Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa VIII: Xem xét các báo cáo và bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Sáng nay 6/12, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Đăng Quang và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Trần Huy, kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục chương trình làm việc. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tham dự.

Toàn cảnh phiên họp sáng nay 6/12 - Ảnh: Lê Minh

Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng giải quyết hiệu quả 29 kiến nghị của cử tri trên 5 lĩnh vực gồm nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa xã hội, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, đầu tư xây dựng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri - Ảnh: Minh Đức

Các kiến nghị tập trung vào các nhu cầu về nước sạch ở xã Hải An, huyện Hải Lăng và một số khu vực nông thôn của huyện Triệu Phong; xói lở đê kè, bờ sông Sa Lung (huyện Vĩnh Linh), sông Ô Lâu, Thác Ma (huyện Hải Lăng) sông Đakrông (huyện Đakrông), sông Thạch Hãn, Vĩnh Định, Ái Tử (huyện Triệu Phong)... Đầu tư hệ thống thủy lợi ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh; bảo vệ rừng ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Giải quyết tình trạng xâm canh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân, bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong thu hồi đất và tài sản thực hiện các dự án, công trình. Đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông, các trạm y tế, nhà ở công vụ cho giáo viên vùng cao; quy hoạch đất để xây dựng các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, nâng cấp các công trình di tích...

Nhìn chung các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được các cơ quan chức năng, tổ chức giải quyết có trách nhiệm, nghiên cứu và xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, bức xúc đang được dư luận xã hội quan tâm; các phương án giải quyết đều bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy trình bày báo cáo kết quả giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri - Ảnh: Minh Đức

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy báo cáo kết quả giám sát giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII. Tại kỳ họp thứ 18, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo với cử tri và chuyển kiến nghị của cử tri đến UBND tỉnh theo các nhóm vấn đề, lĩnh vực, với tổng số 104 kiến nghị.

Về kết quả giải quyết, nhóm kiến nghị đã giải quyết: 14/104 kiến nghị; nhóm kiến nghị đang giải quyết: 36/104 kiến nghị; nhóm kiến nghị giải trình, thông tin: 34/104 kiến nghị; nhóm kiến nghị chưa giải quyết, trả lời: 20/104 kiến nghị.

Kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 18 (trình kỳ họp thứ 21), đã được UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan xem xét giải quyết, trả lời. Tiếp tục báo cáo một số kiến nghị của cử tri đang giải quyết và chưa giải quyết đã gửi đến kỳ họp thứ 18 (trình kỳ họp thứ 18). Các sở, ban, ngành liên quan với trách nhiệm được giao chủ trì đã khẩn trương chỉ đạo giải quyết, trả lời có chất lượng, đạt tỉ lệ cao, nội dung thông tin cơ bản chính xác, đầy đủ, rõ ràng những vấn đề cử tri kiến nghị.

Kịp thời gửi văn bản giải trình đến Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, có những kiến nghị đã giải quyết kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định tình hình và phát triển KT-XH, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ở địa phương nơi có kiến nghị. Nhiều kiến nghị đang giải quyết được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan trả lời, nêu rõ lộ trình, cam kết thực hiện.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Lê Minh

Kỳ họp đã nghe Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh báo cáo kết quả hoạt động của ban năm 2023 và dự kiến chương trình công tác năm 2024; báo cáo thẩm tra các nội dung liên quan đến kinh tế ngân sách trình kỳ họp. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh được phân công thẩm tra 18 dự thảo nghị quyết cá biệt, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khởi trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Lê Minh

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khởi trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung được trình tại kỳ họp. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Nguyễn Tài Ba trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2023, chương trình công tác năm 2024.

Đại biểu biểu quyết thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu - Ảnh: Minh Đức

Kỳ họp đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với nguyên Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Thanh và nguyên Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng; công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

Bàn giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cũng trong sáng nay, báo cáo tại kỳ họp về Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết: Quy hoạch này tích hợp bao trùm nhiều ngành, lĩnh vực, lãnh thổ với khối lượng công việc rất lớn, được tiến hành theo phương pháp mới, chưa có tiền lệ nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tổ chức thực hiện nghiêm túc, khẩn trương cùng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các nhà khoa học, các đơn vị tư vấn có tầm cỡ trong nước và quốc tế nên đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch quốc gia nhất trí thông qua, đã hoàn thành theo góp ý và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo hành lang pháp lý, chiến lược phát triển để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế và cơ sở, từ đó thu hút đầu tư, huy động nguồn lực triển khai các chương trình, đề án, dự án phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung báo cáo về Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: Minh Đức

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030 hướng đến là phát triển tỉnh Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước và có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; phát triển hài hòa giữa các mục tiêu: kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh quốc phòng - hợp tác khu vực, quốc tế. Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, sớm hình thành trung tâm hydro xanh; một trong những trung tâm năng lượng sạch của vùng và cả nước.

Để đạt được mục tiêu, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và 13 nhóm giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.

Làm rõ về nhóm giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp phục vụ Quy hoạch tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, trong năm 2023, giá trị hiện hành của ngành nông nghiệp ước đạt trên 9.032 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt trên 5,41%, có 7/8 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhất là sản lượng lương thực đạt cao nhất lịch sử hơn 30,59 vạn tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tiếp tục trên đà tăng trưởng, đạt trên 59.000 tấn, tăng 5,5% so với năm trước, đạt 101% kế hoạch đề ra; có 74/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Những tiềm năng, lợi thế, dư địa có thể khai thác trên các lĩnh vực, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bình quân chung trên lĩnh vực của ngành giai đoạn 2020 -2025; đồng thời đảm bảo tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, với mục tiêu tiếp tục xác định nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” của nền kinh tế, đề xuất tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2024 đạt từ 2,5-3%. Để đạt được mục tiêu này trong năm 2024, cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe làm rõ về nhóm giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp phục vụ Quy hoạch tỉnh - Ảnh: Lê Minh

Đối với lĩnh vực trồng trọt, cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất, phấn đấu năm 2024 có 10.000 ha cây trồng các loại được sử dụng drone và các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; tập trung xây dựng, hình thành các kế hoạch/dự án liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực; tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng lớn, nâng tỉ lệ diện tích sử dụng chất lượng cao đạt trên 85% diện tích gieo cấy... Phấn đấu sản lượng lương thực đạt 28 vạn tấn và giá trị trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ (dự kiến giá trị tăng thêm lĩnh vực trồng trọt đạt khoảng 50 tỉ đồng).

Lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tập trung tái đàn lợn, nâng cao chất lượng đàn bò; hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án chăn nuôi quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đi vào hoạt động... Đối với lĩnh vực thủy sản, duy trì số lượng tàu đánh bắt hiện có, vận động ngư dân tăng cường bám biển khai thác đúng mùa vụ, ngư trường, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân có năng lực đầu tư vào dịch vụ hậu cần nghề cá; tiếp tục đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để hiện thực hóa các dự án đầu tư sản xuất và chế biến thủy sản để nâng sản lượng tôm nuôi.

Trong lâm nghiệp, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng giá trị gỗ rừng trồng thông qua đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và chế biến gỗ; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; khai thác có hiệu quả lâm sản ngoài gỗ gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; đa dạng hóa dịch vụ môi trường rừng. Dự kiến giá trị tăng thêm lĩnh vực lâm nghiệp đạt khoảng 30 tỉ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới tư duy sản xuất cho người dân; đổi mới nâng cao chất lượng các HTX nông nghiệp, nhân rộng mô hình các HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả; thực hiện tốt mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới...

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trường Khoa nêu các giải pháp đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại phục vụ Quy hoạch tỉnh - Ảnh: Lê Minh

Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trường Khoa cho biết, đến nay tổng công suất phát điện thương mại các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đã lên đến gần 1.100 MW, trong đó thủy điện 167,5 MW, điện gió 713,4MW, điện mặt trời 119,6 MW (149,5MWp) và hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 90,2 MW. Như vậy, tổng công suất phát điện thương mại của các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2023 đã tăng hơn 3 lần so với năm 2020, trong đó, các dự án năng lượng tái tạo chiếm hơn 94% trong tổng công suất phát điện trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 12 dự án điện gió (tổng công suất 454MW), 7 dự án thủy điện nhỏ (tổng công suất 93MW), 1 dự án nhiệt điện (1.320MW), 2 dự án điện khí (tổng công suất 1840MW) đã được phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư.

Đặc biệt, lưới điện truyền tải được đầu tư rộng khắp, hiện đại trên địa bàn toàn tỉnh, Nhìn chung, hạ tầng phát triển năng lượng đảm bảo việc liên kết ngành, liên kết vùng trong quy hoạch và phát triển năng lượng tại địa phương.

Về phát triển nhiên liệu xanh, theo dự báo, ngành công nghiệp hydro và thị trường hydro sẽ phát triển nhanh giai đoạn sau 2025. Để đón đầu phát triển trong lĩnh vực này, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nghiên cứu, xác định địa điểm đầu tư và triển khai đầu tư các dự án sản xuất hydro, amoniac từ năng lượng tái tạo với quy mô công suất trên 120.000 tấn/năm.

Thông tin về kỳ họp sẽ được Báo Quảng Trị online tiếp tục cập nhật.

Lê Minh - Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/ngay-lam-viec-thu-2-ky-hop-thu-21-hdnd-tinh-khoa-viii-xem-xet-cac-bao-cao-va-cong-bo-ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem/181864.htm