huyện, châu, xã; tuyên truyền thể lệ và quyền ứng cử, bầu cử; việc cung cấp gạo cho quân đội Trung Hoa và vấn đề Tổng hội viên chức đề nghị vay 500.000 đồng để mua gạo tiếp tế cho công chức. Người đề nghị ra một Sắc lệnh truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ nói trên.

Ngày 20/11/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bổ nhiệm nhiều cán bộ quân sự vào các cương vị quan trọng mà sau này họ đều trở thành những tướng lĩnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam như: Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Phan Phác.

Ngày 20/11/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu đồng bào tỉnh Sơn La. Người hỏi thăm các đại biểu về đời sống, văn hóa của đồng bào Sơn La và khuyên họ cố gắng học hành cho trí óc mở mang, nâng cao đời sống.

Ngày 20/11/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Ninh Bình, khen ngợi về thành tích hộ đê. Người mong đồng bào “tiếp tục và phát triển chí khí xung phong ấy trong phong trào Thi đua ái quốc để diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: QĐND

Ngày 20/11/1953: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân Nhật chống Mỹ” ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu quốc, số 2472, cho biết: Mỹ tuy đã ký hòa ước với Nhật, nhưng trên thực tế Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Nhật trên tất cả các mặt: quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... làm cho dân Nhật căm ghét Mỹ và hăng hái chống Mỹ.

Ngày 20/11/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức chính trị ở Mỹ” ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 268. Bài báo kể về hành động lừa bịp của một đại biểu Quốc hội Mỹ mà nhờ nó vị đại biểu ấy đã trở thành một trong những người lãnh đạo Đảng Dân chủ Mỹ vào năm 1953.

Ngày 20/11/1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Cán bộ Công đoàn và căn dặn: “Muốn phát động quần chúng cho tốt thì trước hết cán bộ công đoàn phải gương mẫu, phải được phát động trước thì công nhân mới động... Phải tin vào sáng kiến và lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, nếu không thì phát mấy cũng không động”.

Ngày 20/11/1961: Bài “Các nước xã hội chủ nghĩa châu Á và các vấn đề của châu Á” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Báo Thời Mới (Liên Xô) đăng Báo Nhân Dân, số 2799. Sau khi nêu rõ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đối với những biến đổi sâu sắc của châu Á, tố cáo âm mưu của các nước đế quốc, đặc biệt là đế quốc Mỹ đối với khu vực này, tác giả đề cập đến những vấn đề cơ bản cấp thiết của châu Á là tiếp tục kiên quyết chống đế quốc thực dân để giải phóng dân tộc, xây dựng nền kinh tế dân tộc, bảo vệ và hoàn thành độc lập, thủ tiêu các tàn tích phong kiến và giải quyết các vấn đề xã hội khác để đưa xã hội tiến lên.

Ngày 20/11/1963: Bài viết “Chi bộ tốt” của Người, ký bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân số 3523, nêu gương Chi bộ Ngân Hà (Nam Định) đã lãnh đạo tốt hợp tác xã, chấp hành tốt chính sách lương thực, và làm tốt các công tác khác như thủy lợi, văn hóa, củng cố và phát triển đảng. Có kết quả đó, như bài báo đã phân tích, là do nội bộ đoàn kết chặt chẽ, nắm vững và luôn luôn cố gắng thực hiện những nghị quyết của Trung ương và địa phương, đảng viên đều gương mẫu xung phong trong mọi việc, thực hiện khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”.

Ngày 20/11/1967: Bác gửi thư khen và tặng huy hiệu cho đơn vị nữ dân quân xã Hoằng Hải, Hoằng Trường, Thanh Hóa đã tham gia bắn rơi hai máy bay phản lực Mỹ.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-2011-ngay-nha-giao-viet-nam-khoi-cong-xay-dung-nha-may-thuy-dien-thac-mo-286667.html