Ngay mùa hạn mặn, người nuôi tôm ở Bạc Liêu thiếu nước mặn nuôi tôm

Hiện nay, nước mặn chưa đảm bảo để người nuôi tôm khu vực phía Bắc quốc lộ 1A (tỉnh Bạc Liêu) lấy nước vào cải tạo ao nuôi.

Trong những ngày qua - ngay mùa hạn mặn, khi các địa phương trong vùng chuyên canh đang cần nước ngọt cho vụ lúa Đông Xuân thì ở những vùng chuyển đổi, người dân cũng bước vào vụ nuôi tôm lại cần nguồn nước mặn, đặc biệt là khu vực phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu.

Trông chờ nguồn nước mặn

Theo lịch thời vụ sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh thì vùng Bắc quốc lộ 1A, vụ tôm 2023 bắt đầu từ tháng 1 và kết thúc vào tháng 6 âm lịch.

Cán bộ nông nghiệp kiểm độ mặn tại một tuyến kênh trên địa bàn huyện Hồng Dân.

Cán bộ nông nghiệp kiểm độ mặn tại một tuyến kênh trên địa bàn huyện Hồng Dân.

Huyện Hồng Dân nằm ở vùng giáp nước giữa triều cường biển Tây và phụ thuộc vào lịch điều tiết nước mặn phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Độ mặn đo tại các cống trên địa bàn như: Cầu Sắt 0,22‰, Sáu Hỷ 0,14‰...

Nhiều xã khác như: Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A... vẫn đang trong tình trạng còn thiếu và chưa đủ mặn.

Theo kế hoạch, năm nay nông dân vùng chuyển đổi của huyện phấn đấu sản xuất hơn 26.200ha mặt nước nuôi tôm theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp với các loài thủy sản khác.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 1, bà con mới cải tạo ao đầm được hơn 20% diện tích. Nguyên nhân chính là do nước mặn trên các tuyến kênh còn thấp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn (ngụ xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) lo lắng cho biết, hiện nay gia đình cũng đã cải tạo xong ao đầm với trên 2ha đất nuôi tôm quảng canh, nhưng chưa dám thả giống vì độ mặn chưa đạt.

“Độ mặn ở kênh còn thấp quá chỉ từ 1 - 2‰, nên không dám thả tôm được. Nếu lấy vào thả tôm là tôm chết ngay, phải chờ đủ mặn mới lấy được, năm nay mặn về trễ quá”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Cống âu thuyền Ninh Quới điều tiết mặn, ngọt khu vực giáp ranh giữa Bạc Liêu với Sóc Trăng.

Cống âu thuyền Ninh Quới điều tiết mặn, ngọt khu vực giáp ranh giữa Bạc Liêu với Sóc Trăng.

Còn anh Nguyễn Thanh Hơn (ngụ xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân chia sẻ: “Năm nay cũng như năm trước, nước mặn về trễ nên đến nay, nhiều hộ không thể thả tôm nuôi.

Bên cạnh đó, trong mấy ngày qua, mưa trái mùa liên tục khiến cho việc cải tạo ao đầm gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu tới vụ lúa mà mưa xuất hiện trễ hoặc lượng mưa ít thì nông dân rất khó cải tạo, xuống giống”.

Theo kinh nghiệm của ông Đồng Minh Triều, (ngụ ấp Sơn Trắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân): “Sau khi làm sạch đáy ao vuông mới đưa nước vào ngâm trong vài ngày.

Sau đó, tiến hành dọn cỏ rồi xả nước ra và tiếp tục đưa nước mặn ngoài kênh vào ao lắng, xử lý kỹ thuật và thả dèo tôm giống từ 45 – 60 ngày sẽ thả tôm nuôi trên diện rộng thì mới đạt hiệu quả”, ông Triều nói.

Từ khoảng 6.000 ha khi mới bắt tay vào chuyển đổi vào năm 2001, đến nay diện tích canh tác tôm - lúa trên địa bàn tỉnh đã tăng lên gần 40.000ha (chiếm hơn 30% diện tích nuôi tôm trong tỉnh).

Hiện tại, mô hình này cho tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.

Hiện tại, độ mặn khu vực phía Bắc quốc lộ 1A (tỉnh Bạc Liêu) chưa đảm bảo để người dân lấy nước vào ao cải tạo nuôi tôm.

Hiện tại, độ mặn khu vực phía Bắc quốc lộ 1A (tỉnh Bạc Liêu) chưa đảm bảo để người dân lấy nước vào ao cải tạo nuôi tôm.

Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của thời tiết do biến đổi khí hậu, câu chuyện con tôm khát mặn, cây lúa chờ ngọt đã không còn là chuyện hiếm gặp đối với nông dân trong vùng chuyển đổi.

Việc này đòi hỏi các địa phương trong vùng chuyển đổi phải chủ động đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật để mô hình tôm - lúa tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chủ động điều tiết nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Theo ông Sử An Bình, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), đối với vùng phía Bắc quốc lộ 1A bắt đầu xuống giống từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch thì hiện nay độ mặn trên địa bàn huyện Hồng Dân chưa đáp ứng việc thả giống.

“Năm nay, dự kiến nông dân vùng chuyển đổi của huyện phấn đấu thả giống trên 26.260ha mặt nước nuôi tôm.

Trong đó, tôm - lúa là hơn 24.700ha, còn lại theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp với các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, đến nay nông dân mới cải tạo ao đầm được khoảng 40 – 60% diện tích.

Nguyên nhân chính là do nước mặn trên các tuyến kênh còn thấp, nơi cao nhất chỉ đạt 5‰, trong khi đó độ mặn nuôi tôm thích hợp nhất phải đạt từ 10 - 15‰”, ông Bình thông tin thêm.

Nạo vét kênh thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lấy nước vào cải tạo ao nuôi tôm.

Nạo vét kênh thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lấy nước vào cải tạo ao nuôi tôm.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phong, cán bộ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bạc Liêu, những năm trước đây, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với vùng giáp ranh 2 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu rất mạnh.

Thậm chí có năm, nước mặn còn xâm nhập mặn cả hàng chục cây số vào trong nội đồng của thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng).

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã yêu cầu Sở TN&MT hàng tháng phải lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc này để phục vụ việc sản xuất của người dân...

Nhất là kịp thời, thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động điều tiết, sử dụng nước hiệu quả, phù hợp với khả năng nguồn nước cho từng thời kỳ.

Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo phòng chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động điều tiết nước ở các cống trên địa bàn, như: Khúc Tréo; Sư Son; Nọc Nạng; cống Giá Rai; cống Hộ Phòng; cống Âu thuyền Ninh Quới…

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngay-mua-han-man-nguoi-nuoi-tom-o-bac-lieu-thieu-nuoc-man-nuoi-tom-d582310.html