Ngày này năm xưa 12/4: Khánh thành Nhà máy máy Cơ khí Hà Nội, thiết lập ngoại giao với Cộng hòa Pháp

Ngày này năm xưa 12/4: Khánh thành Nhà máy máy Cơ khí Hà Nội (nay là Công ty CP Cơ khí Hà Nội), Việt Nam và Cộng hòa Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 12/4.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 12/4/1958, Nhà máy Cơ khí Hà Nội (nay là Công ty CP Cơ khí Hà Nội) khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà máy hiện đại đầu tiên của nền công nghiệp Việt Nam được Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ ta xây dựng.

Nhà máy được xây dựng trong gần 3 năm (từ 15/12/1955 đến 12/4/1958) và cùng với ngành công nghiệp cả nước bước vào thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế 1958-1960.

Nhà máy được trang bị 203 máy hiện đại sản xuất công cụ với độ chính xác cấp 2 (1/1000mm). Trải qua quá trình phát triển, Nhà máy cơ khí Hà Nội đã 9 lần được đón Bác Hồ về thăm và làm việc.

Nhà máy cơ khí Hà Nội đã 9 lần được đón Bác Hồ về thăm và làm việc

Ngày 12/4/1960, Quân giải phóng miền Nam khu Sài Gòn - Gia Định đã tiến công dữ dội sân bay Tân Sơn Nhất ở sát phía Bắc Sài Gòn. Phá hủy và phá hỏng 67 máy bay, tiêu diệt 300 tên, đốt cháy một kho xǎng lớn. Đây là một trong những trận đánh lớn ở khu vực Sài Gòn - Gia Định và chứng tỏ rằng Quân giải phóng Miền Nam có đủ khả nǎng đánh vào các vị trí then chốt và sào huyệt của Mỹ và tay sai.

Ngày 12/4/1961, Báo cáo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa II, nhận định: Công tác thương nghiệp được mở rộng và tăng cường, trong 3 năm, mức bán ra của mậu dịch quốc doanh tăng 142%. Khối lượng thu mua năm 1960 đã tăng 170% so với năm 1957.

Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên đế quốc Mỹ dùng chiến lược B52 ném bom miền Bắc nước ta. Máy bay B52 xuất phát từ đảo Guyam đến ném bom một địa điểm ở phía tây Quảng Bình.

Ngày 12/4/1973: Việt Nam và Cộng hòa Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó có Pháp. Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp có tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011 - 2019. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU, chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Lễ ký một số văn bản hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Pháp, tại Paris (Pháp)

Ngày 12/4/2013, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2332/QĐ-BCT về phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá trên phạm vi toàn quốc giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025”.

Ngày 12/4/2017, Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Ngày 12/4/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1265/QĐ-BCT về việc điều chỉnh, bổ sung địa điểm cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Ninh Thuận thuộc “Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến Quốc lộ 1 đến năm 2020, có xét đến năm 2025”.

Ngày 12/4/2021, Bộ Công Thương ban hành Công văn số 2055/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu.

Sự kiện quốc tế.

Ngày 12/4/1961, Loài người được chứng kiến một sự kiện vĩ đại. Gagarin, công dân Liên Xô đã hoàn thành chuyến bay vũ trụ vòng quanh trái đất trên tàu Phương Đông 1, chuyến bay vũ trụ đầu tiên có người trong lịch sử loài người. Sau khi bay một vòng quanh trái đất trong khoảng thời gian 108 phút, tàu vũ trụ đã hạ cánh an toàn trên một cánh đồng trên bờ sông Vonga. Thành công của chuyến bay vũ trụ đầu tiên đó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học thế giới. Kỷ nguyên con người làm nghiên cứu khoa học ngay trong vũ trụ.

Phi hành gia Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ

Chuyến bay của Gagarin là một chuyến bay có ý nghĩa lịch sử to lớn. Chính vì vậy, Liên đoàn Hàng không quốc tế đã quyết định lấy ngày 12-4 hàng nǎm làm ngày hàng không và du hành vũ trụ quốc tế. Đó là sự đánh giá đúng đắn công lao của Gagarin và những thành tựu của khoa học vũ trụ Liên Xô, đất nước đã mở ra kỷ nguyên mới cho loài người: Kỷ nguyên chinh phục vũ trụ.

Ngày 12/4/1996, Khánh thành tháp Petronas - được xem là tòa nhà cao nhất thế giới ở Kuala Lumpur.

Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 12/4/1908, phong trào chống sưu cao thuế nặng của nông dân miền Trung lan đến Huế. Nguyễn Tất Thành (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời thanh niên) khi đó đang theo học tại Trường Quốc học đã tham gia vào phong trào học sinh ủng hộ những người nông dân nghèo ở Kinh đô chống thuế. Vì việc này mà học sinh Nguyễn Tất Thành bị đuổi học và bị mật thám theo dõi. Thân sinh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng bị khiển trách vì để con dính líu đến quốc sự.

Ngày 12/4/1928, từ Béclin, Thủ đô nước Đức, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản trình bày về hoàn cảnh và đề đạt nguyện vọng: “Vì không thể công tác ở Pháp, ở Đức thì vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này...”.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện hoạt động nhưng nhà cách mạng Việt Nam quả quyết: “Dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đó một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương... Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường”.

Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V tháng 7/1924

Ngày 12/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và phát biểu nhấn mạnh đến vai trò con người là quyết định. Bác cho rằng, mục đích của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống của nhân dân, muốn vậy, phải “có kế hoạch giáo dục, củng cố chi bộ, công đoàn, thanh niên. Ba lực lượng ấy mạnh thì mới lớn được. Có người nói máy kéo là gốc, cũng có người nói cái khác là gốc, tôi nói chính cái này là gốc”.

Ngày 12/4/1965, Bác Hồ gửi thư tới các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ ngoài biển Vĩnh Linh (Quảng Trị) đó kiên cường đương đầu với máy bay và tàu chiến Mỹ bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc, lập được nhiều chiến công và được phong là “Hòn đảo Anh hùng”. Trong thư Bác động viên: “Các chú cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, khó không nản, thắng không kiêu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-124-khanh-thanh-nha-may-may-co-khi-ha-noi-thiet-lap-ngoai-giao-voi-cong-hoa-phap-249901.html