Ngày này năm xưa 19/1: Phê duyệt chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam

Ngày này năm xưa 19/1, Bộ Chính trị phê duyệt chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; Bộ Tài Chính ban hành Thông tư áp dụng thuế suất xuất khẩu.

Sự kiện trong nước

Ngày 19/1/1955, ngày sinh Đỗ Trung Quân - ông là nhà thơ nổi tiếng, có nhiều bài được phổ nhạc như Quê hương; Phượng hồng… Ông còn được biết đến với nhiều nghề “tay trái” khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình.

Đêm 19, rạng sáng ngày 20/1/1758 diễn ra trận Rạch Gầm – Xoài Mút - là một trận chiến lớn tại khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút giữa liên quân Xiêm - Nguyễn và quân Tây Sơn.

Ngày 19/1/1974: Ngày thành lập Trường Quân sự Quân đoàn 1. Trường có chức năng là trung tâm giáo dục đào tạo của Binh đoàn Quyết Thắng. Nhà trường luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.

Ngày 19/1/1992, ngày mất Nguyễn Văn Tỵ tại Hà Nội. Ông là họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, từng đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông cũng là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nguyễn Văn Tỵ bắt đầu sáng tác từ sớm. Khi còn học dự bị tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, ông đã có những sáng tác được bày ở các cửa hàng tranh. Các tác phẩm của ông thể hiện bút pháp khỏe khoắn, hình họa chuẩn xác, bố cục khái quát, phóng khoáng với những tìm tòi thể nghiệm tạo nên bản sắc riêng. Ông đã giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Ngày 19/1/1993, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 06-TC/TCT quy định và hướng dẫn việc áp dụng thuế suất xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ.

Ngày 19/1/1999, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 03/1999/QĐ-BCN Về việc chuyển Trung tâm Tư vấn, thiết kế và xây dựng thuộc Công ty Xây lắp hóa chất về trực thuộc Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam.

Ngày 19/1/1999, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 4/1999/QĐ-BCN về việc tiếp nhận và chuyển giao Xí nghiệp thuộc da Nghệ An về Tổng công ty Da - Giày Việt Nam.

Ngày này năm xưa 19/1, Bộ Chính trị phê duyệt chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025

Ngày 19/1/2006, Bộ Chính trị có Kết luận số 41-KL/TW và ngày 9/3/2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QÐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025, với mục tiêu: “Phát triển ngành Dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế”.

Ngày 19/1/2011: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân ủy Trung ương.

Từ ngày 19-23/1/2015, diễn ra phiên đàm phán thứ 11 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tại Brussel, Bỉ. Tại phiên này, đàm phán trong tất cả các lĩnh vực còn tồn tại đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là những nội dung Việt Nam và EU có nhiều lợi ích.

Ngày 19/1/2016, Cơ quan điều tra đã tổ chức Phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngày 19/1/2021, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg.

Sự kiện thế giới

Ngày 19/1/1736, ngày sinh James Watt (Giêm Oát) - nhà kỹ thuật và sáng chế thiên tài Anh. Nǎm 1765 ông phát minh cải tiến máy hơi nước hoàn chỉnh. Phát minh này góp phần cải tiến đầu máy xe lửa hoàn thiện hơn. Ông là hội viên Hội Hoàng gia London, là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Paris, Pháp. Ông qua đời ngày 19/8/1819. Tên ông được dùng để đặt cho đơn vị công suất, đó là đơn vị Watt. Nǎm 1932, Viện Hàn lâm khoa học Anh đã đặt ra "Huy chương vàng James Watt" để làm giải thưởng cho các nhà khoa học có công lớn trong ngành chế tạo máy.

Ngày 19/1/1839, ngày sinh Paul Cezanne - họa sĩ thiên tài Pháp. Ông có nhiều thành công rực rỡ trong việc vẽ tĩnh vật, cụ thể bức "Đĩa hoa quả" và "Chiếc đồng hồ bằng cẩm thạch đen" là những tác phẩm danh tiếng nhất. Những kiệt tác cuối đời là "Người chơi bài" và "Tắm". Tranh của Paul Cezanne kết hợp giữa chủ nghĩa ấn tượng với nghệ thuật cổ điển. Ông có ảnh hưởng sâu sắc đến nền nghệ thuật châu Âu thế kỷ XX và được coi là cha đẻ khơi nguồn cho hội họa hiện đại. Ông mất ngày 23/10/1906.

Ngày 19/1/1990, ngày mất Osho- nhà huyền học người Ấn Độ. Trong những năm 1960, ông đã đi khắp Ấn Độ như một diễn giả công cộng và là nhà phê bình thẳng thắn đối với chủ nghĩa xã hội, Mahatma Gandhi và đạo Hindu chính thống. Osho nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thiền, việc tự nhận biết, tình yêu, sự sáng tạo và hài hước. Ông cũng có quan điểm cởi mở hóa tình dục, do đó còn được gọi là “đạo sư tình dục” Ấn Độ.

Ngày 19/1/1993: Cộng hòa Séc và Slovakia gia nhập Liên hiệp quốc.

Ngày 19/1/2006: Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiến hành phóng tàu vũ trụ New Horizons từ Trung tâm vũ trụ Kennedy nhằm nghiên cứu sao Diêm Vương và vành đai Kuiper.

Sự kiện về Bác Hồ

20 giờ, ngày 19/1/1920 Nguyễn Ái Quốc đi xem hát ở rạp Nouveau Lyrique. Trong khi trò chuyện với một người Việt Nam quen biết cùng đi, Nguyễn Ái Quốc cho biết đang chuẩn bị tài liệu để viết một quyển sách về tình hình Đông Dương, dự định đặt tên là Những người bị áp bức (Les opprimés).

8 năm sau đó, ngày 19/1/1933 từ con tàu “Ho Sang” mới cập bến, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa lại bị cảnh sát Hồng Kông bắt lại. Thêm một lần nữa, Bác lại thoát hiểm sau khi viết một bức thư gửi luật sư Francis Henry Loseby và nhờ sự can thiệp của vị luật sư này, Nguyễn Ái Quốc lập tức được thả ngay trong ngày bị bắt.

Ngày 19/1/1946, tại Bắc bộ phủ, Bác tiếp các phóng viên khẳng định rằng quyết tâm bảo vệ nền độc lập là một quyền chính đáng “cũng như dân Pháp mong muốn độc lập khi bị Đức chiếm đóng” và tỏ rõ quan điểm “nước Pháp không thể nào trở lại thống trị nước Việt Nam một lần nữa, vì nước Pháp ngày nay không như xưa, cũng như nước Việt Nam bây giờ không phải là nước Việt Nam ngày trước”.

Thanh niên miền Bắc với phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, sản xuất giỏi, chiến đấu cừ vì độc lập tự do của Tổ quốc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Từ ngày 17 - 19/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn một số vấn đề về nhân sự, việc phong quân hàm cho một số tướng lĩnh, việc khen thưởng, vấn đề tài chính, ngân sách năm 1948, vấn đề nông nghiệp và các vấn đề về giao thông, giáo dục, tư pháp, y tế.

Ngày 19/1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Trong bài nói tại hội nghị, Người căn dặn: “Trong mọi việc, thanh niên phải làm đầu tàu, xung phong gương mẫu.Thanh niên hăng hái là tốt nhưng chớ xa rời quần chúng, xa rời thì không làm được đầu tàu - đầu tàu rời toa là vô dụng. Xung phong gương mẫu là mình làm tốt và giúp đỡ cho người khác cũng làm tốt. Phải cố gắng làm gương mẫu, làm đầu tàu, không tách rời quần chúng”. Bác mong tất cả thanh niên thực hiện tốt khẩu hiệu: “Việc gì khó có thanh niên/ Ở đâu khó có thanh niên”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, trang 18).

Ngày 19/1/1955, Bác Hồ đến dự lễ khai giảng khóa I của Trường Đại học Nhân dân. Tại buổi lễ, Bác nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đó cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn?”.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-191-phe-duyet-chien-luoc-phat-trien-nganh-dau-khi-viet-nam-298823.html